Tiếp và làm việc với đoàn có Phó chánh Văn phòng UBND tỉnh Nguyễn Văn Chính, Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Oanh, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Võ Văn Luyến cùng lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn của Sở Y tế, Sở GD&ĐT.
Báo cáo với đoàn công tác, đại diện Sở Y tế cho biết, tỉnh đã thành lập BCĐ Đề án 5628 tỉnh và triển khai thực hiện tại 157 xã, phường, thị trấn. Có 8 bệnh viện (công lập và ngoài công lập) có khoa RHM riêng biệt và thuộc liên chuyên khoa; 49 phòng khám chuyên khoa RHM.
Toàn tỉnh có 1 tiến sĩ, 2 bác sĩ chuyên khoa II, 7 bác sĩ chuyện khoa I, 69 bác sĩ RHM. Tỉnh đã thực hiện được 101 danh mục kỹ thuật đúng tuyến, bao gồm: Nội nha, nha chu, nhổ răng và phẫu thuật miệng, răng trẻ em, cấp cứu (chấn thương và viêm nhiễm miệng - hàm mặt), chấn thương hàm mặt, phẫu thuật bệnh lý hàm mặt.
Hoạt động nha học đường gặp khó khăn do thiếu cán bộ y tế làm công tác y tế trường học, một số kiêm nhiệm; không có kinh phí và trang thiết bị để phục vụ công tác khám và tuyên truyền.
Lãnh đạo Sở Y tế đề nghị BCĐ Đề án quốc gia 5628 đào tạo chuyên sâu cho các bác sĩ tuyến tỉnh, bác sĩ RHM tuyến cơ sở, đội ngũ làm công tác y tế trường học và nha học đường. Xem xét bổ sung thêm trang thiết bị cho tuyến cơ sở, để phục vụ cho chương trình nha học đường. Chuyển giao kiến thức liên tục cho tỉnh.
Giám đốc Bệnh viện RHM Trung ương TP. Hồ Chí Minh Lê Trung Chánh đề xuất Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu quan tâm đào tạo tuyến huyện, cơ sở. Đồng thời cho biết định hướng sắp tới, BCĐ tuyến sẽ chuyển giao các kỹ thuật thuộc lĩnh vực công trong khoa RHM. Hỗ trợ các trang thiết bị phục vụ cho công tác nha học đường. Ban hành tài liệu giáo dục sức khỏe răng miệng để chuyển giao cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tập huấn giáo viên và học sinh nhằm thực hiện hiệu quả chương trình dự phòng nha học đường.