Nước ta là một trong những nước có điều kiện khí hậu nhiệt đới, đây là điều kiện thuận lợi cho những loài giun sán phát triển. Và trẻ em là đối tượng dễ mắc các bệnh giun sán nhất, đặc biệt các loại giun móc, giun kim, giun tóc thường tấn công trẻ hoặc phối hợp để lại nhiều biến chứng nguy hiểm. Trẻ mắc các bệnh giun sán khác nhau sẽ có triệu chứng khác nhau, song đều có đặc điểm chung là gây đau bụng, ảnh hưởng đến tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng.
Thông tin về một số loại giun sán hay gặp ở trẻ nhỏ cụ thể như sau:
Nguyên nhân nhiễm giun sán thường gặp:
Ăn uống không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm: Nếu trẻ ăn các thức ăn chưa được nấu chín, không được rửa sạch như các loại rau sống, món ăn tái,... có nguy cơ nhiễm ấu trùng giun sán.
Vệ sinh cá nhân không tốt: Giun sán không chỉ xâm nhập qua đường tiêu hóa mà còn qua những vết thương hoặc vùng da hở, do vậy giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ là rất quan trọng. Trẻ không rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, bảo vệ vùng da hở khi tiếp xúc với nguồn bệnh thì nguy cơ nhiễm giun sán rất cao. Đặc biệt là đối với trẻ trong độ tuổi ăn dặm có thể nhiễm giun sán khi cầm nắm thức ăn không rửa tay sau khi đi vệ sinh, đưa đồ chơi bẩn vào miệng,...
Không tẩy giun cho trẻ định kỳ: Trẻ nhỏ dễ nhiễm giun sán do hệ vi sinh đường ruột chưa hoàn thiện cũng như thói quen sinh hoạt, ăn uống chưa đảm bảo vệ sinh tốt. Vì vậy các chuyên gia khuyến cáo, nên tẩy giun định kỳ cho trẻ 6 tháng/lần, nhất là những trẻ đã có tiền sử nhiễm giun sán. Các thành viên trong gia đình cũng cần tẩy giun định kỳ để phòng ngừa lây lan bệnh cho trẻ.
Các loại giun sán thường gây bệnh ở trẻ em:
Nhiễm giun kim: Nhiều nhất là ở độ tuổi từ 3 - 7 tuổi, lây truyền qua đường ăn uống, do dùng tay gãi hậu môn có trứng giun kim sau đó cầm thức ăn uống, hoặc do mút tay ở trẻ nhỏ. Trẻ em bị nhiễm giun kim thường ngứa hậu môn và gãi hậu môn về đêm, quấy khóc; quan sát bằng mắt thường có thể thấy giun kim cái ở rìa hậu môn. Khi trẻ đại tiện phân rắn có thể thấy giun kim cái bám ở rìa khuôn phân.
Nhiễm giun đũa: Khác với giun kim, triệu chứng khi trẻ mắc giun đũa đa dạng và nguy hiểm hơn, nhiều trường hợp không có triệu chứng gì. Triệu chứng cụ thể bao gồm: ho dai dẳng, có thể thở khò khè, khó thở, sốt không thường xuyên, xuất hiện ấu trùng ở phế nang và phế quản dẫn đến viêm phổi, viêm phế quản nặng. Giun đũa có kích thước lớn hoạt động trong hệ tiêu hóa của trẻ sẽ gây ra nhiều rối loạn với triệu chứng như: tiêu chảy, táo bón đan xen, đau bụng, buồn nôn và nôn mửa, khó tiêu,... Đôi khi trẻ còn có triệu chứng khác như nổi mẩn đỏ trên da, đau đầu, người xanh xao, chán ăn,...
Nhiễm giun móc: Khác với các loại giun sán khác, giun móc xâm nhập vào cơ thể trẻ thông qua ấu trùng đi ngang qua da. Trẻ nhiễm giun móc không có triệu chứng lâm sàng đặc hiệu mà chủ yếu là biểu hiện thiếu máu (da xanh, niêm mạc nhợt) và đau vùng thượng vị tuỳ theo mức độ nhiễm giun. Đau không có giờ nhất định, khi đói đau nhiều hơn, ăn không ngon miệng, khó tiêu.
Nhiễm giun tóc: thường không nguy hiểm và kéo dài như các loại bệnh giun sán khác. Nếu trẻ bị nhẹ hoặc mới nhiễm giun thường không có triệu chứng. Song vẫn có trường hợp nhiễm bệnh nặng với các triệu chứng: thiếu máu, sa trực tràng, tiêu chảy kéo dài không rõ nguyên do.
Dị ứng: đôi khi xuất hiện các nốt ban ngứa ngoài da
Dự phòng giun sán ở trẻ em
Để bảo vệ trẻ khỏi nhiễm giun sán thì các bậc cha mẹ cần chú ý một số điều sau đây:
Vệ sinh môi trường sống: Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, không phóng uế bừa bãi ra môi trường, không dùng phân tươi hoặc chưa ủ kỹ để bón cây, không để vật nuôi (chó, mèo, gà,…) gây ô nhiễm môi trường
Cho trẻ ăn chín, uống sôi, không nên ăn rau sống, khi ăn các loại rau quả cần rửa sạch và gọt vỏ
Thường xuyên cắt ngắn móng tay cho trẻ
Hướng dẫn trẻ rửa tay với xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh
Đi giày dép thường xuyên, nhất là khi đi ra vườn, nền đất cát
Tẩy giun định kỳ cho trẻ: cho trẻ uống Mebendazole 500mg hoặc Albendazole 400mg 1 viên, 6 tháng 1 lần. Hỏi ý kiến bác sĩ đối với trường hợp trẻ dưới 2 tuổi, hoặc đang có bệnh cấp tính hoặc đã từng dị ứng thuốc.