Hiện nay, thời tiết đang bắt đầu bước vào mùa nắng nóng. Nhiệt độ môi trường tăng cao dẫn đến thực phẩm dễ biến chất, ôi thiu và nhiễm khuẩn. Vì vậy, việc ăn uống hợp lý trong thời điểm này là vô cùng cần thiết. Một số vấn đề cần được lưu ý trong vấn đề ăn uống để giúp bảo vệ sức khoẻ, như sau:
Ưu tiên thực phẩm tươi, sạch
Đối với rau củ quả, người dân nên bảo quản ở nơi thoáng mát hoặc ngăn chứa rau củ của tủ lạnh để giữ thực phẩm tươi ngon. Trước khi sử dụng phải rửa sạch sản phẩm dưới vòi nước chảy để loại bỏ các chất bẩn. Thịt, cá, hải sản..., phải sử dụng khi còn mới hoặc trữ ở ngăn đông.
Bổ sung đủ lượng nước trong ngày
Theo các chuyên gia, nên uống nước đều trong ngày, mỗi lần uống một lượng vừa phải (khoảng 150-250 ml), uống từng chút một, không uống quá nhiều nước trong một thời điểm. Không nên đợi khát mới uống.
Thông thường, mỗi người lớn nên duy trì uống 2-2,5 lít nước mỗi ngày. Trong thời tiết nắng nóng thì việc bổ sung nước lại càng quan trọng.
Đối với những người phải thường xuyên làm việc, hoạt động ngoài trời, việc bổ sung nước cần đặc biệt chú trọng vì mất nước (do thoát mồ hôi nhiều) khiến cơ thể mệt mỏi, choáng, khó thở.
Bổ sung vitamin và khoáng chất
Bổ sung đầy đủ chất xơ, vitamin C, A, canxi, vitamin nhóm B, sắt trong các loại rau củ quả như cam, chanh, rau dền, cà rốt, khoai tây, táo. Còn các loại quả ngọt, có tính nóng như xoài, mít, sầu riêng, vải, nhãn cần được hạn chế.
Rau củ quả và các thức ăn dễ tiêu hóa sẽ là lựa chọn tối ưu cho mùa nắng nóng. Tuy nhiên, mọi người vẫn cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng phù hợp và đầy đủ để duy trì hoạt động cơ thể. Do đó, cần bổ sung tinh bột đa dạng như gạo, bún, bánh mì. Đối với người ăn kiêng, có thể sử dụng một bát cơm mỗi ngày hoặc thay thế bằng bún.
Một số đối tượng cần đặc biệt chú ý giữ gìn sức khoẻ mùa nắng nóng như:
Phụ nữ mang thai:
Thời tiết nóng, nhiệt độ tăng cao đột ngột khiến thai phụ thường xuyên có cảm giác mệt mỏi, tử cung co bóp nhiều hơn. Nhiều người bị mất nước, sốc nhiệt dẫn đến đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, đề kháng giảm. Ngoài ra, trong thời gian mang thai, thân nhiệt của thai phụ sẽ cao hơn mức bình thường. Do đó, thai phụ cần uống đủ nước để tránh mất nước. Uống từng ngụm nhỏ liên tục thì cơ thể mới hấp thu được nước. Nếu uống một lúc quá nhiều nước, cơ thể không hấp thu được hết buộc phải đào thải rất nhiều qua đường tiểu tiện, càng khiến mệt hơn.
Không nên đi, đứng dưới trời nắng quá lâu, nhất là vào buổi trưa nhiệt độ tăng cao. Tránh ra đường vào thời điểm từ 10h đến 16h do lúc này tia UV đạt đỉnh có thể gây nguy hại cho sức khỏe thai phụ.
Khi ra đường bà bầu nên mặc quần áo dài và dễ thấm hút mồ hôi, đội mũ rộng vành. Khi có dấu hiệu sức khỏe bất thường, thai phụ cần tìm nơi thoáng mát để nghỉ ngơi. Lưu ý, không vào phòng máy lạnh ngay sau khi vừa từ ngoài trời nắng nóng về để tránh sự thay đổi nhiệt độ đột ngột.
Hạn chế ăn thực phẩm chiên xào nhiều dầu mỡ, cay nóng làm tăng nhiệt độ bên trong cơ thể. Nên ăn những món thanh mát có khả năng giải nhiệt, bổ sung hoa quả, uống nhiều nước và uống oresol bù điện giải khi cần.
Khi thai phụ nhận thấy những dấu hiệu bất thường như mệt mỏi quá sức, xuất hiện cơn gò tử cung hoặc đau bụng, buồn nôn, ra máu... cần nhanh chóng đến bệnh viện để kiểm tra.
Trẻ em:
Đối với trẻ em, nắng nóng và tia cực tím khiến sức đề kháng của trẻ giảm. Việc bài tiết nhiều mồ hôi hơn có thể dẫn tới thiếu nước, rối loạn điện giải, dễ mắc bệnh hơn. Vì vậy gia đình nên lập chế độ ăn uống hợp lý, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho con, tạo sức đề kháng tốt.
Sử dụng điều hòa từ 27-28 độ, không nên để lạnh hoặc nóng quá, thường xuyên mở cửa, lau chùi đồ đạc, tránh tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn phát triển. Ngoài ra, không nên để hơi lạnh từ điều hòa hay quạt xả thẳng vào người; hoặc uống nước đá, ăn đồ lạnh khiến vùng hầu họng bị lạnh đột ngột, dễ nhiễm bệnh.
Vệ sinh đường hô hấp trẻ bằng cách nhỏ nước muối sinh lý vào mũi miệng. Dùng khăn giấy mềm lau sạch mũi, dãi rồi vứt bỏ ngay sau khi sử dụng. Tránh tối đa việc đưa tay lên mắt, mũi, miệng. Tiêm vaccine phòng cúm.
Phụ huynh nên cho trẻ ở trong nhà thoáng khí, mát mẻ, tránh để con vui chơi, hoạt động thể chất ngoài nắng quá lâu. Nếu cần ra ngoài, cho trẻ đội mũ vành rộng, quần áo sáng màu, chất vải nhẹ nhàng.
Khi trẻ say nắng, cần lập tức đưa con vào vùng râm mát, thông thoáng và tìm cách hạ thân nhiệt như chườm mát, nới lỏng quần áo, bù nước và các dung dịch điện giải bằng đường uống.
Nguồn tin: Bs Loan Thy - Khoa PCBKLN - CDC Bến Tre:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn