Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2024 diễn ra từ ngày 1/6 đến ngày 30/6/2024 với chủ đề “Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030”.
Bộ Y tế vừa có Văn bản số 2562/BYT-AIDS gửi Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS, ma tuý, mại dâm các bộ, ngành, đoàn thể và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2024.
Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, vợ của những người nhiễm HIV trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có hành vi nguy cơ cao về lợi ích của xét nghiệm HIV sớm và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sớm.
Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với phụ nữ mang thai nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội trong dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Tăng cường cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con như xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV cho phụ nữ mang thai, cung cấp thuốc ARV cho phụ nữ nhiễm HIV bao gồm phụ nữ nhiễm HIV mang thai, cung cấp thuốc ARV điều trị dự phòng lây nhiễm HIV cho con, chẩn đoán sớm nhiễm HIV ở trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, đẩy mạnh các can thiệp và tăng cường chất lượng các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Bộ Y tế đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm các cấp ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc tăng cường triển khai các hoạt động trong Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2024 phù hợp với điều kiện và chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị, địa phương.
Tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động trong Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Tổ chức Lễ phát động Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Thời điểm tổ chức Lễ phát động Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cần được thực hiện trước hoặc trong ngày mở đầu Tháng cao điểm (ngày 01/6/2024).
Tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động hưởng ứng Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con về nội dung truyền thông cần chú trọng vào các nội dung: Lợi ích của xét nghiệm sớm HIV cho phụ nữ mang thai; Thời điểm phụ nữ nhiễm HIV có thể mang thai an toàn giảm nguy cơ lây nhiễm HIV cho con; Lợi ích của điều trị ARV sớm cho người nhiễm HIV và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; Lợi ích của theo dõi tải lượng vi rút HIV đối với phụ nữ mang thai nhiễm HIV để sinh ra những đứa con khỏe mạnh;
Lợi ích của điều trị dự phòng ARV cho trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV hoặc mẹ có xét nghiệm HIV có phản ứng khi chuyển dạ, khi sinh; Lợi ích của việc thực hiện chẩn đoán sớm nhiễm HIV ở trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV; Lợi ích của điều trị ARV sớm cho trẻ được chẩn đoán nhiễm HIV do lây truyền HIV từ mẹ sang con; Lợi ích của việc quản lý thai, khám thai sớm trong ba tháng đầu để được tư vấn và xét nghiệm HIV sớm; điều trị bằng thuốc ARV sớm ngay trong những tháng đầu của thai kỳ ở phụ nữ mang thai nhiễm HIV trong việc giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con;
Các can thiệp cần thiết cho phụ nữ khi mang thai, khi sinh và bà mẹ, trẻ sau sinh từ mẹ nhiễm HIV; Các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV khác: Lợi ích của các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV dành cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và phụ nữ mang thai; Quyền sinh con của phụ nữ nhiễm HIV với đầy đủ thông tin; Bảo đảm tài chính cho chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con;
Bên cạnh đó, tăng cường truyền thông đại chúng về chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con: Ưu tiên về thời điểm, thời lượng phát sóng trên đài phát thanh, đài truyền hình; dung lượng và vị trí đăng trên báo in, báo điện tử trong Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; tăng cường truyền thông qua các chương trình giải trí trên truyền hình, các phóng sự, các chương trình quảng cáo, các chương trình tọa đàm, giao lưu với những người nổi tiếng về HIV/AIDS...
Bộ Y tế yêu cầu hình thức tổ chức các sự kiện với hình thức linh hoạt và triển khai đa dạng phong phú các hình thức truyền thông phù hợp với nguồn lực sẵn có của từng địa phương.
Khẩu hiệu của chiến dịch
- Nhiệt liệt hưởng ứng Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con!
- Không có HIV ở mẹ - Không lây truyền HIV cho con
- Xét nghiệm HIV sớm cho mẹ
- Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con
- Phụ nữ mang thai cần xét nghiệm HIV để biết sớm tình trạng nhiễm HIV để được điều trị kịp thời!
- Xét nghiệm HIV cho mẹ, sức khỏe cho con!
- Điều trị thuốc ARV sớm cho mẹ - Giảm lây truyền HIV sang con!
- Bảo hiểm y tế là cách tốt nhất để người nhiễm HIV được điều trị liên tục suốt đời! 2 - Điều trị thuốc ARV sớm giúp người nhiễm HIV sống khỏe mạnh và giảm lây nhiễm HIV cho người khác!
- Chẩn đoán sớm nhiễm HIV cho trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV để điều trị kịp thời đem lại sức khỏe cho trẻ!
- Điều trị dự phòng ARV cho con sinh ra từ mẹ nhiễm HIV