Chương trình Nha học trường, mô hình trường - trạm

Chủ nhật - 20/10/2024 21:35
Sau gần 1 năm thí điểm chương trình Nha học đường, mô hình trường - trạm, toàn tỉnh có 8.820 học sinh (HS) được khám, điều trị và hướng dẫn chăm sóc bệnh lý về răng miệng. Kết quả bước đầu này sẽ là nền tảng để triển khai, nhân rộng trong phạm vi toàn tỉnh trong thời gian tới.
Khám răng cho trẻ.
Khám răng cho trẻ.
Củng cố công tác nha học đường

Theo các bác sĩ chuyên khoa, trẻ em là đối tượng mắc nhiều bệnh lý răng miệng nhất do thói quen hay ăn quà vặt, chưa biết cách vệ sinh răng miệng đúng cách. Theo kết quả điều tra sức khỏe răng miệng toàn quốc lần thứ 3 thực hiện năm 2015 của Bộ Y tế, người Việt Nam có tỷ lệ mắc các bệnh răng miệng cao ở mọi lứa tuổi. Trong đó đáng lưu ý là ở trẻ em, tỷ lệ sâu răng sữa ở nhóm tuổi 6-8 tuổi rất cao (86,4%). Trung bình mỗi trẻ có 6,21 răng bị sâu và tình trạng sâu răng vĩnh viễn ở trẻ em xuất hiện sớm và có chiều hướng tăng theo thời gian.

Tại tỉnh, có trên 240 ngàn HS, trong đó có trên 93 ngàn HS tiểu học trong độ tuổi có tỷ lệ sâu răng cao. Thời gian qua, thực hiện công tác nha học đường, ngành y tế phối hợp ngành giáo dục và cơ sở trường học tập trung truyền thông, hướng dẫn cách chải răng và vệ sinh răng miệng đúng cách. Chương trình nha học đường từng bước chăm sóc sức khỏe răng miệng (CSSKRM), hạ thấp tỷ lệ mắc bệnh răng miệng cho HS nói riêng và cộng đồng nói chung. Tuy nhiên, theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, việc thực hiện chải răng với kem có Fluor chỉ đạt 63,27% trường mẫu giáo và 21,5% trường tiểu học; súc miệng với NaF 0,2% tại các trường tiểu học đạt 43%.

Trước thực trạng đó, đồng thời thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực khám chữa bệnh Răng Hàm Mặt và dự phòng bệnh Răng miệng cộng đồng giai đoạn 2021-2030” (Đề án 5628) của Bộ Y tế, ngành Y tế đã tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo đề án 5628 cấp tỉnh do lãnh đạo UBND tỉnh làm Trưởng ban, các thành phần khác gồm: lãnh đạo Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, CDC, các cơ quan, đơn vị có liên quan.

Trưởng khoa Sức khỏe môi trường - Y tế trường học, CDC tỉnh BS.CKII Nguyễn Văn Dẫn cho biết: Đề án 5628 là chương trình nhằm củng cố công tác nha học đường từng bước hiện đại, hội nhập, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dự phòng và tuyên truyền về sức khỏe răng miệng cho HS. Các nhiệm vụ triển khai đề án gồm: Kiện toàn, phát triển hệ thống CSSKRM, gắn kết các cơ sở KCB với nhà trường và các tổ chức xã hội. Đề án nhằm nâng cao chất lượng ngành răng hàm mặt đáp ứng được yêu cầu và sự hài lòng của người dân, với 2 nhiệm vụ trọng tâm gồm: nâng cao năng lực khám chữa bệnh (KCB) răng hàm mặt và dự phòng bệnh răng miệng cộng đồng. Chương trình Nha học đường mô hình trường - trạm là một trong những nội dung được thực hiện theo đề án này.

Mô hình trường - trạm

Là 1 trong những tỉnh đầu tiên của khu vực phía Nam triển khai thực hiện Đề án 5628, tỉnh chọn thí điểm mô hình trường - trạm tại 9 trường tiểu học trên địa bàn tỉnh. Trong khuôn khổ của Đề án 5628, Bệnh viện Răng Hàm mặt Trung ương tại TP. Hồ Chí Minh đã đào tạo cho 30 nhân viên y tế cơ sở và y tế trường học tại tỉnh cả lý thuyết và thực hành các kỹ thuật về chăm sóc, điều trị răng miệng; khám và theo dõi bằng phần mềm... thông qua bộ tài liệu đã được thẩm định. Được sự hỗ trợ của Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP. Hồ Chí Minh, tính đến nay, tỉnh khám điều trị răng miệng theo mô hình trường - trạm cho 8.820 HS thuộc 9 huyện trong toàn tỉnh.

