1. Chất làm ngọt nhân tạo là gì?
Chất làm ngọt nhân tạo là chất thay thế đường thường được sử dụng được sử dụng trong nhiều thực phẩm và đồ uống phổ biến như: bánh, kẹo, nước ngọt, đồ ăn nhẹ…
Ngoài ra, một số chất làm ngọt nhân tạo còn có thể được sử dụng trong các thực phẩm chế biến sẵn, thuốc như: kẹo cao su, thuốc ho và thuốc dạng lỏng, vitamin dạng nhai cho trẻ em, kem đánh răng, nước súc miệng…
Vào thời điểm xuất hiện chất làm ngọt nhân tạo những năm 1950, nó thường được giới thiệu như một chất làm ngọt không dinh dưỡng hay chất thay thế đường ăn kiêng để đáp ứng sở thích ăn ngọt của người tiêu dùng. Những chất làm ngọt nhân tạo không chứa calo này dường như là lựa chọn thay thế tốt cho đường tinh luyện.
Theo các nhà nghiên cứu dinh dưỡng, hầu hết các chất làm ngọt nhân tạo được chuyển hóa không hoàn toàn nên chúng cung cấp rất ít calo hoặc hoàn toàn không được chuyển hóa, vì vậy chúng không cung cấp calo. Lý do chất làm ngọt nhân tạo không được chuyển hóa là bởi vì cơ thể chúng ta không có các enzym cần thiết để tiêu hóa chúng .
Chất làm ngọt nhân tạo hoạt động bằng cách kích hoạt các tế bào cảm giác trong vị giác của chúng ta để gửi tín hiệu đến não khi chúng ta nếm thứ gì đó ngọt như đường. Và bởi vì chất làm ngọt nhân tạo ngọt hơn đường từ 200 đến 20.000 lần, các nhà sản xuất có thể sử dụng rất ít trong công thức sản phẩm của mình đến mức họ hầu như không thêm calo trong khi cùng một lượng vị ngọt từ đường sẽ có nhiều calo hơn.
Tuy nhiên, ngay kể từ thời điểm xuất hiện, những tác dụng và rủi ro của chất làm ngọt cũng đã gây ra tranh cãi và các nghiên cứu khoa học cho thấy chúng có liên quan đến nhiều tác động bất lợi đối với sức khỏe, đặc biệt nếu chúng ta thường xuyên sử dụng các sản phẩm có thành phần chất làm ngọt nhân tạo.
2. Những tác dụng nguy hiểm đối với sức khỏe của chất làm ngọt nhân tạo
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc sử dụng lâu dài các chất thay thế đường như chất làm ngọt nhân tạo có thể gây ra tác dụng không mong muốn như làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường type 2 và tử vong ở người trưởng thành.
Việc sử dụng thực phẩm và đồ uống có các thành phần như saccharin hoặc sucralose hoặc thêm chúng vào thực phẩm sẽ không mang lại bất kỳ lợi ích lâu dài nào trong việc giảm mỡ cơ thể ở người lớn và trẻ em.
Trong số các chất làm ngọt nhân tạo mà WHO cảnh báo đến có: acesulfame K, aspartame, advantame, cyclamate, neotame, saccharin, sucralose, stevia và các dẫn xuất của stevia.
Các nghiên cứu cũng cho thấy lạm dụng chất làm ngọt nhân tạo có thể dẫn đến các tác dụng phụ bất lợi cho sức khỏe như sau:
Gây nghiện
Điều mà nhiều người không nhận ra là chất làm ngọt nhân tạo cũng có thể gây ra nghiện. Chúng "huấn luyện" vị giác để chúng ta ngày càng cần nhiều đồ ăn ngọt và mức độ ngọt tăng nhiều hơn. Điều này làm tăng nguy cơ béo phì, đái tháo đường type 2 và nhiều tác dụng nguy hại hơn thế nữa.
Có thể gây tăng cân
Mặc dù chất làm ngọt nhân tạo được phát triển như một chất thay thế đường để giúp giảm tình trạng kháng insulin và béo phì nhưng dữ liệu ở cả nghiên cứu động vật và con người cho thấy tác động của chất làm ngọt nhân tạo có thể góp phần gây ra hội chứng chuyển hóa và béo phì.
Sử dụng chất làm ngọt không chứa calo nghe có vẻ là một ý tưởng hay khi bạn muốn giảm cân nhưng thực tế không phải vậy. Tác dụng phụ của chúng vượt xa lợi ích tiềm năng của chất làm ngọt có hàm lượng calo thấp và chúng thực sự có liên quan đến việc tăng cân chứ không phải giảm cân.
Một số nghiên cứu cho thấy bằng chứng những người thường xuyên sử dụng những chất thay thế đường này cũng có thể có nguy cơ tăng cân quá mức, mắc hội chứng chuyển hóa, đái tháo đường type 2 và bệnh tim mạch.
Liên quan đến hội chứng chuyển hóa và bệnh đái tháo đường
Một nghiên cứu về tác động của chất làm ngọt nhân tạo đối với chứng xơ vữa động mạch cho thấy, việc tiêu thụ đồ uống có chất làm ngọt nhân tạo hàng ngày tạo ra nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa cao hơn 35% và nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2 tăng 67%. Khi mảng bám tích tụ bên trong động mạch sẽ dẫn đến đau tim, đột quỵ, thậm chí tử vong.
Chất làm ngọt nhân tạo cũng có liên quan đến sự phát triển của tình trạng không dung nạp glucose và các tình trạng trao đổi chất khác dẫn đến mức đường huyết cao hơn bình thường.
Có hại cho sức khỏe đường ruột
Nghiên cứu cho thấy, việc ăn đường nhân tạo làm tăng cường hoạt động của myeloperoxidase (một loại enzyme trong tế bào bạch cầu) ở những người mắc một dạng bệnh viêm ruột. Chất làm ngọt nhân tạo cũng gây tác động tiêu cực đến hệ vi sinh vật đường ruột, làm tăng vi khuẩn có hại trong đường ruột.
3. Cách lựa chọn những chất làm ngọt tự nhiên lành mạnh
Chất làm ngọt nhân tạo có thể là một chất thay thế ít calo hơn đường nhưng chúng ta không thể bỏ qua những tác hại tiềm ẩn của chúng đối với sức khỏe. Để đảm bảo một chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên mọi người tốt nhất nên chọn các chất làm ngọt tự nhiên để có thể thỏa mãn cơn thèm ngọt mà không ảnh hưởng đến sức khỏe. Dưới đây là một số chất làm ngọt tự nhiên lành mạnh:
Mật ong: Mật ong là chất làm ngọt tự nhiên đã được sử dụng từ hàng ngàn năm nay. Nó chứa chất chống oxy hóa và có đặc tính kháng khuẩn và chống viêm. Sử dụng mật ong đúng cách không gây tăng đột biến lượng đường trong máu.
Đường dừa: Đường dừa là chất làm ngọt tự nhiên được làm từ nhựa cây dừa. Nó có hàm lượng fructose thấp hơn đường thông thường và chứa các khoáng chất như sắt, kẽm và canxi. Đường dừa có chỉ số đường huyết thấp hơn đường nên là lựa chọn tốt hơn cho người mắc bệnh đái tháo đường.
Stevia: Stevia là chất làm ngọt tự nhiên có nguồn gốc từ lá của cây Stevia rebaudiana. Nó ngọt hơn đường tới 300 lần và không chứa calo. Stevia đã được chứng minh là có tác động tích cực đến lượng đường trong máu, phù hợp cho những người mắc bệnh đái tháo đường.
Xi-rô cây phong: Xi-rô cây phong là chất làm ngọt tự nhiên được làm từ nhựa cây phong. Nó chứa chất chống oxy hóa và khoáng chất như kẽm và mangan. Xi-rô phong có thể được sử dụng như một chất thay thế đường lành mạnh khi chế biến các món ăn.
Chà là: Chà là là chất làm ngọt tự nhiên có nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất. Nó có thể được sử dụng thay thế đường trong chế biến các loại bánh và nấu ăn.
Nguồn tin: Mỹ Tuyết (Theo SKĐS):
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn