Bệnh lý bàn chân đái tháo đường (ĐTĐ) là bàn chân của người bệnh ĐTĐ có loét, nhiễm trùng và hoại tử kết hợp với bất thường thần kinh và bệnh mạch máu ngoại biên ở chi dưới.
Trên Thế giới, cứ mỗi 20 giây thì có một người bệnh bị cắt cụt chi do ĐTĐ. Bệnh lý bàn chân ĐTĐ (hay còn gọi là loét bàn chân ở người bệnh ĐTĐ) rất thường gặp với tỷ lệ mắc hàng năm là 2%, tỷ lệ tái loét là 40% trong vòng một năm và 65% trong vòng 5 năm. Do đó, việc phòng ngừa biến chứng này là rất quan trọng, góp phần giảm nguy cơ cho người bệnh và giảm gánh nặng kinh tế cho xã hội.
Yếu tố nguy cơ của bàn chân ĐTĐ
Bệnh thần kinh ĐTĐ: Bệnh ĐTĐ nếu không được kiểm soát có thể dẫn đến tổn thương dây thần kinh ở chân và bàn chân, làm giảm cảm giác; người bệnh có thể không nhận biết cảm giác nóng, lạnh hoặc đau.
Bệnh mạch máu ngoại biên: Gây giảm lưu lượng máu, mất nhiều thời gian hơn để vết loét lành lại, nguy cơ dẫn đến hoại tử.
Tiền sử loét bàn chân, cắt cụt bàn chân hoặc đoạn chi.
Yếu tố khác:
Chấn thương (bảo vệ chân kém, đi chân trần, vật lạ trong giày);
Dị tật bàn chân: Đầu xương bàn chân nhô ra, ngón chân hình búa, bàn chân cong vòm, dị dạng móng…);
Vết chai sần tại các vị trí nguy cơ cao có thể gây loét;
Giới hạn vận động khớp;
ĐTĐ thời gian lâu;
Tăng đường huyết không kiểm soát được.
Triệu chứng của bàn chân ĐTĐ
Triệu chứng tại chỗ:
Mất cảm giác hoặc cảm giác đau nhẹ, tê, ngứa;
Có bóng nước, vết phồng rộp hoặc các vết thương khác nhưng không cảm thấy đau;
Đổi màu da và thay đổi nhiệt độ cơ thể;
Vết thương có hoặc không có chảy dịch;
Teo cơ.
Triệu chứng toàn thân (nếu có nhiễm trùng): Sốt, ớn lạnh, không kiểm soát được lượng đường trong máu, run, đỏ da, sốc.
Chăm sóc bàn chân người bệnh ĐTĐ tại nhà
Bảo vệ bàn chân bằng cách không đi chân trần, không mang dép đế mỏng.
Mang giày, dép phù hợp với hình dạng bàn chân, đặc biệt là người bệnh ĐTĐ có loét bàn chân đã lành cần có giày dép trị liệu theo chỉ định, giúp giảm áp lực lên bàn chân khi đi bộ.
Kiểm tra toàn bộ bề mặt da cả 2 bàn chân (kẽ chân, kẽ móng xem có vết xước, vết chai sạn, vết rộp, da có bị khô nứt, bị đỏ, nóng hay bị căng khi sờ bất cứ vùng nào bàn chân) và bên trong giày dép trước khi sử dụng.
Cắt ngang móng chân, không lấy khoé.
Theo dõi nhiệt độ da chân mỗi ngày để phát hiện dấu hiệu sớm của tình trạng viêm, chênh lệch nhiệt độ giữa 2 chân, các bóng nước, vết phồng.
Dùng nước ấm và xà bông dịu nhẹ để rửa chân mỗi ngày, nên dùng khăn lau khô, đặc biệt là các kẽ chân.
Ngoài ra còn phải quản lý bệnh ĐTĐ:
Thực hiện theo lời khuyên của bác sĩ về chế độ dinh dưỡng, tập thể dục và thuốc.
Theo dõi và duy trì lượng đường máu trong giới hạn cho phép.
Không hút thuốc lá.
Giữ cho mạch máu được lưu thông dễ dàng hơn: Nâng cao chân khi nằm, không bắt chéo chân khi ngồi, cử động ngón chân thường xuyên 2 – 3 lần/ngày.
Khám sức khoẻ tổng quát định kỳ, khám toàn diện bàn chân ít nhất 1 lần/năm để đánh giá các yếu tố nguy cơ gây loét và đoạn chi.
Đối với người bệnh đang có loét bàn chân ĐTĐ:
Cần nghỉ ngơi và bất động chi bằng dụng cụ khi có vết thương;
Sử dụng gạc không dính để băng vết thương.
Tóm lại, các tổn thương loét bàn chân dẫn đến nhiễm trùng bàn chân và cắt cụt chi ở người bệnh ĐTĐ đang trở thành một gánh nặng cho người bệnh, gia đình và xã hội. Đồng thời việc điều trị, chăm sóc loét bàn chân ĐTĐ mất nhiều thời gian, công sức và chi phí. Vì vậy, người bệnh ĐTĐ cần tuân thủ điều trị của bác sĩ, việc kiểm soát đường huyết, bảo vệ bàn chân tránh các tổn thương, kiểm tra bàn chân mỗi ngày và duy trì lịch kiểm tra sức khoẻ tổng quát định kỳ sẽ giúp người bệnh phát hiện sớm, điều trị kịp thời loét bàn chân ĐTĐ và giảm các biến chứng liên quan.