WHO khuyến cáo hiệu quả của tiêm vaccine HPV đạt mức cao nhất khi tiêm cho trẻ từ 9 - 14 tuổi. Trẻ em từ 9 tuổi có thể tiêm vaccine một cách an toàn. Trẻ lớn hơn, thanh thiếu niên và thanh niên dưới 26 tuổi cũng có thể được hưởng lợi từ việc tiêm phòng HPV.
Vaccine HPV phòng ngừa ung thư cổ tử cung ban đầu được khuyên dùng cho bé gái nhưng hiện nay, tiêm phòng HPV được khuyến nghị cho tất cả trẻ em trong độ tuổi, bất kể giới tính.
1. VACCINE HPV LÀ GÌ?
Hiện nay, có 2 loại vaccine HPV là Gardasil 4 và Gardasil 9 đều được sản xuất tại Mỹ. Hai loại vaccine HPV này có một số điểm khác nhau cơ bản về số lượng type virus HPV có thể phòng ngừa, đối tượng tiêm, lịch tiêm cũng như tác dụng phòng ngừa.
Vaccine Gardasil 4 được sản xuất bởi hãng dược phẩm nổi tiếng hàng đầu thế giới MSD (Merck Sharp & Dohme, Mỹ) giúp phòng ngừa ung thư cổ tử cung, âm hộ, âm đạo, các tổn thương tiền ung thư, loạn sản, mụn cóc sinh dục và bệnh lý do nhiễm virus HPV type 6, 11, 16, 18. Gardasil được chỉ định tiêm chủng cho bé gái và nữ giới từ 9-26 tuổi, bất kể đã có gia đình hay quan hệ tình dục hay chưa.
Gardasil 9 là loại vaccine phòng ngừa 9 type virus HPV (6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58) gây các bệnh nguy hiểm như ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ, ung thư âm đạo, ung thư hậu môn, ung thư hầu họng, mụn cóc sinh dục… hiệu quả lên đến trên 94%.
Đặc biệt, Gardasil 9 là loại vaccine đầu tiên phòng HPV dành cho cả nam và nữ từ 9 đến dưới 27 tuổi. Được sản xuất bởi hãng dược phẩm nổi tiếng hàng đầu thế giới MSD (Merck Sharp & Dohme, Mỹ), đang được tiêm ở 84 quốc gia và 15 vùng lãnh thổ, chứng minh tính an toàn và hiệu quả cao.
Gardasil 9 có thể tiêm gộp chung cùng nhiều vaccine khác trong cùng 1 buổi tiêm để đạt được hiệu quả phòng bệnh toàn diện.
Gardasil 9 được tiêm dưới dạng một loạt hai hoặc ba mũi tiêm tùy theo độ tuổi và tình trạng bệnh lý:
Trẻ em dưới 15 tuổi: Nhóm tuổi này được tiêm mũi thứ hai từ 6 tháng đến 1 năm sau lần tiêm mũi đầu tiên. Nếu cả hai mũi tiêm cách nhau dưới 5 tháng thì nên tiêm vaccine thứ ba.
Những người từ 15 đến 26 tuổi: Những người trong độ tuổi này được khuyến khích tiêm ba mũi. Liều thứ hai được tiêm sau liều đầu tiên từ 1 đến 2 tháng và liều thứ ba được khuyến nghị tiêm sau liều thứ hai 4 tháng.
Những người bị suy giảm miễn dịch từ 9 đến 26 tuổi: Những người trong nhóm này cần tiêm ba mũi. Lịch trình dùng thuốc giống như lịch trình được khuyến nghị cho những người từ 16 đến 26 tuổi.
2. TẠI SAO TRẺ NÊN TIÊM VACCINE HPV?
Nhiều bậc cha mẹ thắc mắc tại sao nên tiêm vaccine HPV cho trẻ nhỏ. Vaccine này không phải là thuốc chữa khỏi virus HPV mà là một biện pháp phòng ngừa để giúp bảo vệ con mình khỏi căn bệnh nghiêm trọng. Nó có hiệu quả nhất khi được sử dụng trước khi bắt đầu hoạt động tình dục.
Vaccine HPV có thể bảo vệ con bạn khỏi một số bệnh ung thư cũng như mụn cóc sinh dục. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), HPV gây ra:
· Hơn 90% của tất cả các bệnh ung thư hậu môn và cổ tử cung.
· Khoảng 70% trường hợp ung thư âm đạo và âm hộ.
· 60% bệnh ung thư dương vật.
Các bệnh ung thư liên quan đến phơi nhiễm HPV là:
· Ung thư cổ tử cung.
· Ung thư dương vật.
· Ung thư hậu môn.
· Ung thư âm đạo.
· Ung thư âm hộ.
· Ung thư vòm họng (tế bào vảy hầu họng).
Trẻ em từ 9 tuổi có thể tiêm vaccine HPV phòng ung thư cổ tử cung một cách an toàn.
3. KHI NÀO TRẺ CẦN TIÊM VACCINE PHÒNG HPV?
Vaccine HPV hoạt động tốt nhất nếu được tiêm trước khi tiếp xúc với virus. HPV lây lan qua quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn hoặc miệng với người bị nhiễm HPV. Theo CDC khuyến nghị, trẻ em nên tiêm vaccine HPV ở độ tuổi từ 9-14 tuổi trước khi chúng bắt đầu hoạt động tình dục.
Một số trẻ có thể được hưởng lợi từ việc tiêm chủng sớm hơn. Nếu nghĩ rằng việc tiêm chủng muộn hơn có thể là một thách thức đối với con bạn hoặc bạn nghĩ rằng chúng có thể đang thử nghiệm sự "thân mật" sớm, thì chúng có thể được tiêm chủng bắt đầu từ 9 tuổi.
Thanh thiếu niên chưa được tiêm chủng ở độ tuổi 11 hoặc 12 vẫn có thể tiêm chủng. Nếu đã tiếp xúc với HPV, vaccine có thể không hiệu quả. Tuy nhiên, nó vẫn được sử dụng cho những thanh niên độ tuổi 26. Trong một số trường hợp, người lớn tuổi cũng có thể chọn tiêm vaccine.
Lịch tiêm vaccine Gardasil 9 được khuyến cáo như sau:
Trẻ từ tròn 9 tuổi đến dưới 15 tuổi tại thời điểm tiêm lần đầu tiên:
Phác đồ 2 mũi:
· Mũi 1: lần tiêm đầu tiên trong độ tuổi.
· Mũi 2: cách mũi 1 từ 6-12 tháng.
· Nếu mũi 2 tiêm cách mũi 1 < 5 tháng, cần tiêm mũi 3 cách mũi 2 ít nhất 3 tháng.
Phác đồ 3 mũi (0-2-6) *:
Mũi 1: Lần tiêm đầu tiên trong độ tuổi.
Mũi 2: Cách mũi 1 ít nhất 2 tháng.
Mũi 3: Cách mũi 2 ít nhất 4 tháng.
Tuổi tròn từ 15 đến dưới 27 tuổi tại thời điểm tiêm lần đầu tiên:
Phác đồ 3 mũi (0-2-6) *:
Mũi 1: Lần tiêm đầu tiên trong độ tuổi.
Mũi 2: Cách mũi 1 ít nhất 2 tháng.
Mũi 3: Cách mũi 2 ít nhất 4 tháng.
Phác đồ tiêm nhanh:
Mũi 1: Lần tiêm đầu tiên trong độ tuổi.
Mũi 2: Cách mũi 1 ít nhất 1 tháng.
Mũi 3: Cách mũi 2 ít nhất 3 tháng.
4. CÁC TÁC DỤNG PHỤ CỦA VACCINE HPV
Kể từ khi được sử dụng đến nay, hàng triệu người đã được tiêm phòng vaccine HPV và cho đến nay, không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào xuất hiện do vaccine HPV gây ra. Mặt khác, người tiêm chủng có thể gặp phản ứng phụ nhẹ đến trung bình sau khi tiêm vaccine HPV như:
Phản ứng tại chỗ tiêm: Đau, sưng, nổi ban đỏ, chai cứng, ngứa, bầm tím, tăng nhạy cảm tại chỗ tiêm.
Các phản ứng toàn thân khác: Sốt, nhức đầu, mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn.
Do đó, nếu bạn xuất hiện những dấu hiệu bất thường sau khi tiêm có thể là dấu hiệu ở da niêm (nổi mề đay, ngứa…), hô hấp (khó thở), ngất xỉu, đau quặn bụng… thì hãy liên hệ ngay với cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.
5. ĐƯA TIÊM VACCINE HPV VÀO CHƯƠNG TRÌNH TIÊM CHỦNG MỞ RỘNG TỪ NĂM 2026
Theo PGS.TS. Dương Thị Hồng, dự phòng nhiễm HPV cũng chính là dự phòng ung thư cổ tử cung và các bệnh do HPV gây ra và biện pháp hiệu quả nhất là tiêm vaccine HPV. Ung thư cổ tử cung là một trong rất ít bệnh ung thư mà hiện nay đã có vaccine dự phòng.
PGS.TS. Dương Thị Hồng cho biết, ngày 15/8/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 104/NQ-CP về lộ trình tăng số lượng vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2021 – 2030, theo đó đưa vaccine phòng bệnh ung thư cổ tử cung vào chương trình từ năm 2026; đồng thời cho phép các địa phương nếu bố trí được kinh phí thì có thể triển khai sớm hơn cho người dân. Đây là tiền đề, cơ sở rất quan trọng để các địa phương chủ động bố trí kinh phí triển khai tiêm vaccine HPV cho người dân.
"Hiện nay, vaccine HPV chưa được đưa vào trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, người dân phải trả tiền với chi phí cao hàng triệu đồng/mũi tiêm tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ. Tới đây với sự hỗ trợ của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, WHO, UNICEF, GAVI, chúng ta sẽ cố gắng tiếp cận việc cung ứng vaccine HPV trong chương trình Tiêm chủng mở rộng với giá thành khoảng 6,5 USD/liều vaccine.", PGS.TS. Dương Thị Hồng nói.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bến Tre có tiêm chủng vaccine HPV, mọi chi tiết xin liên hệ 02753.827110 (Phòng tiêm ngừa), cơ sở 1, địa chỉ 230 Nguyễn Văn Tư, phường 7, Thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre.