Sốt virus ở trẻ và cách xử trí

Thứ tư - 03/07/2024 21:06
Sốt virus là bệnh thường gặp ở trẻ em, bệnh lây truyền nhanh do trẻ tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ đường hô hấp của trẻ bị bệnh hoặc các đồ chơi dính dịch tiết trong thời gian ở nhà hoặc tại trường học.
Sốt virus là bệnh thường gặp ở trẻ em.
Sốt virus là bệnh thường gặp ở trẻ em.
Sốt virus hay còn gọi là sốt siêu vi là phản ứng sốt ở trẻ khi nhiễm một loại virus nào đó. Sốt virus thường cấp tính, kéo dài 3 – 5 ngày, ít khi quá 7 ngày.

Sốt virus có thể đơn thuần và tự khỏi, nhưng cũng có thể kèm theo các triệu chứng khác, gây diễn biến nặng tùy vào từng loại virus và cơ địa của trẻ.

Sốt virus ở trẻ nhận biết thế nào?

Những dấu hiệu thường gặp ở trẻ nhiễm virus là sốt ở nhiều mức độ khác nhau, có thể là sốt thoáng qua, sốt nhẹ hoặc có những trẻ sốt cao liên tục. Khi trẻ sốt cao có thể rét run toàn thân, một số trẻ có thể bị co giật do sốt. Trẻ có thể bị sốt đơn thuần hoặc kèm theo các dấu hiệu khác, tùy theo từng loại virus và từng trẻ như: Ho, chảy nước mũi trong, tiêu chảy, phát ban, mụn nước trên da…

Nhiều loại virus có thể gây bệnh cảnh rất nặng, đe dọa tính mạng của trẻ hoặc để lại di chứng nặng nề như virus gây viêm não Nhật Bản, virus gây bệnh tay – chân – miệng, virus Dengue gây sốt xuất huyết, virus Rota gây tiêu chảy mất nước…

Lứa tuổi càng nhỏ thì càng dễ bị nhiễm virus, do sức đề kháng của trẻ kém, nhưng có một số loại virus do cơ thể trẻ có kháng thể từ mẹ truyền sang con qua nhau thai, qua sữa mẹ thì trẻ có thể bị muộn hơn. Ví dụ như bệnh sởi, nếu người mẹ đã được tiêm phòng hoặc đã từng bị nhiễm sởi mà nuôi con bằng sữa mẹ thì ít khi bị mắc bệnh sởi trước 6 tháng.

Nhiễm virus có ở trẻ sẽ trở nên nguy hiểm khi xảy ra các biến chứng trên nhiều cơ quan của cơ thể nếu không được phát hiện kịp thời và chăm sóc đúng cách như: Viêm phổi nặng do RSV, cúm, phù não, viêm cơ tim, phù phổi do virus tay chân miệng, chảy máu, sốc do sốt xuất huyết…

Cách xử trí khi trẻ bị sốt virus

Nếu được phát hiện sớm, chữa trị đúng cách thì trẻ sẽ nhanh khỏi và không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, khi trẻ sốt virus nếu không được chăm sóc xử trí đúng thì sẽ gây ra các biến chứng. Vì vậy khi trẻ bị sốt, cha mẹ nên lưu ý như sau:

- Khi trẻ bị sốt cha mẹ cần theo dõi chặt chẽ

Thông thường trẻ sẽ sốt trong 2 - 3 ngày đầu, nên khi cha mẹ phát hiện thấy có biểu hiện nhiệt độ tăng thì phải đo thân nhiệt của trẻ thường xuyên 4 giờ/lần.

Nếu sốt virus thì các triệu chứng điển hình là: Sốt theo cơn, má và tai đỏ bừng hoặc hơi tái, mắt lờ đờ mệt mỏi, sờ tay chân trẻ nóng hoặc lạnh, trẻ quấy khóc hoặc ngủ nhiều, trẻ thường sốt cao khoảng 38 – 39 độ C, có thể lên đến 40 độ C.

Nếu trong 2 ngày trẻ sốt cao liên tục trên 39 độ C thì cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để thăm khám và điều trị hội chứng nhiễm siêu vi ở trẻ em.

