Viêm não Nhật Bản: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh

Thứ hai - 16/09/2024 04:01
Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây nhiễm trùng nghiêm trọng hệ thần kinh trung ương ở trẻ em và người lớn. Hiện nay, viêm não Nhật Bản chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu mà chủ yếu là điều trị triệu chứng. Đây là một trong những bệnh truyền nhiễm để lại di chứng nặng nề và vĩnh viễn, gây tàn phế, mất khả năng lao động, để lại gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Đối với viêm não Nhật Bản, chủ động phòng ngừa bệnh là giải pháp tốt nhất.
Đối với viêm não Nhật Bản, chủ động phòng ngừa bệnh là giải pháp tốt nhất.
1. Tổng quan bệnh viêm não Nhật Bản

Viêm não Nhật Bản ở Việt Nam được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1952. Bệnh lưu hành trên cả nước, loài muỗi Culex (muỗi ruộng) truyền bệnh xuất hiện nhiều nhất ở miền Bắc và tỷ lệ phổ biến thấp hơn ở miền Nam, tăng nhiều vào những tháng thuộc mùa nóng.

Bệnh phổ biến từ tháng 5 đến tháng 7. Trong số các loài động vật sống gần người, lợn được coi là nguồn truyền nhiễm quan trọng nhất vì tỷ lệ lợn bị nhiễm virus viêm não Nhật Bản trong vùng dịch rất cao (khoảng 80% đàn), và phạm vi lợn nuôi tại các hộ gia đình rất lớn (tập trung ở nông thôn).

2. Nguyên nhân gây viêm não Nhật Bản

Đây là do một loại virus viêm não Nhật Bản (JEV) thuộc nhóm B gây ra. Virus viêm não Nhật Bản thuộc nhóm Arbovirus, họ Togaviridae, giống Flavivirus, lây truyền qua trung gian truyền bệnh là muỗi Culex. Loại virus này thuộc họ flavivirus có liên quan đến bệnh sốt xuất huyết, sốt vàng da và nhiễm virus West Nile, lây lan qua đường muỗi đốt.

Virus viêm não Nhật Bản có kích thước 15 – 22 – 50 nanomet, là loại virus không chịu nhiệt, bất hoạt ở nhiệt độ 56 độ C trong 30 phút và 2 phút ở nhiệt độ 100 độ C. Virus có thể tồn tại trong thời gian lên đến vài năm ở trạng thái đông lạnh.

Loài động vật mang mầm bệnh viêm não Nhật Bản thường là gia súc như lợn, trâu bò, ngựa,… và chim hoang dã. Muỗi sẽ bị nhiễm virus gây bệnh viêm não Nhật Bản sau khi hút máu từ các loài động vật bị bệnh, sau đó truyền sang người thông qua vết muỗi đốt.

3. Triệu chứng viêm não Nhật Bản

3 triệu chứng điển hình của viêm não Nhật Bản là:

• Sốt cao

• Co giật

• Hôn mê

Sau khi virus JEV xâm nhập vào cơ thể, thì não và hệ thần kinh trung ương của người bệnh sẽ xuất hiện nhiều tổn thương theo từng giai đoạn, cụ thể:

Giai đoạn ủ bệnh: Có thời gian ủ bệnh là từ 5 – 14 ngày, trung bình là khoảng 1 tuần. Trong giai đoạn này, người bệnh không có triệu chứng rõ rệt của bệnh.

Giai đoạn khởi phát: Bệnh nhân đột ngột sốt cao 39 – 40 độ C hoặc hơn. Ngoài ra, người bệnh còn có các triệu chứng khác như: đau đầu, đau bụng, buồn nôn và nôn. Trong 1 – 2 ngày đầu có thể gặp dấu hiệu như: cứng gáy, tăng trương lực cơ, rối loạn vận động nhãn cầu, mất ý thức hay phản xạ gân xương tăng,…

Giai đoạn toàn phát: Từ ngày thứ 3 – 4 đến ngày 6 – 7, triệu chứng viêm não Nhật Bản tiến vào giai đoạn toàn phát. Triệu chứng bệnh nổi bật nhất trong giai đoạn này là tổn thương não và tổn thương thần kinh khu trú.

