Các cơ quan chức năng đã tiến hành điều tra xác minh ổ dịch; Ủy ban nhân dân các xã Sơn Phú, Thuận Điền và Phước Long đã khẩn trương thống kê tổng đàn chó, mèo tại địa phương; tuyên truyền, vận động chủ nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại; ban hành quyết định thành lập Đội tiêm phòng; thực hiện tiêm khẩn cấp bao vây ổ dịch: Tiêm phòng khẩn cấp vaccine dại cho toàn bộ đàn chó, mèo khỏe mạnh trong xã có ổ dịch dại và các xã tiếp giáp với xã có dịch.
Năm 2021, 2022 trên địa bàn tỉnh đã có 21 trường hợp tử vong do bệnh dại. Mầm bệnh đã lưu hành ngoài môi trường, nguy cơ bùng phát dịch bệnh dại là rất cao.
Tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh duy nhất
Theo WHO, hiện chưa có một loại thuốc nào có thể chữa được bệnh dại. Một khi đã nhiễm virus dại, người bị dại chắc chắn không có cách cứu chữa. Khi lên cơn dại, tỷ lệ tử vong là 100%. Biện pháp duy nhất để phòng chống bệnh dại trên người là tiêm phòng theo khuyến cáo của ngành y tế càng sớm càng tốt sau bị động vật cắn, đặc biệt là chó mèo.
Các chuyên gia khuyến cáo, những đối tượng có nguy cơ cao: cán bộ thú y, người làm nghề giết mổ chó mèo, cán bộ thu tiền điện nước... nên tiêm vắc xin dự phòng trước phơi nhiễm để chủ động phòng tránh, không để đến khi bị động vật cào/cắn/liếm mới tiêm vắc xin. Bởi virus dại ngay khi xâm nhập vào cơ thể di chuyển rất nhanh đến hệ thần kinh trung ương, nếu để đến khi virus lên đến não thì đã quá muộn.
Người dân ngay sau khi chó mèo cắn, cần rửa vết thương với xà phòng dưới vòi nước chảy trong khoảng 15 phút; hoặc bằng các chế phẩm sát trùng như cồn trắng, cồn i ốt, hoặc ô xy già. Sau đó, đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn tiêm phòng dại. Tuyệt đối không dùng thuốc nam hay tự chữa bệnh tại nhà để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc.
Bên cạnh đó, để chủ động phòng bệnh dại, người dân cần tiêm vắc xin phòng dại định kỳ cho chó mèo, đăng ký vật nuôi với cơ quan thú y và không thả rông vật nuôi.
Hiện nay, vắc xin dại đã được sản xuất theo công nghệ mới nên rất an toàn, đáp ứng miễn dịch cao khi tiêm đủ liều.