- Nếu thấy trẻ có tình trạng rét run, lạnh

Biểu hiện lạnh và rét run nằm co ro là biểu hiện trẻ bị sốt siêu vi thường gặp trong giai đoạn đầu khi trẻ sốt.

Trẻ nhỏ bị sốt siêu vi thường bị rét và đòi đắp chăn, nổi da gà, da khô và nóng. Biểu hiện này chỉ xuất hiện nhanh trước khi trẻ sốt cao.

Lưu ý: Không dùng thuốc hay chườm lạnh trong giai đoạn trẻ lạnh và rét run, vì không có tác dụng, thậm chí còn gây nguy hiểm cho trẻ.

- Nếu thấy trẻ bị co giật

Co giật xuất hiện ở 3 - 5% trẻ sốt virus, triệu chứng này thường gặp ở độ tuổi từ 6 tháng đến 5 tuổi hoặc trẻ có tiền sử co giật trước đó, do não trẻ nhạy cảm với sự thay đổi nhiệt độ, khi sốt cao não trẻ bị kích thích nên sẽ gây cơn co giật.

Trẻ ngừng đột ngột hoạt động và phản ứng, mắt trợn ngược, tay chân căng cứng và co giật.
Đại tiểu tiện không tự chủ.

Thường trẻ có thể bị co giật khi sốt cao trên 39.5 độ C.

Trẻ có khả năng co giật cao do sốt nếu tiền sử gia đình có người bị co giật do sốt hoặc trẻ có tiền sử co giật.

Khi trẻ bị co giật, cha mẹ cần bình tĩnh và tuân thủ tuyệt đối các yêu cầu sau:

- Nới rộng và cởi bớt quần áo cho trẻ.

- Cho trẻ nằm nơi thoáng mát đủ không khí, không cố gắng giữ trẻ khi trẻ còn đang giật.

- Nếu trẻ lớn (đã có răng) có thể dùng thìa hoặc đũa cả ngáng qua miệng trẻ để tránh tình trạng trẻ cắn vào lưỡi.

- Dùng thuốc hạ sốt bằng đường đặt hậu môn: Efferangan 80mg, 150mg, 300mg tùy thuộc vào cân nặng của trẻ với liều 10 - 15mg/kg trọng lượng cơ thể. Cha mẹ cần đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng thuốc cho trẻ.

- Khi trẻ hết giật thì cho trẻ nằm nghiêng khoảng 2 - 5 phút, sau đó đưa ngay đến bệnh viện hay cơ sở y tế gần nhất.

Ngoài các triệu chứng trên, trẻ bị nhiễm virus còn có các triệu chứng như: Chảy nước mũi, nghẹt mũi, viêm da phát ban, tiêu chảy, nôn trớ…

Khi trẻ bị nhiễm virus, cha mẹ không nên quá lo lắng hoặc quá chủ quan. Cần chăm sóc trẻ chu đáo, phát hiện được các dấu hiệu nặng để đưa trẻ đến các cơ sở y tế thăm khám.

Để phòng ngừa nhiễm virus, cha mẹ không nên cho trẻ tiếp xúc với nguồn lây, tránh tiếp xúc người đang nhiễm virus, tránh nơi đông người, nằm màn, phun thuốc diệt muỗi…

Cần nâng cao sức đề kháng cho trẻ như: Cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng (khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ trong năm đầu đời), thường xuyên cho trẻ vận động tăng cường thể lực, tạo môi trường sống trong sạch, vui vẻ, lành mạnh, tiêm phòng đầy đủ vaccine tạo miễn dịch chủ động cho trẻ chống lại virus (cúm, sởi, quai bị, viêm não nhật bản, bại liệt, rotavirus…).

Nguồn tin: Khoa TT GDSK

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

CÔNG KHAI GIÁ BYT
Cổng thông tin tiếp nhận,xử lýphản ánh hiện trường
PHÁP ĐIỂN
Thống kê
  • Đang truy cập265
  • Hôm nay50,025
  • Tháng hiện tại1,457,821
  • Tổng lượt truy cập38,991,205
Thăm dò ý kiến

Theo bạn, nội dung cung cấp trên website Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bến Tre:

Liên kết websites
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây