Tại hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống dịch bệnh toàn quốc diễn ra chiều 10/4 như Sức khoẻ & Đời sống trước đó, TS Hoàng Minh Đức - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 10.196 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, các tỉnh khu vực phía Nam có trên 7.500 ca, chiếm 74,1% tổng số ca mắc tay chân miệng của cả nước, miền Bắc có trên 1.300 ca mắc, tiếp đến là miền Trung với khoảng 1.000 ca mắc; khu vực Tây Nguyên ghi nhận ít nhất tính đến nay với 200 ca mắc.
"Đến thời điểm này chưa ghi nhận ca tử vong do tay chân miệng. Số ca mắc tay chân miệng ghi nhận chủ yếu ở các cơ sở giáo dục mầm non, có đến trên 90% trẻ dưới 5 tuổi mắc bệnh"- TS Đức thông tin.
Theo ông Đức, tay chân miện đến nay vẫn chưa có vaccine phòng bệnh, trong khi bệnh này lây chủ yếu theo đường tiêu hoá từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Dẫn đến nguy cơ lây truyền bệnh khi trẻ sinh hoạt tập thể tại cơ sở giáo dục mầm non, nhưng công tác tác phối hợp, giám sát phòng, chống dịch tại các cơ sở giáo dục mầm non lại chưa hiệu quả...
Về bệnh sốt xuất huyết, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 14.542 trường hợp mắc, giảm khoảng 49% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó miền Nam có trên 8.100 ca (chiếm 56,1%); tiếp theo là khu vực miền Trung vơi trên 4.700 ca (chiếm 32,9%); các tỉnh miền Bắc ghi nhận trên 800 ca (chiếm 6%); các tỉnh Tây Nguyên ghi nhận trên 700 ca (chiếm 5%)
Cục trưởng Hoàng Minh Đức thông tin, Việt Nam lưu hành cả 4 týp virus Dengue, tuy vậy trong năm 2023 týp D2 chiếm 88,7%; năm 2024 týp D2 chiếm 70,7%.
Về các dịch bệnh đã có vaccine dự phòng, ông Đức thông tin từ đầu năm 2024 đến nay đã ghi nhận 130 ca mắc sởi, tăng 1,4 lần so với cùng kỳ 2023. Các ca mắc ghi nhận trong năm, có xu hướng cao trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 4.
Thông tin thêm về chùm ca bệnh sởi tại huyện Đức Thọ - Hà Tĩnh, ông Đức cho biết kết quả phân tích 12 ca bệnh cho thấy 7/12 (58,4 %) đã được tiêm 02 mũi vaccine sởi, tuy nhiên vẫn mắc, các trường hợp này đều có biểu hiện nhẹ và đã ra viện; 3/12 ca bệnh không rõ tình trạng tình trạng, chỉ có 1 trường hợp chưa đến độ tuổi tiêm chủng; 1 trường hợp chưa tiêm chủng.
"Tỷ lệ tiêm vaccine sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng giảm trong giai đoạn dịch COVID-19, trong khi sởi là bệnh có tính lây truyền cao, chỉ có thể cắt đứt được sự lây truyền của bệnh trong cộng đồng khi đạt được tỷ lệ miễn dịch bảo vệ đặc hiệu rất cao (>95%) trong cộng đồng"- ông Đức nói và cho biết Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo dịch sởi tái bùng phát trên toàn cầu; còn tại Việt Nam, trong thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận một số ca mắc mới, các ổ dịch nhất là tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp trong nhiều năm qua...
Về ho gà, đến nay cả nước đã ghi nhận 118 ca mắc, tăng 6,8 lần so với cùng kỳ 2023. Riêng tại Hà Nội trong số 48 ca mắc chủ yếu dưới 3 tháng tuổi (38/48 trường hợp, chiếm 79%), có 47/48 trường hợp chưa tiêm/chưa đến lịch tiêm vaccine có thành phần ho gà trong đó 27 trường hợp dưới 2 tháng tuổi, chưa đến lịch tiêm chủng; chỉ có 01/48 trường hợp được tiêm 2 mũi vaccine có thành phần ho gà.
"Đây cũng là bệnh thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận một số ca mắc mới, các ổ dịch nhất là tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp trong nhiều năm qua và cả ở nhóm trẻ em chưa đến độ tuổi tiêm chủng"- ông Đức cho hay.
Cả nước cũng ghi nhận hơn 4.400 ca thuỷ đậu, giảm 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2023; từ đầu năm đến nay có 3 ca bệnh bạch hầu.
Theo ông Đức để phòng chống các bệnh có vaccine dự phòng cần tăng cường triển khai tiêm chủng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng, đảm bảo an toàn, hiệu quả, đặc biệt quan tâm các bệnh có vaccine nhưng vẫn có tỷ lệ mắc hàng năm sởi, ho gà, bạch hầu.
"Các địa phương cần xác định điểm có ổ dịch nhỏ hoặc khu vực có nhiều ca mắc rải rác trên cơ sở đó có đánh giá tỷ lệ tiêm chủng qua phần mềm báo cáo tiêm chủng và điều tra dịch tễ tiêm chủng nhằm tập trung đẩy mạnh tiêm bù, tiêm vét, tiêm đầy đủ"- Cục trưởng Hoàng Minh Đức nhấn mạnh.
Đối với bệnh thủy đậu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng lưu ý cần tăng cường truyền thông người dân hiểu đây là dịch bệnh có vaccine và khuyến khích các cháu tiêm chủng dịch vụ, trong trường hợp địa phương có số mắc lớn đề nghị CDC đánh giá dịch tễ học và địa phương chủ động vấn đề vaccine tiêm cho trẻ. Bên cạnh đó việc chống dịch bệnh thủy đậu được tiến hành giống các biện pháp như các biện pháp chống dịch bệnh tay chân miệng đặc biệt ở các cơ sở giáo dục.
"Riêng đối với ho gà, việc tiêm vaccine dịch vụ ở phụ nữ có thai được khuyến khích trên cơ sở sau khi có hướng dẫn của Bộ Y tế về việc tiêm vaccine phòng bệnh ho gà đối với các trường hợp này nhằm tăng miễn dịch khi trẻ sinh ngay sau sinh", ông Đức lưu ý.
Nguồn tin: Lê Trang (Theo SKĐS)::::
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn