Tết Nguyên đán năm Giáp Thìn cũng đã kết thúc, người người nhà nhà lại tất bật quay trở lại với công việc hoặc học tập. Sau một kì nghỉ kéo dài, cuộc sống của mỗi người chúng ta sẽ dễ bị xáo trộn về thói quen sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi. Đồng thời dư âm ngày Tết bằng cách nào đó vẫn còn lắng động, khiến nhiều người gặp phải tình trạng mệt mỏi, uể oải, rất khó tập trung khi trở lại công việc hoặc học tập.
Khi mọi người quay lại với nhịp sống bình thường cũng là lúc có nhiều vấn đề sức khỏe cần được quan tâm. Để lấy lại năng lượng, phục hồi sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, mỗi người cần thiết lập lại chế độ sinh hoạt lành mạnh, kết hợp luyện tập thể thao hợp lý.
Những vấn đề sức khỏe thường gặp sau Tết bao gồm:
Các bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa dễ gặp trong dịp Tết như viêm loét dạ dày tá tràng và trào ngược dạ dày thực quản do tình trạng ăn uống thất thường, không điều độ (bỏ bữa, ăn trễ, ăn khuya...) cùng nhiều thức ăn chua, cay trong mùa Tết. Chúng ta sẽ cảm giác ăn uống khó tiêu, đau âm ỉ vùng trên rốn, ợ hơi, ợ chua, buồn nôn, nôn ói, ăn uống kém.
Bên cạnh đó, nhiều người khi sử dụng bia rượu và các thức uống có cồn cũng dễ có nguy cơ mắc bệnh viêm tụy cấp. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, viêm tụy cấp có thể diễn tiến nặng dẫn đến nhiễm trùng huyết, choáng nhiễm trùng suy đa cơ quan, thậm chí đe dọa tính mạng bệnh nhân.
Ngoài ra, hiện tượng tăng cân, béo phì cũng tăng mạnh do tiêu thụ nhiều chất đạm, mỡ, rượu bia. Xu hướng tăng tăng mỡ máu, (cholesterol xấu, triglycine) khiến xơ vữa động mạch, gia tăng các ca đột quỵ. Tăng cân còn làm ảnh hưởng đến các khuỷu khớp, gây thoái hóa khớp hoặc thúc đẩy quá trình thoái hóa khớp nhanh hơn, trầm trọng hơn.
Đặc biệt là do thời gian sinh hoạt bị đảo lộn, dẫn đến một số người quên uống thuốc (ở nhóm bệnh nhân bệnh mạn tính đang điều trị), từ đó làm nặng thêm tình trạng bệnh đang có và phải nhập viện cấp cứu.
Để giải quyết những vấn đề trên, chúng ta cần phải thiết lập chế độ sống lành mạnh như:
Với các vấn đề về đường tiêu hóa, chúng ta nên thực hiện lối sống khoa học; điều chỉnh giờ giấc ăn uống điều độ trở lại, ăn đúng giờ, không bỏ bữa, hạn chế các thực phẩm chua, cay, nhiều dầu mỡ, các loại thức uống có gas hoặc cồn, các thức ăn chưa được nấu chín...; kiểm tra sức khỏe định kỳ, hoặc tái khám ngay khi các triệu chứng cấp tính hoặc triệu chứng dai dẳng để tránh gây biến chứng nguy hiểm.
Đặc biệt ăn nhiều rau xanh, trái cây hơn để tăng cường chất xơ và vitamin. Chất xơ giúp hạn chế sự tăng đường huyết sau ăn, phòng chống tăng cholesterol trong máu và chống táo bón. Bên cạnh đó, chất xơ còn giúp giảm cân sau Tết do thời gian tiêu hóa và hấp thụ lâu nên làm no lâu, giảm thèm ăn.
Bổ sung thêm các loại vitamin trong rau củ, trái cây như vitamin A, nhóm B, vitamin C... có vai trò quan trọng đối với hệ miễn dịch.
Ngủ đủ 6-8 tiếng, hạn chế sử dụng thiết bị công nghệ trước giờ đi ngủ, việc thiếu ngủ có thể làm ảnh hưởng tới hoạt động của não, làm tăng cảm giác đói và thèm ăn. Ngủ đủ giấc sẽ giúp bạn có một tinh thần thoải mái và sảng khoái, tràn đầy năng lượng để bắt đầu cho một ngày làm việc mới đầu năm.
Việc tập luyện thể dục thường xuyên sẽ thúc đẩy quá trình giảm béo, tiêu thụ năng lượng được hấp thu quá nhiều trong những ngày Tết, đồng thời giúp cơ thể năng động hơn, tỉnh táo hơn, cải thiện hệ tiêu hóa. Mỗi ngày nên dành 30 phút để luyện tập môn thể thao nào phù hợp với sức khỏe.
Phương pháp vận động phải phù hợp với tình hình sức khỏe, thể trạng, tuổi tác, nhu cầu. Người lớn tuổi, có bệnh tim mạch thì không nên chọn những môn cần nhiều sức lực, các môn đối kháng dễ gây chấn thương, đột quỵ, kiệt sức.
Người có bệnh thoái hóa khớp không nên chạy bộ. Các môn như đi bộ và bơi lội là thích hợp với đa số mọi người. Theo dõi sức khỏe trước, trong và sau khi tập. Nếu thấy cơ thể không khỏe thì cần ngưng tập và có sự điều chỉnh phù hợp.