Điều tra cho thấy trung bình một người Việt Nam trưởng thành tiêu thụ 9,4 gam muối trong một ngày, cao gần gấp đôi so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới là không nên ăn quá 5 gam muối/ngày.
Mỗi người cần đặt mục tiêu giảm một nửa lượng muối ăn vào hằng ngày thông qua các biện pháp như:
-
- Giảm lượng muối và gia vị mặn/có muối khi chế biến thức ăn: Khi nấu ăn hãy cố gắng giảm dần lượng muối, mắm, gia vị mặn cho đến khi giảm được một nửa; nên tự nấu ăn ở nhà để kiểm soát được lượng muối, gia vị cho vào thức ăn; có thể sử dụng các gia vị khác (chanh, tiêu…) để ăn ngon hơn mà không cần dùng nhiều muối; không nên cho muối, mắm vào nước luộc rau.
- Giảm lượng muối, gia vị mặn, nước chấm trên bàn ăn: hạn chế để nước mắm, nước tương, muối, gia vị mặn trên bàn ăn; pha loãng nước mắm để chấm khi ăn; bỏ thói quen chấm ngập thức ăn vào nước chấm hay gia vị; không chấm trái cây với muối và gia vị; không nên rưới nước mắm, nước kho/rim cá, thịt hay nước sốt vào cơm khi ăn.
Giảm sử dụng thực phẩm và thức ăn có nhiều muối: đọc hàm lượng muối trên nhãn thực phẩm trước khi mua; giảm mua các loại thực phẩm chứa nhiều muối; tăng cường ăn các thực phẩm tươi; thường xuyên ăn các món luộc; giảm ăn các món kho, rim, rang, dưa muối, cà muối, mắm tôm, mắm tép, mắm cá; hạn chế ăn các thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối như: mì ăn liền, giò, chả, xúc xích, bim bim, rau củ quả muối…; không nên ăn nhiều nước súp/nước lèo của các món phở, bún, miến khi ăn ở nhà hàng.