Người bệnh vã nhiều mồ hôi, da lúc đỏ lúc tái, mạch nhanh, huyết áp tăng, rối loạn nhịp thở. Cuồng sảng, ảo giác, tăng trương lực cơ khiến người bệnh nằm co quắp, giật rung các cơ mặt và chi. Ở một số người bệnh còn có trạng thái định hình, giữ nguyên tư thế. Người bệnh từ mê sảng kích thích dần rơi vào hôn mê sâu.

Giai đoạn lui bệnh: Từ ngày thứ 8 trở đi, nhiệt độ cơ thể người bệnh giảm dần và hết sốt vào ngày thứ 10 nếu không có tình trạng bội nhiễm. Các hội chứng não và rối loạn thần kinh cũng mất dần nếu bệnh nhân được điều trị đúng cách.

4. Điều trị viêm não Nhật Bản

Hiện nay, viêm não Nhật Bản chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, việc điều trị viêm não Nhật Bản chủ yếu tập trung điều trị các triệu chứng như chống phù nề não, an thần cắt cơn giật, hạ nhiệt, hồi sức hô hấp và tim mạch, chống bội nhiễm.

- Điều trị chống phù não được thực hiện bằng cách truyền các dịch ưu trương để tăng áp lực thẩm thấu, rút nước ở tổ chức, tế bào và khoang gian bào vào lòng mạch.

- Sử dụng Seduxen qua sonde hoặc tiêm bắp thịt, tĩnh mạch cho người bệnh để an thần và cắt cơn co giật.

- Hạ nhiệt cho người bệnh là cởi quần áo và chườm đá vào bẹn, nách, cổ, quạt.

- Sử dụng lượng kháng sinh có khả năng ngăn ngừa bội nhiễm như: Ampicillin hoặc Cephalosporine thế hệ 3.

5. Phòng ngừa viêm não Nhật Bản

Đối với viêm não Nhật Bản, chủ động phòng ngừa bệnh là giải pháp tốt nhất. Vì vậy, trẻ em và người lớn cần phải có kế hoạch phòng bệnh chủ động.

• Vệ sinh môi trường sạch sẽ, định kỳ dọn dẹp nhà ở, làm sạch chuồng gia súc để hạn chế nơi trú đậu của muỗi.

• Ngủ màn để tránh muỗi đốt, thường xuyên sử dụng các biện pháp để phòng chống và tiêu diệt muỗi trong các hộ gia đình.

• Rửa tay sạch sẽ.

• Không cho trẻ chơi gần chuồng vật nuôi, đặc biệt là gia súc.

• Tiêm vaccine đầy đủ và tuân thủ đúng lịch. Tiêm vaccine là một trong những cách phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay.

Bộ Y tế khuyến cáo, trẻ em nên được tiêm 3 mũi phòng viêm não Nhật Bản theo lịch sau:

• Mũi 1: sau 1 tuổi, tiêm càng sớm càng tốt.

• Mũi 2: sau mũi 1 từ 1 - 2 tuần.

• Mũi 3: sau mũi 2 khoảng 1 năm.

• Nhắc lại sau 3 - 4 năm cho tới khi trẻ 15 tuổi.

Nguồn tin: Trung tâm KSBT Bến Tre:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

TRANG TIN VỀ DỊCH VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP CẤP DO CHỦNG MỚI CỦA VIRUS CORONA GÂY RA (nCoV)
CÔNG KHAI GIÁ BYT
Cổng thông tin tiếp nhận,xử lýphản ánh hiện trường
Thống kê
  • Đang truy cập225
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm221
  • Hôm nay55,982
  • Tháng hiện tại210,967
  • Tổng lượt truy cập36,116,716
Thăm dò ý kiến

Theo bạn, nội dung cung cấp trên website Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bến Tre:

Liên kết websites
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây