Với sự nỗ lực của Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) tỉnh (BCĐ) nói chung và ngành y tế nói riêng, tình hình ATTP trên địa bàn tỉnh thời gian qua tương đối ổn định. Để hiểu hơn về công tác quản lý, đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh, phóng viên Báo Đồng Khởi có cuộc trao đổi với Phó giám đốc Sở Y tế Dương Thị Như Ngọc - Phó trưởng BCĐ tỉnh về nội dung này.
* Điều kiện thời tiết nắng nóng, hạn mặn kéo dài tại nhiều địa phương trong tỉnh hiện nay được xác định sẽ là mối nguy tiềm ẩn về ATTP. Phó giám đốc có đánh giá như thế nào nguy cơ mất ATTP?
- Mặc dù. tình hình ATTP trên địa bàn tỉnh thời gian qua tương đối ổn định, nhưng nếu các cơ quan chức năng chủ quan không tăng cường kiểm tra, giám sát tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thì nguy cơ mất ATTP và ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra bất cứ khi nào.
Theo các chuyên gia y tế, thời tiết nắng nóng là môi trường thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi, phát triển, dẫn đến thực phẩm mất các chất dinh dưỡng, mất an toàn vệ sinh, dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Trong đó, nhiệt độ từ 37 - 40 độ là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn phát triển mạnh với cấp số nhân, gấp ba lần so với thời tiết bình thường. Trong thời tiết nắng nóng như hiện nay, nguy cơ ngộ độc thực phẩm luôn luôn tiềm ẩn, đặc biệt là tại các cơ sở kinh doanh thức ăn ngay, bếp ăn tập thể và những nơi kinh doanh thức ăn đường phố. Thời diểm này, nhu cầu sử dụng nước đá dùng liền cũng tăng, nguy cơ tiêu chảy và các bệnh đường ruột cũng có thể xảy ra nếu người dân tiêu thụ phải nước đá sản xuất không đảm bảo an toàn vệ sinh.
* BCĐ tỉnh và ngành y tế có những giải pháp nào để tăng cường công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh?
- Với vai trò là cơ quanthường trực của BCĐ tỉnh, ngành Y tế đã tham mưu xây dựng và ban hành kế hoạch tháng hành động số 873/KH-BCĐLNATVSTP ngày 2-4-2024 với hai nội dung chính là công tác truyền thông và kiểm tra liên ngành về ATTP. Kế hoạch đã đề ra các giải pháp nhằm tăng cường công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh xoay quanh hai nội dung chính này.
Về hoạt động truyền thông tăng cường phổ biến, tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo đảm an ninh, ATTP. Công khai các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cao, kịp thời thông tin các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Phát động phong trào toàn dân thực hiện tố giác các hành vi vi phạm an ninh, ATTP; tẩy chay các sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm an toàn. Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, tăng cường trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định của pháp luật. Kịp thời thông tin, tuyên truyền, biểu dương các doanh nghiệp, tôn vinh các sản phẩm bảo đảm tốt chất lượng ATTP.
Các giải pháp truyền thông này được thực hiện qua nhiều hình thức như: phát thanh trên hệ thống đài truyền thanh ở thị trấn, xã, phường, để chuyển tải thông điệp tháng hành động đến các nhóm đối tượng ưu tiên. Tổ chức tọa đàm, đối thoại trực tiếp trên các phương tiện truyền thông, số hóa về ATTP. Tổ chức các buổi mít tinh phát động tháng hành động vì an toàn thực phẩm tại 9 huyện, thành phố của tỉnh kết hợp phát tờ rơi, tờ bướm nội dung về ATTP cho người dân tham dự. Trang trí xe cổ động trên các trục đường chính của huyện, xã.
Về hoạt động kiểm tra liên ngành, toàn tỉnh tổ chức thành lập 167 đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP gồm: 1 đoàn liên ngành tỉnh, 9 đoàn liên ngành cấp huyện và 157 đoàn liên ngành cấp xã để tiến hành kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Qua các cuộc kiểm tra nhằm chấn chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm của người dân và kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân gây mất ATTP trong tháng cao điểm về ATTP.
- Trong không khí hưởng ứng Tháng hành động về ATTP năm nay với chủ đề “Đảm bảo an ninh, ATTP trong tình hình mới”, với 2 nội dung chính trong công tác đảm bảo ATTP, có những khó khăn nào khi triển khai?
Trong tháng hành động vì ATTP năm nay, tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động xoay quanh 2 nội dung lớn về công tác quản lý, đảm bảo ATTP như chia sẻ. Trong đó, Sở Y tế đã giao cho Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh treo băng rôn, khẩu hiệu để hưởng ứng tháng hành động. Đồng thời thành lập 167 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm tiến hành kiểm tra tại các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm.
Trong quá trình kiểm tra thực tế, đoàn liên ngành tuyến tỉnh ghi nhận ý thức chủ cơ sở có nâng lên, chủ động thực hiện các biện pháp đảm bảo ATTP tại cơ sở. Một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tạm ngưng hoạt động dẫn đến số cơ sở kiểm tra không đạt số lượng như kế hoạch đã đề ra. Bên cạnh đó, việc kiểm tra các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố hết sức khó khăn vì các cơ sở này đa số có địa điểm kinh doanh không cố định, nhỏ lẻ và thường không đáp ứng đầy đủ các quy định về đảm bảo ATTP nhưng đây lại là loại hình dễ gây ra ngộ độc thực phẩm.
* Trước những khó khăn đó, để hạn chế và kiểm soát các trường hợp mất ATTP ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, Phó giám đốc có những lưu ý nào đối với ngành chuyên môn và khuyến cáo gì gửi đến người dân?
Trong lĩnh vực ATTP, công tác kiểm tra và công tác truyền thông là 2 khâu đặc biệt quan trọng. Vì vậy, ngành chuyên môncần chú trọng công tác kiểm tra, nhất là khâu hậu kiểm để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm. Đặc biệt, trong điều kiện thời tiết bất lợi hiện nay cần tăng cường kiểm tra hơn nữa đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố, sản xuất nước đá dùng liền. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến các kiến thức về ATTP, các quy định của Luật ATTP đến các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải thực hiện nghiêm cácquy định về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không sử dụng nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, không an toàn. Nguồn nước sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng nước sản xuất theo quy định. Nhãn sản phẩm phải ghi đủ và đúng thông tin theo quy định, không gây hiểu lầm cho người tiêu dùng. Thực hiện việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP hoặc cam kết bảo đảm ATTP theo quy định.Người trực tiếp sản xuất thực phẩm không mắc các bệnh truyền qua thực phẩm, được tập huấn kiến thức về ATTP và được chủ cơ sở xác nhận.
Đối với người tiêu dùng cần phải nắm vững các kiến thức trong lựa chọn và chế biến thực phẩm an toàn, cụ thể chọn mua những thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, xem kỹ thời hạn sử dụng, có dấu kiểm nghiệm của Y tế. Đồng thời tuân thủ các nguyên tắc chọn thực phẩm tươi an toàn, nấu chín kĩ trước khi ăn, ăn ngay sau khi nấu, bảo quản cẩn thận các thức ăn đã nấu chín, nấu lại thức ăn thật kĩ. Các thức ăn chín dùng lại sau 5 tiếng, nhất thiết phải được đun kĩ lại. Tránh ô nhiễm chéo giữa thức ăn chín và sống với bề mặt bẩn.
Rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và sau mỗi lần gián đoạn để làm việc khác, giữ sạch các bề mặt chế biến thức ăn. Che đậy thực phẩm để tránh côn trùng và các động vật khác, đặc biệt sử dụng nguồn nước sạch an toàn. Nước sạch là nước không màu, không mùi, không vị lạ và không chứa mầm bệnh. Hãy đun sôi nước trước khi làm đá lạnh để uống. Đặc biệt cẩn thận với nguồn nước dùng nấu ăn cho trẻ.