Ngày 01/7/2009, Luật BHYT đầu tiên của Việt Nam chính thức có hiệu lực thi hành, đây là cơ sở pháp lý cao nhất đầu tiên để thể chế hóa quan điểm của Đảng và nhà nước ta về phát triển BHYT toàn dân nhằm từng bước đạt tới công bằng trong chăm sóc sức khỏe, thực hiện sự chia sẻ giữa người khỏe với người ốm, người giàu với người nghèo, người trong độ tuổi lao động với trẻ em, người già.
Ngày 1/7, năm nay, tròn 15 năm triển khai thực hiện Luật BHYT đầu tiên, với sự vào cuộc và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, hướng tới mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân, chính sách BHYT của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Hôm nay cũng là năm thứ 15 thực hiện Quyết định số 823/QĐ-TTg ngày 16/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc lấy ngày 1/7 hàng năm là "Ngày BHYT Việt Nam".
Bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế cho biết, năm 2009 là năm đầu tiên thực hiện Luật BHYT, tỷ lệ bao phủ BHYT là 58% dân số, tăng 11% so với năm 2008. Năm 2015, năm thực hiện Luật BHYT sửa đổi, bổ sung, số người tham gia BHYT là 68,5 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 74,9% dân số; năm 2019 số người tham gia BHYT là 85,7 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ đạt 89,1% dân số.
Tính đến 31/12/2023, số người tham gia BHYT là hơn 93,307 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 93,35% dân số.
Số lượt người có thẻ BHYT đi khám chữa bệnh tăng nhanh qua từng năm. Năm 2010 có 102 triệu lượt (93,7 triệu lượt khám chữa bệnh ngoại trú và 8,3 triệu lượt điều trị năm nội trú). Năm 2015, có 130,2 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT, trong đó số lượt khám chữa bệnh ngoại trú là 118,2 triệu lượt, số lượt khám chữa bệnh nội trú là 12 triệu lượt.
Năm 2019, số lượt khám chữa bệnh BHYT là 184 triệu lượt, trong đó, số lượt khám chữa bệnh BHYT ngoại trú là 166,9 triệu lượt, số lượt khám chữa bệnh BHYT nội trú là 17,1 triệu lượt đều tăng so với năm 2018.
Trong giai đoạn 2020 - 2022, do ảnh hưởng của dịch COVID-9, số lượt khám chữa bệnh BHYT giảm so với giai đoạn 2015 - 2019. Năm 2020, số lượt khám chữa bệnh BHYT toàn quốc là 167,3 triệu lượt, giảm 16,7 triệu lượt so với năm 2019. Năm 2022 khi tình hình dịch bệnh COVID-19 đã ổn định hơn, số lượt khám chữa bệnh BHYT tăng lên 150,4 triệu lượt, tăng 24 triệu lượt so với năm 2021.
Ước đến tháng 6/2024, cả nước có khoảng 89,552 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT nội trú và ngoại trú, tăng hơn 6,5 triệu lượt người (tương đương 7,91%) so với cùng kỳ năm 2023.
"Quyền lợi của người tham gia BHYT được đảm bảo. Nhìn chung, phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT tương đối toàn diện, bao gồm: chi phí dịch vụ kỹ thuật khám chữa bệnh, thuốc, máu, dịch truyền, vật tư y tế, hóa chất khi người tham gia BHYT đi khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con tại cơ sở khám chữa bệnh"- bà Trần Thị Trang nói.
Ngoài ra quỹ BHYT còn chi trả chi phí vận chuyển người bệnh từ tuyến huyện lên tuyến tỉnh và tuyến trung ương đối với một số đối tượng ưu tiên như người thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng, trẻ em dưới 6 tuổi… trong trường hợp cấp cứu hoặc khi đang điều trị nội trú phải chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật; quỹ BHYT cũng trích một phần chi phí từ số thu BHYT cho các đơn vị trường học, cơ quan/tổ chức để phục vụ công tác khám chữa bệnh trong chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Hàng năm, bình quân quỹ BHYT chi trả từ 87% - 89% tổng chi phí khám chữa bệnh BHYT, người tham gia BHYT có trách nhiệm đồng chi trả từ 11% - 13%.
Cũng theo bà Trang, quyền lợi về khám chữa bệnh BHYT có xu hướng ngày càng được mở rộng nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người tham gia BHYT, sự thay đổi về mô hình bệnh tật, sự phát triển của khoa học công nghệ trong lĩnh vực y tế, khả năng cân đối quỹ BHYT và khả năng chi trả của người tham gia, đồng thời hướng tới mục tiêu giảm chi tiền túi từ hộ gia đình cho chi tiêu y tế.
Danh mục thuốc (bao gồm cả thuốc tân dược và thuốc y học cổ truyền, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế), vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật BHYT luôn được rà soát để cập nhật phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn và năng lực thực hiện dịch vụ kỹ thuật vừa để đảm bảo quyền lợi của người có thẻ khi đến cơ sở y tế, vừa là yêu cầu nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của cơ sở y tế.
Từ khi thực hiện Luật BHYT, hầu hết các cơ sở y tế công lập có chức năng khám chữa bệnh đều tham gia ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT trực tiếp với cơ quan BHXH, gần 10 nghìn trạm y tế xã/phường/thị trấn cũng tham gia khám chữa bệnh BHYT thông qua hợp đồng do các bệnh viện huyện hoặc Trung tâm y tế hoặc cơ sở khám chữa bệnh được Sở Y tế giao nhiệm vụ quản lý ký với cơ quan BHXH.
Cùng đó, đến hết ngày 31/12/2022, số cơ sở ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT là 2.835 cơ sở, gồm 1.768 cơ sở công lập và 1.067 cơ sở ngoài công lập.
"Các thủ tục hành chính, quy trình khám bệnh, chữa bệnh, quy trình thủ tục thanh toán và ngày càng được cải cách mạnh mẽ và ứng dụng công nghệ thông tin ngày càng được đẩy mạnh nhằm giảm phiền hà, tạo điều kiện cho người bệnh trong tiếp cận dịch vụ y tế, tạo thuận lợi cho cơ quan, tổ chức trong tổ chức thực hiện chính sách BHYT"- Vụ trưởng Trần Thị Trang thông tin.
Nhằm tiếp tục tăng cường vận động, huy động các cấp ủy đảng, chính quyền và mọi tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chính sách, pháp luật BHYT gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/ 2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ BHYT, Bộ Y tế lựa chọn chủ đề truyền thông của năm 2024 là: "Sử dụng hiệu quả quỹ BHYT và nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại y tế cơ sở".
Trong dịp 1/7 năm nay, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với BHXH và các ban, ngành tại địa phương tham mưu, trình UBND tỉnh tổ chức các hình thức tuyên truyền phù hợp với các nhóm đối tượng tham gia BHYT tại địa phương, bao gồm cả việc yêu cầu các cán bộ, viên chức ngành y tế phải không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đảm bảo quyền lợi người bệnh theo quy định của pháp luật, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ BHYT và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT đặc biệt là chất lượng khám chữa bệnh BHYT tại y tế cơ sở.
Những thông điệp truyền thông về BHYT chủ yếu là:
BHYT là chính sách an sinh xã hội rất nhân văn, nhân đạo và rất cần sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội để thực hiện tốt chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật về BHYT của Nhà nước.
Vụ trưởng Vụ BHYT Trần Thị Trang cho biết hiện nay, Bộ Y tế đang xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT và nhiều thông tư hướng dẫn thực hiện BHYT để nâng cao chất lượng và bảo đảm cung ứng đủ thuốc, thiết bị y tế cho khám bệnh, chữa bệnh, cải cách thủ tục khám bệnh, chữa bệnh BHYT nghiên cứu mở rộng phạm vi quyền lợi BHYT, tăng cường các giải pháp quản lý hiệu quả, tiết kiệm quỹ BHYT đáp ứng sự hài lòng của người dân...
Nguồn tin: Khoa TT GDSK:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn