Thực tế, gan, thận và hệ thống miễn dịch sẽ thực hiện quá trình giải độc tự nhiên, tuy nhiên có thể hỗ trợ các cơ quan này thải độc bằng cách cung cấp những chất dinh dưỡng phù hợp để loại bỏ các độc tố gây hại ra khỏi cơ thể. Không chỉ thải độc mà quá trình giảm cân lành mạnh cũng đòi hỏi chúng ta cần tập trung vào các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, đồng thời tránh các các chất kích thích, chất ô nhiễm, thực phẩm chế biến sẵn và có hàm lượng calo cao. Bằng cách này, bạn có thể hạn chế được cơn thèm ăn và có nhiều năng lượng hơn cho hoạt động thể chất.
Thực phẩm lành mạnh có hiệu quả trong việc tăng cường sức đề kháng. Ngoài ra, một số thực phẩm được cho là giúp cơ thể thải độc. Chế độ ăn uống bổ sung những thực phẩm lành mạnh có thể giúp cải thiện tiêu hóa. Những thực phẩm này giúp thải độc tố ra khỏi cơ thể, từ đó thúc đẩy quá trình trao đổi chất. Khi hệ tiêu hóa và trao đổi chất khỏe mạnh sẽ giúp bạn đạt được mục tiêu giảm cân.
Nghiên cứu cho thấy, chế độ ăn ưu tiên thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật, tập trung vào trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, quả hạch và hạt. Những thực phẩm này rất giàu vitamin, khoáng chất, chất xơ và chất chống oxy hóa thiết yếu sẽ hỗ trợ giải độc và giảm cân.
Ngoài ra, việc áp dụng các công thức nấu ăn đơn giản như hấp, luộc, sử dụng salad rau và trái cây, uống nhiều nước, trà thảo mộc có thể hỗ trợ quá trình thải độc cơ thể. Bạn nên kết hợp nhiều loại thực phẩm khác nhau bao gồm:
Chất chống oxy hóa là những chất có thể bảo vệ các tế bào trong cơ thể khỏi tổn thương bởi các gốc tự do. Các chất chống oxy hóa có trong thực phẩm bao gồm: vitamin A và các carotenoid, selen, vitamin C và E cùng với các chất hóa học thực vật khác nhau như lycopene, lutein và quercetin.
Theo TS.BS. Trần Thị Bích Nga, nguyên Giảng viên chuyên khoa Dinh dưỡng, Đại học Y Hà Nội, chất chống oxy hóa thường có trong thực phẩm có nguồn gốc thực vật như các loại trái cây và rau củ. Các hợp chất thực vật trong nhóm thực phẩm này có thể hỗ trợ thải độc, ngăn chặn hoặc hạn chế tổn thương gây ra bởi các gốc tự do dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh như ung thư, đái tháo đường, bệnh tim và đột quỵ.
Prebiotic là thành phần thực phẩm có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của các vi khuẩn có ích trong đường ruột, hỗ trợ sức khỏe đường tiêu hóa và tăng cường hệ miễn dịch.
Một số nghiên cứu cũng đang xem xét những lợi ích tiềm năng của thực phẩm chứa prebiotic như cải thiện khả năng hấp thụ canxi, giảm nguy cơ dị ứng và các tác động tích cực khác đối với quá trình trao đổi chất.
Prebiotic thường được tìm thấy trong một số loại rau (rau diếp xoăn, atisô, tỏi, tỏi tây, hành, măng tây…); ngũ cốc nguyên hạt (lúa mì nguyên hạt, lúa mạch, bột yến mạch và ngô nguyên hạt) và các nguồn tinh bột kháng (như chuối chưa chín).
Chất xơ được biết đến với vai trò đặc biệt đối với sức khỏe tiêu hóa. Ngoài ra, nó còn có tác dụng kiểm soát cholesterol và lượng đường trong máu. Chất xơ còn hỗ trợ giảm cân, ngăn ngừa béo phì và thậm chí giảm nguy cơ ung thư.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, chất xơ trong thực phẩm thúc đẩy quá trình tiêu hoá, giúp tống chất phế thải ra khỏi cơ thể nhanh hơn, do đó giảm sự tồn tại của các chất độc trong cơ thể. Hầu hết các loại thực phẩm giàu chất xơ thường ít calo, đường và chất béo, vì vậy chúng thường tốt cho sức khỏe tiêu hóa, giúp giảm cân hiệu quả.
Nguồn thực phẩm giàu chất xơ bao gồm: các loại rau, đậu, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt…
Nhiều người tránh thực phẩm có chất béo trong quá trình thanh lọc cơ thể nhưng ăn chất béo lành mạnh từ các nguồn thực vật thực sự có lợi.
Thực phẩm thực vật chứa chất béo lành mạnh bao gồm: dầu ô liu, dầu đậu phộng, dầu ngô, dầu đậu nành, dầu hướng dương, quả óc chó, quả bơ và các loại hạt.
Uống đủ nước là chìa khóa cho mọi mục tiêu sức khỏe, bao gồm giúp thải độc cơ thể và giảm cân.
Nước hỗ trợ giảm cân vì nó không chứa calo và có thể làm tăng tốc độ trao đổi chất. Uống nước cũng có thể ngăn chặn sự thèm ăn một cách tự nhiên vì nó đi qua hệ tiêu hóa nhanh chóng và làm căng dạ dày.
Điều quan trọng là nên lựa chọn loại nước uống thích hợp. Bạn nên hạn chế uống rượu, cà phê và đồ uống có đường. Thay vào đó nên chuyển sang uống trà thảo mộc, trà xanh, cà phê không đường, nước khoáng, nước lọc; nước trái cây và rau quả, nước chanh, nước dừa; các loại sữa có nguồn gốc thực vật như sữa gạo, sữa hạnh nhân…
Nguồn tin: Mỹ Tuyết (Theo SKĐS):
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn