Ngất là tình trạng mất ý thức thoáng qua, đặc trưng bởi 03 đặc điểm: khởi phát nhanh, kéo dài trong khoảng thời gian ngắn, tự phục hồi hoàn toàn. Phần lớn các trường hợp ngất là lành tính. Tuy nhiên, ngất có thể là dấu hiệu của một bệnh lý tiềm ẩn đe dọa tính mạng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Nguyên nhân gây ngất
Có nhiều nguyên nhân gây ngất, phần lớn thuộc 03 nhóm nguyên nhân chính sau đây:
Ngất do tụt huyết áp tư thế: Huyết áp giảm đột ngột khi bệnh nhân thay đổi nhanh tư thế từ nằm hoặc ngồi sang đứng. Nguyên nhân do thuốc thường gặp nhất (thuốc lợi tiểu, giãn mạch, thuốc chống trầm cảm,…), ngoài ra còn do nguyên nhân giảm thể tích (tiêu chảy, nôn ói, xuất huyết). Ngất do tụt huyết áp tư thế cũng thường xuất hiện trên nhóm đối tượng có bệnh nền đái tháo đường, tổn thương tuỷ sống, suy thận.
Ngất do nguyên nhân tim mạch: Là nguyên nhân nguy hiểm nhất, có thể dẫn đến đột tử nếu không phát hiện và xử trí cấp cứu kịp thời. Nhóm nguyên nhân này bao gồm: rối loạn nhịp, nhồi máu cơ tim, thiếu máu cơ tim,…
Ngất do phản xạ thần kinh phó giao cảm: Thường gặp nhất, chiếm khoảng 20 – 40% trường hợp và thường lành tính. Nguyên nhân này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở người trẻ, xuất hiện trong các trường hợp rối loạn cảm xúc, sợ hãi, đau hoặc xuất hiện sau các tình huống ho mạnh, hắt hơi, nuốt, đại tiện, tiểu tiện, sau tập thể dục.
Ngoài ra có khoảng 36% trường hợp ngất không tìm được nguyên nhân.
Biểu hiện của ngất thế nào?
Ngất điển hình trải qua 03 giai đoạn:
Giai đoạn tiền ngất: Thường có các triệu chứng báo hiệu trước như là choáng váng, mắt tối sầm lại. Bệnh nhân cũng có thể có cảm giác buồn nôn và có khi nôn, mặt tái nhợt và toát mồ hôi lạnh. Các triệu chứng này có thể giúp người bệnh có thời gian để nằm xuống tránh được các chấn thương do té ngã. Giai đoạn này xảy ra rất nhanh, hiếm khi kéo dài quá 30 giây.
Giai đoạn ngất thật sự: Mức độ và thời gian kéo dài của tình trạng mất ý thức trong giai đoạn ngất thì khác nhau ở mỗi cá nhân, giai đoạn này kéo dài từ vài giây đến vài phút.
Giai đoạn phục hồi: Thường thì ý thức phục hồi ngay nhưng ở một số bệnh nhân vẫn còn cảm thấy yếu và việc đứng dậy quá sớm có thể gây ra ngất lại.
Xử trí khi người khác bị ngất như thế nào?
Nếu nhận thấy ai đó sắp ngất, cố gắng giữ và giúp bệnh nhân từ từ nằm xuống vì khi ngất nạn nhân không thể dùng tay bảo vệ mình lúc ngã. Giúp nạn nhân không bị va đập với mặt đất để tránh được chấn thương đầu hay những chấn thương nghiêm trọng khác.
Khi gặp một người bị ngất, nếu người bệnh không tự thở hoặc thở ngáp cá, tím tái,… thì phải gọi ngay cấp cứu. Nếu nạn nhân tự thở được và không chấn thương cần để bệnh nhân nằm dưới nền cứng và phẳng rồi từ từ nâng nhẹ chân lên cao, tuyệt đối không đỡ bệnh nhân dậy ngay.
Tự xử trí tình huống bị ngất như thế nào?
Học cách nhận biết dấu hiệu sắp bị ngất: Nếu biết trước bản thân sắp, bạn có thể đề phòng và tránh được những chấn thương nghiêm trọng. Dấu hiệu cho thấy có khả năng bạn sắp ngất bao gồm: buồn nôn, chóng mặt, cảm giác xây xẩm, mờ mắt, cảm thấy rất nóng hoặc đổ mồ hồi, bao tử khó chịu,…
Tìm nơi nào đó nằm xuống nếu có cảm giác sắp ngất: Nâng chân, tạo điều kiện để máu lên não. Nếu không thể nằm xuống thì cần phải ngồi xuống và đặt đầu giữa hai gối. Nghỉ ngơi tĩnh lặng từ 10 – 15 phút.
Gọi giúp đỡ: Là việc nhất định phải làm để giúp cho việc hồi phục và gọi bác sĩ khi cần thiết. Cố gắng giữ an toàn khi bị ngất: Nếu nhận thấy sắp ngất, điều quan trọng nhất là tránh xa những mối nguy hiểm xung quanh như máy móc đang vận hành, vật cứng hoặc sắc nhọn, ao hồ,…
Làm gì để phòng tránh để không bị ngất trong tương lai
Trong một số trường hợp, ngất có thể phòng bằng cách thực hiện biện pháp ngăn ngừa và tránh yếu tố có thể khởi phát tình trạng ngất. Các biện pháp này có thể bao gồm:
Duy trì tình trạng đủ nước và dinh dưỡng.
Tránh các tình huống căng thẳng.
Tránh rượu bia và thuốc lá.
Tránh thay đổi tư thế nhanh.
Lưu ý: Tất cả các trường hợp bị ngất đều phải đi đến cơ sở y tế để khám và tìm nguyên nhân. Một số trường hợp ngất là do bệnh lý nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong cần được chẩn đoán và điều trị sớm.