VẮC XIN NGỪA UNG THƯ CỔ TỬ CUNG (HPV) VÀ SỰ CẦN THIẾT TIÊM VẮC XIN HPV CHO NAM GIỚI

Thứ ba - 11/04/2023 03:59
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị tiêm vaccine ngừa HPV cho trẻ em trong độ tuổi 9-14 tuổi, bảo vệ tốt trước khi trẻ bước vào tuổi quan hệ tình dục, là cách hiệu quả nhất phòng chống nhiễm virus HPV, đây là virus có liên quan đến một số bệnh ung thư.
VẮC XIN NGỪA UNG THƯ CỔ TỬ CUNG (HPV) VÀ SỰ CẦN THIẾT TIÊM VẮC XIN HPV CHO NAM GIỚI
1. Vắc xin HPV là gì?

Vắc xin HPV là vắc xin phòng bệnh do virus Papilloma ở người (Human Papilloma Virus-HPV). HPV là một nhóm gồm hơn 200 loại virus liên quan, trong đó hơn 40 loại lây lan qua quan hệ tình dục trực tiếp. Trong số này, hai loại HPV gây ra mụn cóc ở bộ phận sinh dục và khoảng một chục loại HPV có thể gây ra một số loại ung thư nhất định cổ tử cung, hậu môn, hầu họng, dương vật, âm hộ và âm đạo.

Tiêm vắc xin HPV rộng rãi có khả năng làm giảm tỷ lệ mắc ung thư cổ tử cung trên toàn thế giới lên tới 90%. Ngoài ra, vắc xin có thể làm giảm số lần sàng lọc và chăm sóc y tế, sinh thiết và các thủ tục xâm lấn liên quan đến theo dõi sàng lọc các trường hợp cổ tử cung bất thường, do đó giúp giảm chi phí chăm sóc sức khỏe và lo lắng liên quan đến các thủ tục theo dõi.

2. Vắc xin HPV hoạt động như thế nào?

Giống như các loại vắc xin khác giúp cơ thể chống lại nhiễm virus, vắc xin HPV kích thích cơ thể tạo ra các kháng thể và trong tương lai, khi cơ thể có nguy cơ tiếp xúc với các loại vi rút HPV, kháng thể sẽ liên kết với vi rút và ngăn chặn nó lây nhiễm sang các tế bào khỏe mạnh khác.

Tuy nhiên, các vắc xin HPV không giúp ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, cũng như không điều trị các bệnh nhiễm trùng hiện có hoặc bệnh do vi rút gây ra.

3. Tiêm vắc xin HPV có an toàn không?

Trước khi được cấp phép, các loại vắc xin HPV đã được kiểm tra về tính an toàn và hiệu quả ở hàng chục ngàn người ở Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác. Kể từ khi được sử dụng đến nay, hàng triệu cá nhân đã được tiêm phòng và cho đến nay, không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào xuất hiện do vắc xin gây ra. Các vấn đề phổ biến nhất là đau nhức trong thời gian ngắn và các triệu chứng tại vị trí tiêm.

4. Ai nên tiêm vắc-xin HPV?

Trẻ em và người lớn từ 9 đến 26 tuổi: tiêm vắc xin phòng bệnh do HPV được khuyến nghị ở tuổi 11 hoặc 12 tuổi (cả trẻ nam và nữ); thậm chí có thể bắt đầu sớm nhất là lúc 9 tuổi.

5. Cần bao nhiêu liều vắc xin HPV?

Hiện có 2 loại vaccine HPV gồm Gardasil 4 (ngừa được 4 chủng gồm 6, 11, 16, 18) và Gardasil 9 (ngừa được 9 chủng gồm 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58). Các vắc xin này đều phòng được những bệnh ung thư do HPV gây ra.

Cách thức tiêm phòng vaccine ngừa vi rút HPV gồm tiêm 3 mũi liên tiếp trong 6 tháng. Đối với trẻ từ 9 tuổi, chỉ cần tiêm 2 mũi. Về hiệu quả phòng các nhóm bệnh ung thư, Gardasil 4 phòng ngừa được khoảng 70%, Gardasil 9 phòng được 90-95% nguy cơ mắc bệnh.

6. Phụ nữ đã được tiêm vắc xin HPV thì có cần sàng lọc ung thư cổ tử cung không?

Vắc xin HPV không bảo vệ chống lại tất cả các loại vi rút HPV có thể gây ung thư, do đó, phụ nữ đã được tiêm vắc xin HPV vẫn nên tuân theo các khuyến cáo sàng lọc giống như phụ nữ chưa được tiêm chủng.

7. Vì sao nam giới vẫn nên tiêm vắc xin HPV?

Vi rút HPV không chỉ gây ung thư cổ tử cung, ung thư âm đạo, âm hộ ở nữ giới; mà còn gây ra ung thư dương vật ở nam giới; ung thư vòm họng, ung thư hậu môn ở cả hai giới. Ngoài ra, bệnh viện còn ghi nhận một số trường hợp nam giới nhiễm HPV mắc bệnh tình dục như sùi mào gà, mụn cóc sinh dục,…

Mặt khác, nam giới có tỷ lệ đào thải vi rút HPV thấp hơn nữ giới 26%; nên nếu tiêm chủng vắc xin HPV sẽ giúp nam giới phòng ngừa tình trạng nhiễm HPV lâu dài, giảm nguy cơ mắc bệnh.

Vì vậy, cả nam giới lẫn nữ giới đều nên tiêm chủng vắc xin ngừa HPV để bảo vệ sức khoẻ của bản thân trước những nguy cơ ung thư có thể xảy ra.

Nguồn tin: Bs Loan Thy - Khoa PCBKLN - CDC Bến Tre::

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

CÔNG KHAI GIÁ BYT
Cổng thông tin tiếp nhận,xử lýphản ánh hiện trường
PHÁP ĐIỂN
Thống kê
  • Đang truy cập118
  • Hôm nay36,581
  • Tháng hiện tại679,449
  • Tổng lượt truy cập41,972,258
Thăm dò ý kiến

Theo bạn, nội dung cung cấp trên website Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bến Tre:

Liên kết websites
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây