Ăn quá nhiều đường phá hủy cơ thể bạn như thế nào?

Thứ sáu - 28/06/2024 04:12
Có thể bạn đã biết rằng ăn quá nhiều đường không tốt cho sức khỏe nhưng mức độ phá hủy của nó như thế nào đối với các cơ quan trong cơ thể thì không phải ai cũng biết rõ.
Ăn nhiều thực phẩm chứa đường bổ sung gây hại cho sức khỏe.
Ăn nhiều thực phẩm chứa đường bổ sung gây hại cho sức khỏe.

1. Ăn nhiều đường có hại cho cơ thể như thế nào?

Đường là một phần của chế độ dinh dưỡng cân bằng nếu ăn một cách hợp lý. Nhưng nếu ăn quá nhiều đường một cách thường xuyên và có thể dẫn đến thiếu hụt chất dinh dưỡng và làm tăng nguy cơ béo phì và mắc các bệnh mạn tính và thậm chí một số bệnh ung thư. Vậy đường phá hủy cơ thể chúng ta theo cách nào?

Là nguyên nhân gây bệnh gan nhiễm mỡ

Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu đang có xu hướng gia tăng và nguyên nhân trong đó có việc tiêu thụ quá nhiều đường. Tỷ lệ ngày càng tăng này tương ứng với tần suất béo phì, kháng insulin, hội chứng chuyển hóa, đái tháo đường type 2 và nhiều người mắc bệnh này không gặp bất kỳ triệu chứng nào.

Các nhà nghiên cứu của Đại học Tuft đã phát hiện ra những người uống loại đồ uống có đường mỗi ngày phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu cao hơn so với những người tránh xa đồ uống có chứa đường bổ sung. Họ cũng có nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ và đột quỵ cao hơn. Việc giảm mạnh lượng đường bổ sung có thể giúp cải thiện căn bệnh này ở một mức độ nhất định.

Làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đái tháo đường

Khi chúng ta ăn, tuyến tụy sẽ tiết ra insulin. Nhưng nếu chúng ta ăn quá nhiều đường, cơ thể không phản ứng đúng cách với insulin, tuyến tụy sẽ bắt đầu tiết ra nhiều insulin hơn. Cuối cùng, tuyến tụy do việc quá sức sẽ bị hỏng và lượng đường trong máu sẽ tăng lên, khiến bạn mắc bệnh đái tháo đường type 2 và bệnh tim.

Chế độ ăn nhiều đường sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch thông qua những thay đổi tiêu cực trong cấu hình trao đổi chất bao gồm trọng lượng cơ thể, chu vi vòng eo và các thông số lipid. Đường bổ sung gây ra bệnh mạch vành thông qua tình trạng kháng insulin và tăng insulin máu.

Tổn thương thận

Thận đóng vai trò quan trọng trong việc lọc máu của cơ thể. Khi lượng đường trong máu đạt đến một mức nhất định, thận sẽ bắt đầu thải lượng đường dư thừa vào nước tiểu. Nếu không được kiểm soát, bệnh đái tháo đường có thể làm tổn thương thận, khiến thận không thể thực hiện nhiệm vụ lọc chất thải trong máu và dẫn đến suy thận.

Gây hội chứng rò rỉ ruột

Các nhà nghiên cứu hiện tin rằng, đường làm thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột, tạo điều kiện cho nấm men và vi khuẩn xấu làm hỏng thành ruột, tạo ra tình trạng rò rỉ ruột.

Hội chứng rò rỉ ruột là tình trạng ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của niêm mạc ruột, còn được gọi là "tính thấm của ruột", nó xảy ra khi thành ruột bị tổn thương, cho phép các hợp chất xâm nhập và hấp thụ vào máu.

Việc sử dụng đường ngày càng tăng của nhiều người dẫn đến mức độ sản phẩm glycat hóa cuối cùng cao hơn (AGEs). Sau khi được hình thành, AGE sẽ làm tăng tình trạng viêm và làm trầm trọng thêm tình trạng rò rỉ ruột

Hội chứng rò rỉ ruột không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tiêu hóa mà còn có thể gây ra các triệu chứng phổ biến liên quan đến viêm và phản ứng tự miễn dịch như: đầy hơi, đau đầu, mệt mỏi, đau khớp, các vấn đề về da và tuyến giáp...

Mệt mỏi và trầm cảm

Ăn nhiều đường có thể thúc đẩy tình trạng viêm nhiễm, khiến tâm trạng trở nên tồi tệ hơn và dẫn đến các triệu chứng trầm cảm. Nguyên nhân do khi chúng ta một bữa ăn nhiều đường sẽ nhanh chóng làm tăng lượng đường trong máu, nhưng khi cơ thể bạn gấp rút xử lý tất cả lượng đường đó, mức năng lượng sẽ giảm xuống khiến bạn cảm thấy rất mệt mỏi.

Thúc đẩy nhanh quá trình lão hóa

Tiêu thụ nhiều đường có thể làm cho các dấu hiệu lão hóa trên da xuất hiện sớm hơn nhiều. Theo BSCKII Hoàng Thị Ái Liên, Bệnh viện Da liễu Trung ương, ăn quá nhiều đường không chỉ gây thừa cân, béo phì mà còn đẩy nhanh quá trình lão hóa. Ăn nhiều đường sẽ khiến cho các tế bào hoạt động quá tải, các phân tử đường sẽ kết hợp với protein tạo ra glycation. Đây là nguyên nhân làm hỏng collagen khiến da chảy xệ và hình thành nếp nhăn sâu.

Tăng số lượng bệnh ung thư

Đường có làm tăng nguy cơ ung thư không? Khi Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ điều tra mối liên hệ của đường với 24 bệnh ung thư khác nhau, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một số mối liên hệ giữa các loại đường khác nhau và một số bệnh ung thư.

Ví dụ, đường bổ sung làm tăng nguy cơ ung thư thực quản và có thể làm tăng nguy cơ ung thư ở ruột non. Các nghiên cứu khác gợi ý về mối liên hệ giữa việc ăn nhiều đường bổ sung và ung thư ruột kết. Nguy cơ cao hơn này vẫn tồn tại ngay cả sau khi điều chỉnh các yếu tố nguy cơ ung thư ruột kết khác như thừa cân, béo phì hoặc mắc bệnh đái tháo đường.

Đường trong chế độ ăn cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc các khối u ung thư vú và di căn đến phổi. Trung tâm Ung thư MD Anderson của Đại học Texas đã công bố một nghiên cứu cho thấy, lượng đường cao trong chế độ ăn uống điển hình của phương Tây làm tăng nguy cơ ung thư vú. Các nghiên cứu dịch tễ học trước đây cũng đã chỉ ra rằng lượng đường trong chế độ ăn uống có tác động đến sự phát triển ung thư vú, trong đó có vai trò của tình trạng viêm.

2. Ăn lượng đường bao nhiêu là an toàn?

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong khẩu phần một ngày của mỗi người, lượng đường tự do chỉ nên chiếm không quá 10% năng lượng và nên giảm xuống dưới 5% năng lượng trong một ngày để bảo vệ sức khoẻ.

Lượng đường mỗi ngày nên tương đương dưới 25-50g đường tự do mỗi ngày với người lớn và dưới 12-25g đường mỗi ngày với trẻ em.

Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cũng khuyến cáo, trẻ em từ 2 - 18 tuổi nên hạn chế lượng đường tiêu thụ thêm xuống dưới 6 muỗng cà phê (25g) mỗi ngày, tức là dưới 5% tổng năng lượng nạp vào và đồ uống có đường nên được giới hạn không quá 235ml mỗi tuần. Đối với trẻ dưới 2 tuổi không nên tiêu thụ bất cứ loại thực phẩm hoặc đồ uống nào có thêm đường.

Trong chế độ ăn uống hằng ngày, chúng ta cần chú ý đến việc lựa chọn các thực phẩm chứa đường tự nhiên sẽ tốt cho sức khỏe hơn là đường bổ sung. Đường tự nhiên có trong những thực phẩm lành mạnh như như: các loại ngũ cốc, trái cây, rau củ… Đường bổ sung là đường được thêm vào là thành phần chính trong các sản phẩm như: bánh, kẹo, nước ngọt, thực phẩm chế biến sẵn như gia vị, nước sốt, sữa chua, nước trái cây đóng hộp, các loại trà, cà phê hòa tan.

Nếu bạn thích ăn đồ ngọt, ăn rất nhiều đường thì cách đơn giản nhất chính là hạn chế tối đa các sản phẩm này. Thay vào đó nên chọn ăn trái cây tươi, rau củ, uống nước lọc, uống trà và cà phê không thêm đường (hoặc rất ít đường), nước tinh khiết…

Nguồn tin: Mỹ Tuyết (Theo SKĐS):::

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

CÔNG KHAI GIÁ BYT
Cổng thông tin tiếp nhận,xử lýphản ánh hiện trường
PHÁP ĐIỂN
Thống kê
  • Đang truy cập233
  • Hôm nay48,418
  • Tháng hiện tại760,621
  • Tổng lượt truy cập38,294,005
Thăm dò ý kiến

Theo bạn, nội dung cung cấp trên website Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bến Tre:

Liên kết websites
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây