2 ngày nữa, hơn 1 triệu thí sinh trên cả nước chính thức bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT - kỳ thi cuối cùng của học sinh học Chương trình GDPT 2006. Sở GD&ĐT Hà Nội vừa có những lưu ý cho thí sinh và phụ huynh khi kỳ thi tốt nghiệp THPT đang bắt đầu "nóng".
Thứ nhất là về thời gian: 14 giờ ngày 26/6, thí sinh phải có mặt tại phòng làm thủ tục của điểm thi mang theo Giấy báo thi/Căn cước công dân để nghe phổ biến Quy chế thi, nhận thẻ dự thi và báo cáo điều chỉnh sai sót thông tin về họ, đệm, tên, ngày tháng năm sinh, diện ưu tiên (nếu có).
Ngày 27 - 28/6, thí sinh có mặt đúng giờ tại điểm thi theo đúng lịch các buổi thi. Thí sinh đến chậm quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài sẽ không được dự thi buổi thi đó và các buổi thi còn lại.
Thứ hai, về vật dụng được phép và không được phép mang vào phòng thi. Khi đến điểm thi, thí sinh phải gửi các vật dụng bị cấm mang vào phòng thi tại nơi để vật dụng của thí sinh do điểm thi quy định.
Các vật dụng thí sinh được phép mang vào gồm: bút viết; thước kẻ; bút chì; tẩy chì; êke; thước vẽ đồ thị; dụng cụ vẽ hình; máy tính cầm tay không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ; Atlat Địa lí Việt Nam được biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 (không có đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung nào khác).
Các vật dụng cấm mang vào phòng thi gồm: giấy than, bút xóa, đồ uống có cồn; vũ khí và chất gây nổ, gây cháy; tài liệu, thiết bị truyền tin (thu, phát sóng thông tin, ghi âm, ghi hình) hoặc chứa thông tin để gian lận trong quá trình làm bài thi.
Thứ ba, về nhận thức: thí sinh cần nhận thức đúng rằng, đề thi, đáp án chưa công khai thuộc danh mục bí mật nhà nước độ "Tối mật"; nếu thí sinh cố tình sao chụp, phát tán sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước độ "Tối mật" đối với đề thi của các bài thi/môn thi chỉ kết thúc khi hết thời gian làm bài của bài thi/môn thi trắc nghiệm và hết hai phần ba (2/3) thời gian làm bài của bài thi tự luận. Mọi hành vi làm lộ, lọt đề thi sẽ bị xử lý theo các quy định tại Luật bảo vệ bí mật nhà nước.
Thứ tư, về những việc cần kiểm tra. Ngay khi nhận đề thi từ cán bộ coi thi, thí sinh phải kiểm tra kỹ số trang và chất lượng các trang in; nếu phát hiện thấy đề thi thiếu trang hoặc rách, hỏng, nhòe, mờ phải báo cáo ngay với cán bộ coi thi trong phòng thi, chậm nhất 5 (năm) phút từ thời điểm bắt đầu tính giờ làm bài, sau thời gian trên thí sinh tự chịu trách nhiệm. Với bài thi trắc nghiệm, thí sinh phải kiểm tra việc ghi và tô mã đề thi đảm bảo mã đề thi ghi và tô vào Phiếu trả lời trắc nghiệm và mã đề thi ghi trên hai Phiếu thu bài thi phải trùng với mã đề trên đề thi.
Thứ năm, về làm bài thi. Khi làm bài thi bài thi trắc nghiệm, thí sinh chỉ được ghi thông tin cá nhân trên Phiếu trả trắc nghiệm bằng bút mực xanh (không được dùng bút mực đỏ) theo hướng dẫn của cán bộ coi thi. Tại Mục số báo danh (SBD) và mã đề thi: thí sinh ghi SBD và mã đề thi phải bằng bút mực xanh; tô vào các ô tương ứng bằng dùng bút chì đảm bảo thật chính xác. Phần bài làm trong Phiếu trả lời trắc nghiệm: thí sinh phải tô bằng bút chì, tuyệt đối không được tô bằng bút mực.
Trong bài thi tổ hợp, các môn thi thành phần phải cùng một mã đề. Khi nhận đề thi từng môn thi thành phần, thí sinh có trách nhiệm kiểm tra mã đề, nếu không trùng mã đề thì phải báo cáo ngay cho cán bộ coi thi chậm nhất 5 (năm) phút tính từ thời điểm phát đề thi để nhận được mã đề phù hợp. Phải tô đáp án vào đúng vị trí của mỗi môn trong Phiếu trả lời trắc nghiệm, cụ thể: môn 1 (từ câu 1- câu 40); môn 2 (từ câu 41- câu 80); môn 3 (từ câu 81- câu 120).