Thực hiện thí điểm mô hình, Đội Nha học đường lưu động của tỉnh và Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP.HCM đã khám và lập nha bạ cho 100% HS tại 9 trường tiểu học trong tỉnh. Thông qua hoạt động của mô hình, HS sẽ được hướng dẫn chăm sóc răng miệng; súc miệng với Flour; trám ngừa sâu răng, lập nha bạ; giúp các em HS hiểu hơn về tầm quan trọng của việc CSSKRM, phòng ngừa sâu răng. Đặc biệt các em được khám và điều trị và lập nha bạ để theo dõi về sức khoẻ răng miệng lâu dài.

Sau khi nghe truyền thông hướng dẫn vệ sinh răng miệng theo mô hình trường - trạm (ngày 15-10-2024), em Võ Yến - HS lớp 52 Trường Tiểu học Trần Hoàn Vũ (huyện Bình Đại) đã thay đổi cách đánh răng. "Trước đó, em chỉ đánh ngang và đánh dọc, nay em đánh ngang, đánh dọc và đánh cả bên trong răng, thời gian đánh lâu và kỹ hơn. Em cảm thấy tự tin hơn với hàm răng trắng, sáng”, Võ Yến cho hay.

Em Nguyễn Hoàng Hiệp - HS lớp 52 Trường Tiểu học Trần Hoàn Vũ cho biết: Lần đầu tiên các y, bác sĩ đến trường khám và điều trị răng. Em thấy việc khám và điều trị có ích, bản thân em có chiếc răng sâu, được các y bác sĩ hướng dẫn trám. Ban đầu em sợ đau nên không trám, sau được tư vấn em đồng ý trám răng để phòng ngừa sâu răng mà không tốn chi phí cho gia đình.

Là một trong số chín điểm trường thực hiện thí điểm mô hình, Trường Tiểu học Trần Hoàn Vũ có gần 1,2 ngàn HS được thụ hưởng mô hình. “Chương trình nha học đường mô hình trường - trạm mang lại hiệu quả thiết thực cho các em HS. Đặc biệt, các em được điều trị bệnh lý về răng miệng ngay tại trường, rất thuận tiện mà không tốn chi phí. Mong rằng chương trình sẽ được tiếp tục để các em HS của trường được tư vấn và chăm sóc sức khỏe răng miệng đúng cách để có hàm răng đẹp, tự tin giao tiếp”, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Hoàn Vũ Ngô Anh Hùng đánh giá.

Theo BS.CKII Nguyễn Văn Dẫn, mặc dù còn nhiều khó khăn về nguồn lực, trang thiết bị nhưng Đội Nha học đường lưu động của tỉnh và Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP. Hồ Chí Minh đã khám và lập nha bạ cho 100% học sinh tại 9 trường tiểu học trong tỉnh, hoàn thành mục tiêu thí điểm. Theo kế hoạch đề án, định hướng đến năm 2030, tỉnh sẽ mở rộng, phát triển hệ thống CSSKRM giữa các cơ sở KCB công lập và ngoài công lập với nhà trường và các tổ chức xã hội. Các cơ sở KCB chủ động xây dựng mạng lưới hợp tác với nhà trường và các tổ chức xã hội để phối hợp truyền thông, khám sàng lọc, CSSKRM. Xây dựng mạng lưới chỉ đạo tuyến, hỗ trợ chuyên môn giữa cơ sở công lập và ngoài công lập trong điều trị Răng Hàm Mặt.

Để duy trì và thực hiện có hiệu quả chương trình Nha học đường, mô hình trường -trạm, CDC tỉnh kiến nghị Ban chỉ đạo Đề án 5628, Cục Quản lý KCB thuộc Bộ Y tế Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương TP. Hồ Chí Minh tiếp tục hỗ trợ xây dựng chế độ chính sách hỗ trợ cho cán bộ trực tiếp thực hiện khám điều trị và hướng dẫn chăm sóc răng miệng cho học sinh. Hỗ trợ công tác đào tạo, chỉ đạo tuyến, truyền thông, chuyển giao kỹ thuậtkinh phí hoạt động.

Nguồn tin: Phan Hân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

CÔNG KHAI GIÁ BYT
Cổng thông tin tiếp nhận,xử lýphản ánh hiện trường
PHÁP ĐIỂN
Thống kê
  • Đang truy cập176
  • Hôm nay60,335
  • Tháng hiện tại1,598,641
  • Tổng lượt truy cập39,132,025
Thăm dò ý kiến

Theo bạn, nội dung cung cấp trên website Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bến Tre:

Liên kết websites
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây