Chiều 9/1/2023, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) với đa số ý kiến tán thành.
Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) gồm có 12 Chương, 121 Điều quy định về quyền, nghĩa vụ của người bệnh; người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền và kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại; khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận; chuyển giao kỹ thuật chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh; áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới và thử nghiệm lâm sàng; sai sót chuyên môn kỹ thuật; điều kiện bảo đảm hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; huy động, điều động nguồn lực phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và tình trạng khẩn cấp.
Lần đầu Việt Nam có mô hình Hội đồng y khoa Quốc gia
Tại Điều 25 về Hội đồng Y khoa Quốc gia quy định, Hội đồng Y khoa Quốc gia là tổ chức do Thủ tướng Chính phủ thành lập, có chức năng đánh giá độc lập năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; có con dấu và trụ sở riêng.
Hội đồng Y khoa Quốc gia có các nhiệm vụ sau:
- Chủ trì phối hợp với các tổ chức xã hội - nghề nghiệp về khám bệnh, chữa bệnh và cơ quan, tổ chức khác có liên quan trong việc xây dựng bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh;
- Ban hành bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh;
- Chủ trì tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh;
- Tiếp nhận, giải quyết kiến nghị, khiếu nại hoặc phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về kết quả kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh;
- Thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ quy định tổ chức và hoạt động của Hội đồng Y khoa Quốc gia.
Quy định về tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước
Luật quy định, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước được Nhà nước bảo đảm kinh phí để thực hiện chức năng, nhiệm vụ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao; được tự chủ trong quyết định về tổ chức và nhân sự, thực hiện nhiệm vụ, phát triển các hoạt động chuyên môn, các hoạt động khác phục vụ khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện tự chủ về tài chính theo quy định của pháp luật và các nội dung sau:
- Quyết định nội dung thu, mức thu của các dịch vụ, hàng hóa liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, phục vụ người bệnh, thân nhân của người bệnh theo quy định của pháp luật, trừ dịch vụ, hàng hóa do Nhà nước định giá;
- Quyết định sử dụng nguồn thu hợp pháp để đầu tư các dự án thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật;
Toàn cảnh Quốc hội thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
- Quyết định nội dung chi và mức chi từ nguồn thu dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và thu sự nghiệp, nguồn kinh phí đặt hàng theo quy chế chi tiêu nội bộ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với quy định của pháp luật và khả năng tài chính của cơ sở;
- Quyết định sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật nhằm mục đích phát triển hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo nguyên tắc bảo toàn, phát triển; tiếp nhận, quản lý, khai thác, sử dụng các tài sản do cá nhân, tổ chức cho, tặng trên nguyên tắc công khai, minh bạch và không ràng buộc lợi ích giữa các bên để phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh;
- Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên được quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh nhưng không vượt quá giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tương ứng do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.
Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được hình thành thế nào?
Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bao gồm các yếu tố sau: Giá thành toàn bộ của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh quy định tại khoản 2 Điều này; Tích lũy hoặc lợi nhuận dự kiến (nếu có); Các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.
Giá thành toàn bộ của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bao gồm các chi phí sau: Chi phí nhân công, bao gồm tiền lương, tiền công phù hợp với loại hình cung cấp dịch vụ, các khoản đóng góp; Chi phí trực tiếp; Chi phí khấu hao thiết bị y tế, tài sản cố định; Chi phí quản lý.
Việc định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo đảm nguyên tắc: Bù đắp chi phí thực hiện khám bệnh, chữa bệnh phù hợp; Hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người bệnh; Rà soát các yếu tố hình thành giá để điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp cần thiết.
Việc định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh dựa trên các căn cứ sau: Yếu tố hình thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm định giá; Quan hệ cung cầu của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, khả năng chi trả của người bệnh; Chủ trương, chính sách, pháp luật về tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập trong từng thời kỳ.
HĐND cấp tỉnh quy định giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh quy định tại điểm b khoản 5 Điều này đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước trên địa bàn quản lý thuộc phạm vi được phân quyền nhưng không được vượt quá giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tương ứng do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân được quyền quyết định và phải kê khai giá, niêm yết công khai giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được đầu tư theo phương thức đối tác công tư quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Những đối tượng nào được điều động trong trường hợp khẩn cấp?
Tại Điều 115 quy định về huy động, điều động người tham gia hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và tình trạng khẩn cấp bao gồm: Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, bao gồm cả người nước ngoài đang hành nghề tại Việt Nam; Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp giấy phép hành nghề; Học viên, sinh viên, học sinh đang học trong cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe; người thuộc đối tượng được cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh nhưng chưa được cấp giấy phép hành nghề.
Tại Điều 116, quy định việc huy động, điều động cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tham gia hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và tình trạng khẩn cấp quy định:
Thành lập mới cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước theo một trong các hình thức quy định tại khoản 1 Điều 48 của Luật này để thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và tình trạng khẩn cấp mà không cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của Luật này và không phải cấp mới giấy phép hoạt động.
Huy động, điều động các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tham gia hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và tình trạng khẩn cấp (kể cả trường hợp việc khám bệnh, chữa bệnh khác với phạm vi hoạt động chuyên môn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt) mà không phải bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn.
Nguồn tin: Huỳnh Trang (Theo SKĐS)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn