Người bệnh ung thư đang hóa trị tránh thực phẩm cay nóng, hải sản sống, sinh hoạt lành mạnh để hạn chế biến chứng, tác dụng phụ của thuốc hóa chất.
Trả lời của BS.CKII Nguyễn Trần Anh Thư, khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, đưa ra một số lưu ý dưới đây cho người bệnh hóa trị ung thư.
Tránh món cay, nóng
Thức ăn cay, nóng, cứng hoặc chua có thể khiến một số tác dụng phụ khi hóa trị ung thư như nôn ói, viêm loét miệng nghiêm trọng hơn.
Một số thuốc hóa chất trong điều trị ung thư đại tràng có tác dụng phụ là bệnh thần kinh ngoại biên. Người bệnh dễ ngứa ran, nóng rát, tê ở tay và chân, có thời điểm rất nhạy cảm với lạnh. Do đó, người bệnh cần hạn chế đồ ăn, thức uống đông lạnh, tránh tiếp xúc với đồ lạnh gây tê buốt tay khi chạm, nhất là trong tuần đầu sau hóa trị.
Không sử dụng thực phẩm chức năng khi chưa hỏi ý kiến bác sĩ
Các loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng có khả năng tương tác với các loại thuốc khác, bao gồm cả thuốc dùng để điều trị ung thư, làm giảm hiệu quả của thuốc hóa chất, ảnh hưởng đến chức năng gan, thận. Người bệnh ung thư cần thảo luận với bác sĩ điều trị về thuốc, thực phẩm chức năng trước khi dự định uống.
Hạn chế ăn thịt sống, hải sản sống
Thực phẩm không nấu chín, chưa đun sôi như cá sống, hàu sống, thịt bò tái không đảm bảo được tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Người bệnh có thể nhiễm một số loại vi khuẩn có hại như Salmonella, E.coli... gây nhiễm trùng đường tiêu hóa. Nguy cơ cao hơn với người bệnh ung thư đang hóa trị do thuốc hóa trị gây ức chế hệ thống miễn dịch, giảm sức đề kháng.
Bác sĩ Thư khuyên người bệnh ung thư nên ăn thực phẩm nấu chín. Ưu tiên cách chế biến hấp, luộc; tránh đồ ăn chiên xào, nướng nhiều dầu mỡ, nhiều gia vị gây khó tiêu.
Không hút thuốc lá
Hút thuốc lá, bao gồm cả thuốc lá điện tử, tiếp xúc khói thuốc lá thụ động cũng có nguy cơ gây hại cho người bệnh đang hóa trị.
Người bệnh ung thư đang hoặc từng hút thuốc có khả năng giảm đáp ứng điều trị, tăng tái phát và các biến chứng, bao gồm các vấn đề về lành vết thương, nhiễm trùng, biến chứng tim mạch và phát triển bệnh ung thư thứ hai.
Hạn chế uống rượu bia
Rượu bia dẫn đến khô miệng, đau rát họng, viêm miệng họng do hóa trị nặng hơn. Đồ uống này còn làm tăng tình trạng buồn nôn, nôn sau hóa trị, ảnh hưởng đến chức năng gan, thận.
Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời
Dịp đầu năm, người bệnh thường tham gia các hoạt động lễ hội, du lịch, thăm chúc người thân. Các thuốc hóa trị có thể khiến da người bệnh nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời.
Tránh ở ngoài trời lúc nắng gắt; nên thoa kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên khi ra ngoài trời và thoa lại sau 2-3 giờ.
Không làm việc quá sức
Người bệnh nên nghỉ ngơi phù hợp, tập thể dục nhẹ nhàng, vận động hợp lý, nghỉ ngơi đầy đủ để quá trình phục hồi nhanh.
Hạn chế tiếp xúc người mắc bệnh truyền nhiễm
Trong thời gian hóa trị, hệ miễn dịch của người bệnh không hoạt động tốt như người bình thường. Nguy cơ cao lây nhiễm các bệnh đường hô hấp như viêm họng, viêm mũi, viêm phế quản, nặng hơn có thể viêm phổi. Triệu chứng nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.
Bệnh nhân ung thư nên hạn chế tiếp xúc với người có dấu hiệu cảm cúm, thường xuyên đeo khẩu trang khi ra ngoài, rửa tay đúng cách và đúng thời điểm nhằm hạn chế nguy cơ nhiễm trùng. Nếu có dấu hiệu khác thường cần đến bác sĩ khám ngay để xử trí kịp thời.