Hiện nay, nước ta đang vào giai đoạn hè, là thời điểm du lịch đang tăng cao, đây là nhu cầu thiết yếu giúp con người thư giãn, giải trí sau những khoảng thời gian làm việc vất vả. Tuy nhiên, đối với những bệnh nhân đang mắc các bệnh về tim mạch (như suy tim, thiếu máu cục bộ cơ tim, tăng huyết áp,…) sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe khi đi du lịch đến một số nơi có thay đổi độ cao, nhiệt độ, áp suất không khí có thể làm tăng gánh nặng cho tim. Vì vậy, người bệnh cần phải lưu ý một số điểm nhỏ để đảm bảo sức khỏe và đảm bảo an toàn cho bản thân trong suốt chuyến đi, từ đó có thể tận hưởng chuyến đi một cách hoàn hảo nhất.
Người bệnh tim mạch cần kiểm tra sức khỏe và mang đầy đủ thuốc cho chuyến đi.
Một số lưu ý đối với người bệnh tim mạch khi đi du lịch cụ thể như:
Đảm bảo tình trạng bệnh đang trong giai đoạn được kiểm soát tốt:Đảm bảo người bệnh đủ điều kiện sức khỏe để đi du lịch. Nếu người bệnh suy tim độ hai là mức độ suy tim nhẹ. Ở giai đoạn này, người bệnh thường có triệu chứng khó thở, mệt mỏi, đánh trống ngực khi hoạt động gắng sức nhiều. Khi người bệnh nghỉ ngơi hoặc không làm các việc nặng, triệu chứng này không xuất hiện. Điều này đồng nghĩa với việc bệnh đã được kiểm soát tốt và phải lưu ý hạn chế hoạt động gắng sức nhiều trong chuyến đi.
Khi đi du lịch người bệnh cần tránh đến khu vực quá cao so với mực nước biển, thời tiết quá khắc nghiệt nhằm tránh gây quá tải cho tim. Người bệnh không nên đến những nơi quá xa xôi, hẻo lánh khó tiếp cận y tế; mua bảo hiểm du lịch để phòng khi cần dùng đến.
Bệnh nhân nên mang theo đầy đủ thuốc đang sử dụng cùng tờ hướng dẫn trước khi sử dụng bên mình (mang dư để phòng trường hợp chuyến đi kéo dài hơn so với dự kiến, máy bay chậm), mang thuốc ngủ nếu khó ngủ khi đi máy bay. Người bệnh thông báo với hãng hàng không về tình trạng sức khỏe của bản thân để được hỗ trợ đi lại bằng xe đẩy nếu phải di chuyển nhiều trong sân bay.
Người bệnh cần có chế độ ăn lành mạnh, giàu calo để luôn đủ năng lượng trong suốt chuyến đi; hạn chế tham gia những hoạt động gắng sức nhiều như leo núi, đi bộ đường dài. Ngoài chế độ ăn, người bệnh cũng cần uống đủ nước: Nhiều người ngại đi vệ sinh khi di chuyển đường dài nên hạn chế uống nước. Điều này có thể gây nguy hiểm do máu di chuyển chậm trong lòng mạch khi cơ thể ngồi yên, dễ tạo cục máu đông trong tĩnh mạch. Cục máu này có nguy cơ gây tắc tĩnh mạch dẫn đến sưng phù chân. Khi máu đông trôi về tim, lên phổi gây tắc động mạch phổi khiến bệnh nhân khó thở, đau ngực, ngất, thậm chí đột tử.
Nếu di chuyển bằng máy bay, người bệnh chọn ngồi hàng ghế gần lối đi để dễ dàng đứng lên, đi lại hoặc vận động nhẹ tại chỗ; mang vớ áp lực tĩnh mạch để tránh ứ máu hai chân; tham khảo ý kiến bác sĩ về việc dùng thuốc phòng ngừa huyết khối (nếu cần). Những người có tiền sử huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới, thuyên tắc phổi, có cục máu đông trong buồng tim... có thể phải dùng thuốc chống đông máu.
Nếu tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ về những điều nên làm trước và trong chuyến đi, thì người bệnh tim mạch hoàn toàn có thể đi du lịch cùng gia đình. Nếu gặp các triệu chứng tức ngực, khó thở, mệt, ngất, vã mồ hôi... khi gắng sức, hãy liên hệ ngay với cơ sở y tế gần nhất.