Đái tháo đường thai kỳ là gì?
Đái tháo đường thai kỳ (ĐTĐTK) hay tiểu đường thai kỳ là những trường hợp được phát hiện đường huyết cao lần đầu tiên trong thời gian mang thai, có thể bạn không mắc bệnh trước khi mang thai hoặc mắc bệnh từ trước mà chưa được chẩn đoán. Bệnh thường phát triển từ tuần thai thứ 24 – 28.
Dấu hiệu của bệnh đái tháo đường thai kỳ?
Cũng như đái tháo đường thông thường, ĐTĐTK thường không có triệu chứng rõ rệt hoặc triệu chứng dễ nhầm lẫn với diễn tiến bình thường của thai kỳ. Các triệu chứng bao gồm:
Tiểu nhiều lần trong ngày;
Mệt mỏi;
Mờ mắt;
Khát nước liên tục;
Ngủ ngáy;
Tăng cân quá nhanh so với khuyến nghị.
Khi mang thai, thai phụ cần được tư vấn và xét nghiệm đường huyết tại tuần thứ 24 – 28 của thai kỳ. Trường hợp thai phụ bị ĐTĐTK sẽ phải kiểm tra thường xuyên hơn.
Nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường khi mang thai?
Trong thai kỳ, nhau thai – cơ quan nuôi và cung cấp oxy cho em bé – sẽ tiết ra các hormone giúp thai nhi phát triển. Một vài hormone trong số này khiến cơ thể thai phụ khó sản xuất hoặc sử dụng insulin – là hormone giúp làm giảm lượng đường trong máu (còn gọi là đề kháng insulin).
Ngoài ra còn có một số các yếu tố rủi ro khiến cho một số phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh ĐTĐTK cao hơn bao gồm:
Béo phì
Tiền sử gia đình có người đái tháo đường thế hệ thứ nhất
Tiền sử sinh con to ≥ 4000 gam
Tiền sử bất thường về dung nạp glucose
Tuổi mang thai lớn hơn 35 tuổi
Tiền sử sản khoa bất thường: thai chết lưu không rõ nguyên nhân, con bị dị tật bẩm sinh, tiền sản giật, sinh non.
Hội chứng buồng trứng đa nang
Hậu quả của đái tháo đường thai kỳ
Đối với thai phụ: thai phụ mắc ĐTĐTK có nguy cơ xảy ra các tai biến trong suốt quá trình mang thai cao hơn các thai phụ bình thường. Các tai biến thường gặp là:
Tăng huyết áp
Sinh non
Đa ối
Sẩy thai và thai lưu
Nhiễm khuẩn niệu
Ảnh hưởng về lâu dài: các phụ nữ có tiền sử ĐTĐTK có nguy cơ cao diễn tiến thành đái tháo đường týp 2 trong tương lai.
Đối với thai nhi và trẻ sơ sinh: ĐTĐTK ảnh hưởng lên sự phát triển của thai nhi chủ yếu vào giai đoạn 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ. Các hậu quả bao gồm:
Tăng trưởng quá mức và thai to
Hạ đường huyết và các bệnh lý chuyển hóa ở trẻ sơ sinh
Bệnh lý đường hô hấp
Dị tật bẩm sinh
Tử vong ngay sau khi sinh
Tăng hồng cầu
Vàng da sơ sinh
Các ảnh hưởng lâu dài: trẻ béo phì, mắc đái tháo đường týp 2 khi lớn, rối loạn tâm thần – vận động.
Phương pháp điều trị
Nếu được chẩn đoán ĐTĐTK, bạn cần được kiểm soát lượng đường trong máu của mình và duy trì ở mức an toàn để bảo vệ sức khỏe bản thân và thai nhi. Để làm được điều này, bạn cần thực hiện một số thay đổi trong lối sống, chẳng hạn như:
Tuân thủ chế độ ăn có lợi cho người bệnh đái tháo đường
Chế độ ăn này phải đáp ứng được hai yêu cầu: duy trì lượng đường trong máu ở giới hạn an toàn, nhưng vẫn cung cấp đủ calo và chất dinh dưỡng cho sự phát triển của thai nhi.
Bên cạnh đó, bạn nên duy trì cân nặng hợp lý, tránh tăng cân quá mức trong thai kỳ bằng cách dung nạp lượng calo vừa đủ, từ 2.200 – 2.500/ngày nếu có cân nặng trung bình. Nếu bạn thừa cân, con số này sẽ giảm xuống khoảng 1.800 calo/ngày.
Tập thể dục nhiều hơn
Hãy cố gắng thực hiện các bài tập ở mức độ nhẹ đến trung bình trong 15 – 30 phút, vào hầu hết các ngày trong tuần.
Kiểm tra lượng đường trong máu
Bạn sẽ được hướng dẫn cách tự kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên, trước và sau bữa ăn 1 – 2 giờ. Việc làm này nhằm đánh giá hiệu quả của quá trình điều trị, xem cơ thể bạn có đáp ứng tốt với phác đồ của bác sĩ hay không.
Uống thuốc
Nếu lượng đường trong máu của bạn vẫn cao dù bạn đã thay đổi lối sống, chế độ ăn theo chỉ dẫn của bác sĩ, bạn sẽ được kê toa thuốc tiểu đường nhằm kiểm soát lượng đường trong máu và bảo vệ thai nhi. Tiêm insulin cũng là liệu pháp được cân nhắc sử dụng.
Lập biểu đồ sự phát triển của thai nhi
Để giảm thiểu tối đa biến chứng cho mẹ và bé do tình trạng ĐTĐTK gây ra, bác sĩ sẽ theo dõi sát sao kích thước của em bé trong những tuần thai cuối. Nếu thai nhi phát triển quá lớn, bạn có thể được đề nghị chấm dứt thai kỳ sớm hơn so với ngày dự sinh (với điều kiện thai phải đủ 37 tuần trở lên).
Sau khi bạn vượt cạn an toàn, bác sĩ sẽ kiểm tra để đảm bảo lượng đường trong máu của bạn đã trở lại bình thường. Tiếp đó, bạn cần kiểm tra lại đường huyết sau 4-12 tuần sau khi sinh và định kỳ mỗi năm.
Đái tháo đường thai kỳ sẽ khiến bạn tăng nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường tuýp 2 trong tương lai. Bên cạnh đó, nếu không được điều trị đúng cách, tình trạng này sẽ làm tăng nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường ở trẻ, đồng thời gây ra những biến chứng sức khỏe cho cả mẹ lẫn con. Do đó, mẹ bầu cần khám thai đúng lịch tại các cơ sở uy tín để được theo dõi chặt chẽ, phát hiện sớm bệnh để có phác đồ điều trị kịp thời.