Tâm lý chung khi mắc bệnh, dù điều trị bằng cách nào thì ai cũng muốn bệnh mau khỏi. Chính vì tâm lý này mà nhiều người bệnh không có kiến thức chuyên sâu về y dược đều tin rằng, mỗi khi dùng thuốc nếu triệu chứng được giảm nhanh, tạo lập tình trạng bình thường, thoải mái, dễ chịu (dù là nhất thời) có nghĩa là đỡ bệnh hay khỏi bệnh. Thầy thuốc nào điều trị loại trừ nhanh triệu chứng, giúp đạt trạng thái bình thường sớm, luôn được coi là thầy thuốc "giỏi". Thuốc nào giúp nhanh mất triệu chứng mới là thuốc tốt...
Chính vì thế, một số đông người bệnh (không có chuyên môn y dược) chỉ chú trọng giảm triệu chứng, luôn yêu cầu thầy thuốc phải dùng thuốc "liều cao", thuốc "tổng hợp", thuốc "mạnh nhất", để cắt giảm nhanh các dấu hiệu lâm sàng khó chịu, bất lợi.
Cách suy nghĩ đó về đơn thuần mong loại trừ bệnh là hợp lý, song sai lầm ở chỗ trái với cơ chế trị bệnh phải trị nguyên nhân là chính, đi đôi với cắt giảm triệu chứng ở mức phù hợp.
Xin tóm lược nguyên tắc chung cơ bản về cách dùng thuốc trị bệnh để làm rõ vấn đề này:
Để điều trị bất cứ căn bệnh nào về cơ chế cũng cần giải quyết dùng phối hợp thuốc như sau:
- Tiêu diệt tác nhân vi sinh vật gây bệnh: Vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm...
- Khắc phục, thiết lập lại cân bằng các rối loạn về chuyển hoá, sinh lý của cơ thể.
- Bù đắp các thiếu hụt năng lượng, dưỡng chất và khoáng chất...
- Loại trừ các kháng nguyên, dị nguyên tác động vào cơ thể (trong ngộ độc, dị ứng...).
- Tạo ra đối kháng tác dụng (dược lý, hoá học, vật lý...) với các tác nhân, yếu tố gây độc, hại hoặc hủy hoại cơ thể.
- Một số thuốc ở các điều kiện đặc biệt, thiết lập các đột biến về gen, tế bào... để khống chế, loại trừ các yếu tố phát sinh dị thường khác của cơ thể.
- Tăng cường và bổ sung kháng thể trực tiếp hoặc gián tiếp giúp cơ thể chống đỡ loại trừ tác nhân gây bệnh...
Lưu ý, đừng e ngại khi thầy thuốc chỉ định các thuốc có hướng dẫn chống chỉ định để điều trị cho chính đối tượng và trường hợp chống chỉ định được cảnh báo vì có trường hợp dùng chính chống chỉ định đó để điều trị bệnh hoặc đã được dùng một thuốc phụ trợ khác để khắc phục hay triệt tiêu tác dụng bất lợi (những người không có chuyên môn đủ sâu xin đừng sử dụng theo cách này).
Đi đôi với dùng thuốc có thể sử dụng các phương pháp điều trị khác:
- Thuốc điều trị triệu chứng của một bệnh chỉ tác động ảnh hưởng đến các triệu chứng của bệnh, chứ không phải hướng vào khắc phục hoặc loại trừ nguyên nhân gây ra bệnh (tức là nguyên nhân thực sự của nó).
- Thuốc nhằm mục đích khắc phục giảm nhanh các triệu chứng khó chịu, bất lợi của bệnh nhân.
- Thuốc giúp loại trừ các hậu quả nghiêm trọng do chính các triệu chứng nặng gây ra (cắt sốt quá cao, để tránh co giật nguy hiểm, cầm tiêu chảy nhiều, nhanh để tránh truỵ tim mạch...).
Lưu ý: Để kiểm soát được bệnh, nhiều trường hợp không được phép xử lý cắt giảm ngay triệu chứng mà cần duy trì hợp lý, để theo dõi diễn biến và xác định bệnh (ví dụ viêm ruột thừa chưa được chẩn đoán xác đinh...).
Trong số ít trường hợp, thuốc giảm triệu chứng cũng có thể hữu ích trong việc giảm hậu quả trước mắt và di chứng của một số bệnh. Trong nhiều bệnh, khi mà vai trò của thuốc trị nguyên nhân không thể đảm bảo trị bệnh hiệu quả thì điều trị triệu chứng là cách duy nhất hợp lý cho đến nay. Tuy nhiên trong các trường hợp đó, đi đôi với giảm triệu chứng thầy thuốc sẽ kết hợp với các biện pháp trị liệu không dùng thuốc khác tại cơ sở y tế.
Thuốc điều trị hỗ trợ không phải là thuốc điều trị chính, song cần thiết để giúp trị bệnh hiệu quả.
Các thuốc này bao gồm:
- Vitamin, đạm, vi lượng... giúp bổ sung vitamin, dinh dưỡng giúp phục hồi sức khoẻ. Tuy nhiên trong các bệnh mắc phải do thiếu hụt vitamin, khoáng chất và các yếu tố vi lượng... thì các loại này lại đóng vai trò là thuốc điều trị nguyên nhân (trong các bệnh thiếu vitamin C, Canxi, Magne, K+...)
- Thuốc thay thế thực phẩm, dinh dưỡng đối với người phải kiêng nhịn (aspartam, sarcarin... cho người đái đường...).
- Các thuốc giúp ổn định và tăng cường các chức năng sinh lý bị ảnh hưởng.
- Thuốc giúp tăng cường khả năng hấp thu, chuyển hoá hoặc can thiệp tăng sinh khả dụng (tức là khả năng phát huy tác dụng) các thuốc chính...
- Thuốc bảo vệ dạ dày khi dùng các thuốc gây tăng tiết dịch dạ dày.
- Thuốc hạn chế các kích thích do các thuốc chính hoặc các biện pháp điều trị không dùng thuốc gây nên.
- Thuốc bổ sung các thiếu hụt hay rối loạn do bệnh hoặc do thuốc gây ra:
- Mọi biện pháp điều trị: Dùng thuốc, phẫu thuật, vật lý trị liệu, các thủ thuật và biện pháp can thiệp khác... để an toàn, hiệu quả đều phải xác định chủ yếu là trị nguyên nhân. Phải loại trừ được các tác nhân gây bệnh hoặc thiết lập cân bằng sinh học mới giúp cơ thể khỏi bệnh (hoặc ổn định).
- Trong các trường hợp đặc biệt cần để theo dõi xác định bệnh, không nên dùng ngay thuốc cắt giảm triệu chứng.
- Khi triệu chứng nhẹ không đau đớn, ít ảnh hưởng đến sinh hoạt có thể bỏ qua các thuốc trị triệu chứng.
- Một số bệnh chỉ cần đề kháng cơ thể có thể tự khỏi hoặc bệnh được khẳng định không có thuốc đặc hiệu loại trừ nguyên nhân, thì chú trọng dùng các thuốc tăng khả năng đề kháng và cắt giảm triệu chứng (ví dụ như cúm mùa và phần lớn các bệnh do virus thông thường...).
Cần lưu ý: Thuốc điều trị nguyên nhân không dừng ngay khi mới hết triệu chứng mà cần dùng thêm 1, 2 ngày hoặc hơn tuỳ loại thuốc và loại bệnh cụ thể.
- Không nên chỉ chú trọng dùng thuốc trị triệu chứng mà coi thường điều trị nguyên nhân.
- Rất nhiều người bệnh khi đã hết hoàn toàn triệu chứng nhưng nguyên nhân và tác nhân gây bệnh chưa được loại trừ đã dừng thuốc. Nếu dừng thuốc bệnh có thể sẽ bị tái phát bất lợi hơn. Khi đó, chỉ ở các cơ sở y tế đủ điều kiện kiểm tra bằng cận lâm sàng mới có thể xác định được đã loại bỏ hết tác nhân gây bệnh chưa.
- Thuốc trị triệu chứng có thể dừng thuốc, ngay sau khi không còn triệu chứng.
Một số người bệnh không có chuyên môn thường không thăm khám, không xin ý kiến tư vấn, tự chỉ định hoặc theo đơn cũ, theo đơn của người khác dễ mắc phải:
+ Sai lầm về liều lượng và liệu trình, cho rằng lần này dùng sao thì sau vẫn vậy mới hiệu quả, thậm chí dùng triền miên cả tháng, cả năm.
+ Không biết đâu là thuốc chính có khi chỉ tìm mua dùng các thuốc trị triệu chứng, thuốc hỗ trợ hoặc các thuốc khắc phục tác dụng phụ của một thuốc nào.
Thực tế không ít trường hợp dùng thuốc vừa đáng buồn, vừa đáng trách, ví dụ:
- Người bệnh mắc goute mạn yêu cầu mua omeprazol (thuốc ức chế tiết dịch dạ dày). Lý do trước đó đã từng được kê đơn: Colchicin, celecoxib (NSAID) và omeprazol. Trong trường hợp này omeprazol sẽ giúp khắc phục tác dụng phụ của celecoxib.
- Muốn điều trị khỏi viêm loét dạ dày nhưng chỉ yêu cầu dùng thuốc kháng axit (kremin S, yumagel...), vì người bạn cùng tình trạng bệnh mách dùng loại đó đã khỏi.
- Đau lưng nghe nói nên dùng eperixon (thuốc thư giãn cơ) nhanh đỡ, nên chỉ mua riêng thuốc đó để giảm đau lưng.
- Một cụ 70 tuổi đau khớp mạn (không rõ bệnh cụ thể), khen uống thuốc viên hoàn (đông dược, đóng túi không nhãn mác, mua qua mạng) đỡ lắm, nhưng khi uống thuốc mặt tròn xoe, cổ vai gáy béo ụ, chân tay gày đét (hội chứng Cushing rõ), được khuyên dừng thuốc và đổi thuốc nhưng người bệnh vẫn không nghe.
Chính vì thế cần luôn nhớ:
Nguồn tin: Lê Trang (Theo SKĐS)::
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn