Với tính chất nguy hiểm và tầm quan trọng của công tác phòng bệnh Tay chân miệng vì hiện nay chưa có vắc xin để chủng ngừa, vừa qua Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học cơ sở và Bộ Y tế đã phê duyệt Đề cương nghiên cứu “Thử nghiệm lâm sàng pha III, đa trung tâm, mù đôi, ngẫu nhiên, có đối chứng đánh giá hiệu quả, Sinh miễn dịch và An toàn của vắc xin Enterovirus 71 (EV71) bất hoạt có tá chất ở trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ khỏe mạnh” được tiến hành thử nghiệm tại Bến Tre.
Tập huấn trước khi tham gia triển khai thử nghiệm Văc xin
Nghiên cứu được thực hiện chính bởi Viện Pasteur TP. HCM và cũng đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh cũng như Sở Y tế Bến Tre phê duyệt cho phép tiến hành nghiên cứu trên địa bàn tỉnh. Đối tượng triển khai nghiên cứu là trẻ em khỏe mạnh từ 02 tháng đến dưới 06 tuổi trên địa bàn thành phố Bến Tre với số mẫu là 1.363 đối tượng. Nhằm đảm bảo tính an toàn trong quá trình triển khai tiêm thử nghiệm vắc xin phòng ngừa Enterovirus 71, đoàn nghiên cứu đã chọn Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu làm địa điểm nghiên cứu với sự phối hợp thực hiện của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bến Tre.
Cán bộ tham gia nghiên cứu
Các cán bộ tham gia vào nghiên cứu đều được chọn lọc kĩ cả về chuyên môn và đạo đức, đồng thời phải tham gia đầy đủ các lớp tập huấn do Viện Pasteur TP. HCM tổ chức để nắm vững các kĩ năng như tuyển chọn đối tượng, tư vấn ký phiếu đồng thuận của phụ huynh bé, khám sàng lọc trước tiêm, chủng ngừa, theo dõi sau tiêm… Các bé khi tham gia vào nghiên cứu luôn được đảm bảo đã trải qua quá trình sàng lọc kĩ lưỡng từ tình trạng sức khỏe hiện tại cho đến các hồ sơ pháp lý liên quan, đồng thời sẽ được theo dõi các vấn đề về sức khỏe có liên quan đến vắc xin ngừa Enterovirus 71 trong thời gian ít nhất 01 năm và được thực hiện bởi đội ngũ y, bác sĩ đã có nhiều năm kinh nghiệm của Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu.
Đây là một nghiên cứu hết sức có ý nghĩa trong công tác phòng, chống bệnh Tay chân miệng nói chung cũng như góp phần bảo vệ trẻ không mắc chủng Enterovirus 71 nói riêng.
Tại Bến Tre, tính từ đầu năm đến ngày 05/06/2022 toàn tỉnh ghi nhận 160 ca Tay chân miệng, chủ yếu là ở trẻ em dưới 5 tuổi. Bệnh lây truyền từ người sang người qua đường tiêu hóa hoặc tiếp xúc với các dịch tiết đường mũi họng, dịch vỡ ra từ các bóng nước… Đặc biệt các ổ dịch xuất hiện tại các trường học có thể bùng phát thành dịch lớn. Vi rút Tay chân miệng có rất nhiều họ và đa phần các ca bệnh Tay chân miệng thường diễn tiến nhẹ, tuy nhiên vẫn có nhiều trường hợp gây biến chứng nặng như viêm não, màng não, viêm cơ tiêm, phù phổi có thể dẫn đến tử vong, đặc biệt là khi nhiễm họ Enterovirus 71 (EV71).