Hàng năm, ước tính có khoảng 15 triệu trẻ sinh non trên thế giới, tương đương cứ 10 trẻ ra đời thì có một trẻ sinh non. Tại Việt Nam, ước tính hàng năm có khoảng 103.500 trẻ sinh non, tỷ lệ trẻ đẻ non/nhẹ cân chiếm 19% trong mô hình bệnh tật của trẻ sơ sinh. Nguyên nhân gây nên tử vong trẻ sơ sinh chủ yếu do đẻ non/nhẹ cân, ngạt, chấn thương trong khi đẻ, dị tật và các bệnh nhiễm khuẩn, trong đó nguyên nhân do đẻ non/nhẹ cân chiếm tới 25%.
Ngày 17 tháng 11 - Ngày Thế giới vì trẻ sinh non ra đời nhằm nâng cao nhận thức về những thách thức của sinh non trên toàn cầu. Ngày này do Quỹ Chăm sóc trẻ sơ sinh Châu Âu EFCNI hợp tác với các tổ chức làm cha mẹ ở Châu Âu khởi xướng vào năm 2008. Từ đó đến nay, vô số cá nhân và tổ chức từ hơn 100 quốc gia đã cùng tham gia các hoạt động nhân Ngày Thế giới vì trẻ sinh non và cam kết hành động để giúp giải quyết tình trạng sinh non, cải thiện tình trạng trẻ sinh non và gia đình các bé.
Hưởng ứng ngày Thế giới vì trẻ sinh non năm 2024, ngày 26/8/2024, Bộ Y tế ban hành Công văn số 5021/BYT-BMTE về việc Hướng dẫn triển khai Hưởng ứng ngày Thế giới vì trẻ sinh non 2024.
Sở Y tế đã ban hành công văn số 3209/SYT-NVY ngày 30/9/2024 của Sở Y tế Bến Tre về việc triển khai các hoạt động Hưởng ứng Ngày Thế giới vì trẻ sinh non.
Sở Y tế đề nghị các địa phương và các đơn vị liên quan triển khai đồng loạt các hoạt động truyền thông, cung cấp dịch vụ về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sinh non, giảm thiểu nguy cơ sinh non từ những nguyên nhân có thể phòng tránh được, đồng thời hỗ trợ can thiệp cải thiện tình trạng sức khỏe của trẻ sinh non.
Các biện pháp dự phòng không hoàn toàn phòng được sinh non nhưng có thể giảm một cách đáng kể số bà mẹ có nguy cơ sinh non. Cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và người sử dụng dịch vụ, cụ thể cần triển khai đồng bộ các hoạt động sau:
- Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cần được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc trước khi mang thai bao gồm sàng lọc, tư vấn các vấn đề liên quan đến mang thai và sinh đẻ nhằm giảm thiểu rủi ro và đảm bảo phụ nữ khi mang thai có sức khỏe tốt nhất.
- Các phụ nữ được phát hiện có nguy cơ sinh non cần được tiếp cận chăm sóc và điều trị ở các cơ sở chuyên khoa giúp họ có thể phòng sinh non hiệu quả.
- Cần sinh con theo kế hoạch, đảm bảo theo khuyến cáo (không sinh con ở tuổi vị thành niên, khoảng cách giữa 2 lần sinh không quá dày).
- Chăm sóc thai nghén: Tuân thủ hướng dẫn khám thai và đặc biệt lưu ý một số nội dung: dinh dưỡng, tránh các chất kích thích; giảm stress,…
Bộ Y tế hướng dẫn các biện pháp can thiệp (Chăm sóc trẻ sơ sinh) như sau:
- Chăm sóc trẻ sinh non/nhẹ cân bằng phương pháp Kangagoo theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế ban hành tại Quyết định 2175/QĐ-BYT ngày 25/7/2024 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
- Chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm, da kề da, cho trẻ bú mẹ ngay từ những giờ đầu sau sinh và nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu.
- Theo dõi sức khỏe của trẻ, giữ ấm cho trẻ tránh hạ thân nhiệt, khám và chăm sóc trẻ đẻ non/nhẹ cân theo hướng dẫn của cán bộ y tế.
- Đối với trẻ quá non tháng và nhẹ cân cần phải được chăm sóc, theo dõi, điều trị ổn định tại các cơ sở y tế.
Ngày Thế giới vì trẻ sinh non hướng tới việc nâng cao nhận thức về những khó khăn và hậu quả của sinh non, tăng cường khả năng phát hiện sớm các nguy cơ trong thai kỳ, nâng cao điều trị y tế, trao quyền cho cha mẹ và giảm hậu quả lâu dài cho trẻ em và gia đình.
Những nỗ lực chung của các cấp, ngành và cộng đồng sẽ giúp nâng cao nhận thức, thúc đẩy hành động để ngăn ngừa sinh non, cải thiện hệ thống y tế với mục tiêu cứu sống trẻ em.