Kỳ thi tuyển sinh lớp 10, tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học năm 2024 đang bắt đầu. Bên cạnh việc ôn tập, củng cố kiến thức thì vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng tránh ngộ độc thực phẩm cho các thí sinh là vô cùng cần thiết.
Chế độ ăn đảm bảo dinh dưỡng và bảo đảm an toàn
Theo BS Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, trung bình mỗi ngày, các em học sinh cần nạp đủ lượng dinh dưỡng như nam cần 2.500 calo/ngày, nữ cần 2.000 - 2.300 calo/ngày. Trung bình, bộ não tiêu tốn 400 calo/ngày, tiêu hao 1/5 năng lượng cơ thể.
Trên thực tế, nhiều cha mẹ có quan niệm “ăn nhiều đạm, nhiều chất mới đủ năng lượng để học tập” nên đã cố gắng tìm mua những loại thức ăn bổ dưỡng nhất để bồi bổ cho con em mình.
Tuy nhiên, đây là quan niệm sai lầm, bởi nếu ăn quá nhiều các loại thức ăn bổ dưỡng, nhất là các loại thịt, sẽ khiến con bị thiếu chất xơ, thiếu các loại vitamin nhưng lại thừa chất, thừa năng lượng do bổ sung quá nhiều thịt. Ngoài ra, ăn nhiều thịt, có thể dẫn đến tình trạng bị đầy bụng, khó tiêu, mất cân bằng dinh dưỡng.
Để cơ thể nhận đủ năng lượng thì các em cần ăn đủ 3 bữa chính với đầy đủ 4 nhóm thực phẩm nhằm cung cấp cả chất bột đường, chất đạm, chất béo, chất xơ, vitamin và khoáng chất.
Bên cạnh đó, trẻ có thể được bổ sung các bữa phụ bằng các loại thực phẩm lành mạnh như sữa, pho mai, trái cây, khoai... Cần lưu ý là nước rất tốt cho bộ não, vì vậy, mỗi ngày các sĩ tử cần uống 2 lít nước. Ngoài ra, cần dùng thêm những loại rau củ, hoa quả nhiều nước như dưa chuột, dưa hấu, các loại tảo biển.
Vấn đề lựa chọn thực phẩm cũng rất quan trọng, cần chọn thức ăn tươi, sạch để tránh ngộ độc, nhất là những ngày đi thi không nên ăn thức ăn ngoài hàng quán hoặc chế biến sẵn vì dễ có nguy cơ ngộ độc do chế biến lâu ngày. Nếu có đi ăn ngoài quán thì nên chọn cơ sở uy tín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng khoa Khám tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết thêm, ôn thi căng thẳng, lượng bài vở lớn, nhiều em học sinh nghĩ rằng, để tránh buồn ngủ, giảm căng thẳng thì uống trà, cà phê, nước tăng lực sẽ giúp cơ thể tỉnh táo hơn, nhưng thực tế không phải vậy.
BS Nguyễn Trọng Hưng lý giải, việc sử dụng chất kích thích để thức đêm ôn thi cần loại bỏ, bởi nó chỉ mang lại hiệu quả tạm thời, dễ gây ra ảo giác, không có lợi cho trí nhớ. Đáng nói, những chất này còn làm tim đập nhanh, đi tiểu nhiều, mất ngủ, nhức đầu, có hại cho não và hạn chế quá trình hấp thụ canxi vào cơ thể. Bộ não vốn đã mệt mỏi lại bị bắt hoạt động khiến cơ thể càng mệt mỏi, thiếu minh mẫn, ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài.
Theo BS Hưng, bên cạnh chế độ dinh dưỡng hợp lý, nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc là điều quan trọng để sĩ tử đủ tỉnh táo tăng hiệu quả học tập.
Áp lực bài vở nhiều cộng với tâm lý lo lắng sẽ khiến nhiều em học sinh cho rằng, càng học nhiều càng tốt. Việc thức đêm triền miên, ngủ không đủ giấc sẽ dẫn đến tình trạng não luôn bị kích thích làm việc liên tục, không hiệu quả. Hơn nữa, ngủ ít, cơ thể cũng như thần kinh không được nghỉ ngơi, không có điều kiện để phục hồi là hết sức nguy hiểm.
Do vậy, sĩ tử cần loại bỏ thói quen không tốt như thức quá khuya, lười vận động, điều này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của bộ não.