Thứ sáu, khi nộp bài thi: thí sinh có trách nhiệm kiểm tra lại thông tin cá nhân trên Giấy thi và Phiếu trả lời trắc nghiệm đảm bảo thật chính xác; ghi số tờ đối với môn tự luận, mã đề thi đối với môn trắc nghiệm và ký đủ vào 2 Phiếu thu bài thi. Chỉ ra khỏi phòng thi khi có sự cho phép của cán bộ coi thi
Thứ bảy, về tra cứu kết quả thi. 8 giờ ngày 17/7, Bộ GD&ĐT công bố kết quả thi. Thí sinh có thể tra cứu điểm thi bằng cách đăng nhập vào phần mềm quản lý thi theo tài khoản đã được cấp hoặc tra cứu trên các cổng thông tin điện tử của Sở GD&ĐT, Bộ GD&ĐT và một số trang báo điện tử uy tín.
Thứ tám, về một số trường hợp đặc biệt. Nếu thí sinh bị đau, ốm hoặc có việc đột xuất đặc biệt trước khi thi, cha mẹ học sinh báo ngay cho lãnh đạo nhà trường, nơi thí sinh học lớp 12 để được hướng dẫn đặc cách nếu đủ điều kiện theo quy định tại Điều 37 Quy chế thi.
Sở GD&ĐT lưu ý: để các thí sinh bình tĩnh, tự tin và làm bài đạt kết quả tốt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, các bậc cha mẹ cần tiếp tục đồng hành với con; tích cực quan tâm chăm sóc sức khỏe cho thí sinh trong các ngày thi; dành thời gian đưa thí sinh đến điểm thi vào các buổi thi; kiểm tra, nhắc nhở đảm bảo thí sinh không mang các vật dụng bị cấm vào điểm thi và nếu có việc đột xuất, cần báo ngay cho lãnh đạo điểm thi để được tư vấn, hỗ trợ.
Để giúp con vượt qua những áp lực và có sự chuẩn bị về tâm lý khi bước vào kỳ thi, chuyên gia tâm lý PGS.TS Trần Thành Nam (Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, điều mà cha mẹ cần làm là chuẩn bị cho con những bữa ăn, giấc ngủ có chất lượng tốt nhất. Buổi sáng nên đến địa điểm thi sớm hơn một chút để điều chỉnh trạng thái tâm lý sao cho cân bằng. Cha mẹ có thể hướng dẫn con tư thế ngồi trong phòng thi sao cho thoải mái để giúp việc tái hiện kiến thức hiệu quả hơn. Đồng thời chuẩn bị những tình huống có thể xảy ra và phương cách ứng phó.
"Đôi khi chỉ cần những cử chỉ quan tâm, săn sóc như pha cho con một cốc nước mát, quàng tay ôm con hay ngồi lắng nghe con chia sẻ cảm xúc… đó cũng đã điều giúp con giảm "sốc", giúp con có những suy nghĩ tích cực hơn để tiếp tục hoàn thành kỳ thi".
Còn theo ThS.BS. Ninh Thị Phương Mai (Khoa Nội Nhi Tổng hợp, BV E) để có sức khỏe tốt trước kỳ thi, trẻ nên có chế độ sinh hoạt lành mạnh, cân đối cả về thời gian học tập, nghỉ ngơi, dinh dưỡng và thể dục thể thao.
Về dinh dưỡng, trẻ nên duy trì một chế độ ăn uống cân bằng giữa các nhóm chất, tránh việc quá tập trung vào các nhóm thực phẩm được cho là "bổ não" gây mất cân đối chế độ dinh dưỡng cho trẻ. Phụ huynh nên lập thời gian biểu và nhắc nhở con để giúp con ngủ đủ giấc. Giấc ngủ ngon giúp trẻ giảm căng thẳng, cải thiện khả năng suy nghĩ và tập trung.
Để duy trì khả năng học tập tốt nhất, sau mỗi 1-2 giờ học tập căng thẳng liên tục, trẻ nên có một quãng nghỉ, để vận động nhẹ nhàng, cho trí não thời gian hồi phục, nghỉ ngơi, đồng thời giúp hệ tuần hoàn lưu thông, thư giãn các cơ bắp. Tập thể dục có thể giúp trẻ trau dồi thể lực, duy trì thể trạng tốt nhất để bước vào kỳ thi, ngoài ra việc tập thể dục còn giúp trí não của trẻ minh mẫn hơn và giảm bớt căng thẳng. Không quan trọng đó là loại hình thể dục nào - đi bộ, đạp xe, bơi lội, bóng đá, khiêu vũ… khoảng 30 - 60 phút mỗi ngày đều có hiệu quả - miễn là trẻ thích thú với loại hình thể dục đó.
Nguồn tin: Mỹ Tuyết (Theo SKĐS):
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn