Các biến chứng tim mạch ở bệnh nhân Đái tháo đường

Thứ hai - 23/09/2024 21:13
Các biến chứng tim mạch ở bệnh nhân Đái tháo đường
Đái tháo đường (ĐTĐ) là một trong những bệnh phổ biến nhất trong cộng đồng hiện nay. Đây là một bệnh lý có thể gây ra biến chứng trên nhiều cơ quan khác nhau nếu không được kiểm soát tốt. Trong số đó, các biến chứng tim mạch rất thường gặp và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Theo thống kê của các nghiên cứu trên thế giới, gần 70% số trường hợp tử vong ở người bệnh ĐTĐ là do bệnh tim mạch. Trong đó 40% là do bệnh động mạch vành, 15% do các bệnh tim mạch khác (chủ yếu là suy tim) và khoảng 10% do đột quỵ.

Sau đây là những thông tin cơ bản về nguyên nhân, biểu hiện, các phương pháp phòng ngừa biến chứng tim mạch ở bệnh nhân ĐTĐ:

Nguyên nhân

Biến chứng tim mạch ở bệnh nhân ĐTĐ xảy ra chủ yếu do tình trạng xơ vữa động mạch. Tăng đường huyết gây ra tổn thương ở những tế bào nằm trong thành mạch máu từ đó hình thành nên các mảng xơ vữa. Mảng xơ vữa phát triển lớn dần, dẫn đến hẹp lòng mạch máu, gây nên thiếu máu tại cơ quan đó.

Người ta nhận thấy có nhiều yếu tố nguy cơ khi kết hợp với ĐTĐ sẽ làm gia tăng biến chứng tim mạch, bao gồm: Trên 60 tuổi, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, béo phì, hút thuốc lá, ít vận động, tiền sử gia đình có người chết vì bệnh tim mạch. Trong đó, ngoài 02 yếu tố tuổi cao và tiền sử gia đình không thể tác động được; các yếu tố còn lại đều có thể tác động để cải thiện kết cục tim mạch ở người bệnh ĐTĐ.

Biểu hiện

Tuỳ theo vị trí của mạch máu bị ảnh hưởng sẽ có các hậu quả khác nhau:
  • Tắc nghẽn mạch máu ở tim đưa đến biểu hiện đầu tiên của bệnh mạch vành là cơn đau thắt ngực; hoặc nặng hơn là nhồi máu cơ tim cấp. Ngoài ra, trên bệnh nhân ĐTĐ, bệnh mạch vành cùng với tăng huyết áp và béo phì có thể dẫn đến suy tim.
  • Tắc nghẽn mạch máu ở não gây ra cơn thiếu máu não thoáng qua hay nặng hơn là tai biến mạch máu não (đột quỵ).
  • Tắc nghẽn mạch máu nuôi chi dưới dẫn đến bệnh động mạch ngoại biên chi dưới. Biểu hiện của bệnh lý này là dấu hiệu “đau cách hồi”, nghĩa là người bệnh thấy đau, mỏi chân hay chuột rút khi đi bộ một lúc và giảm nhanh sau khi nghỉ ngơi.
  • Tắc nghẽn mạch máu ở mắt gây ra giảm thị lực và mù loà.
  • Tắc nghẽn mạch máu ở thận gây tăng huyết áp và suy thận.

Phòng ngừa

Mặc dù các biến chứng tim mạch rất nguy hiểm, có thể đưa đến tàn phế và tử vong, nhưng điều may mắn là bạn hoàn toàn có thể phòng ngừa các bệnh lý này, bằng cách:
  • Giữ đường huyết trong giới hạn bình thường

Đa số bệnh nhân cần đạt HbA1c (chỉ số đường huyết trung bình trong 3 tháng qua) dưới 7%. Với những bệnh nhân nguy cơ tim mạch cao hoặc rất cao, bác sĩ có thể chỉ định các nhóm thuốc đái tháo đường mới để giảm nguy cơ xuất hiện biến cố cho bệnh nhân.
  • Giữ huyết áp trong giới hạn bình thường

Nên giữ huyết áp 120/70 – 130/80mmHg, bằng cách ăn giảm muối và uống thuốc đầy đủ, nếu bạn đang dùng thuốc hạ huyết áp.

Nếu bạn có tăng huyết áp kèm theo, bạn cần có máy đo huyết áp tại nhà để đo huyết áp thường xuyên và mang bảng theo dõi huyết áp cho bác sĩ xem trong mỗi lần tái khám.
  • Điều chỉnh mỡ máu

Bác sĩ sẽ cho bạn xét nghiệm mỡ máu lúc đói và cho bạn biết bạn nên giữ trị số mỡ máu của mình ở mức nào là phù hợp. Bên cạnh việc ăn uống lành mạnh (hạn chế mỡ, thức ăn chế biến chiên, xào, da, nội tạng, lòng đỏ trứng), đa số bệnh nhân ĐTĐ cần dùng thuốc hạ mỡ máu. Nếu bạn trên 40 tuổi hoặc có nhiều nguy cơ bệnh lý tim mạch (ví dụ: tăng mỡ máu, tăng huyết áp, béo phì, hoặc tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch), bác sĩ sẽ yêu cầu bạn uống statin. Statin giúp phòng ngừa nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ và đột tử cho bạn.
 
  • Bỏ thuốc lá, nếu đang hút: Mặc dù khó khăn, đây là một trong những điều quan trọng nhất bạn phải làm để cải thiện sức khoẻ và giảm nguy cơ bệnh tim mạch.
  • Giữ cân nặng hợp lý: Tình trạng thừa cân và béo phì làm cho biến chứng tim mạch trở nên nặng nề hơn.
  • Tập thể dục thường xuyên:

Thời gian tối ưu bạn nên dành để tập thể dục là 30 phút mỗi ngày và ít nhất 05 ngày mỗi tuần. Bạn có thể chia nhỏ thời gian tập trong ngày tuỳ theo khả năng của mình và hãy đảm bảo thực hiện các bài tập mà bạn yêu thích.
  • Kiểm soát căng thẳng và ngủ đủ giấc

Sức khoẻ tinh thần là cực kỳ quan trọng đối với bệnh nhân ĐTĐ có kèm bệnh tim mạch. Các nội tiết tố tạo ra khi căng thẳng có thể dẫn đến tăng huyết áp, tăng nhịp tim và đường huyết khó kiểm soát hơn.
  • Tái khám định kỳ

Ở mỗi lần tái khám, bác sĩ sẽ điều chỉnh các loại thuốc để kiểm soát tất cả bệnh lý của bạn, cũng như tầm soát và phát hiện sớm các biến chứng tim mạch của bạn, nhờ đó có thể điều trị kịp thời, đạt hiệu quả cao.

Tóm lại, sống với bệnh ĐTĐ có thể là một thử thách, nhưng hầu hết bệnh nhân có thể thích nghi và kiểm soát bệnh thành công. Việc điều trị toàn diện, không chỉ kiểm soát đường huyết mà còn phải kết hợp xử lý các yếu tố nguy cơ đi kèm, đặc biệt là tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu và hút thuốc lá là điểm mấu chốt để phòng ngừa các biến chứng tim mạch.

Nguồn tin: Loan Thy (theo YHTT)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

CÔNG KHAI GIÁ BYT
Cổng thông tin tiếp nhận,xử lýphản ánh hiện trường
PHÁP ĐIỂN
Thống kê
  • Đang truy cập189
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm183
  • Hôm nay30,834
  • Tháng hiện tại1,563,636
  • Tổng lượt truy cập39,097,020
Thăm dò ý kiến

Theo bạn, nội dung cung cấp trên website Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bến Tre:

Liên kết websites
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây