Khám chữa bệnh từ xa là gì?
Căn cứ theo khoản 19 Điều 2 Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 (Sau đây gọi tắt là Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023) có quy định như sau:
Khám bệnh, chữa bệnh từ xa là hình thức khám bệnh, chữa bệnh không trực tiếp tiếp xúc giữa người hành nghề và người bệnh mà việc khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện thông qua thiết bị, công nghệ thông tin.
Như vậy, khám chữa bệnh từ xa là hoạt động khám chữa bệnh được thực hiện thông qua thiết bị, công nghệ thông tin. Hoạt động khám chữa bệnh từ xa cho phép người hành nghề được khám, chữa bệnh cho bệnh nhân mà không cần trực tiếp tiếp xúc.
Điều kiện khám chữa bệnh từ xa là gì?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 80 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 có quy định như sau:
Khám bệnh, chữa bệnh từ xa và hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh từ xa
1. Khám bệnh, chữa bệnh từ xa giữa người hành nghề với người bệnh được thực hiện như sau:
a) Khám bệnh, chữa bệnh từ xa giữa người hành nghề với người bệnh phải thực hiện theo phạm vi hành nghề của người hành nghề; việc chữa bệnh từ xa phải theo danh mục bệnh, tình trạng bệnh do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành;
b) Người hành nghề phải chịu trách nhiệm về kết quả chẩn đoán bệnh, chỉ định phương pháp chữa bệnh và kê đơn thuốc của mình.
Bên cạnh đó, tại điểm c khoản 3 Điều 61 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 có quy định trường hợp được khám chữa bệnh từ xa:
Cấp cứu
3. Khi việc cấp cứu cần sự hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật thì tùy từng trường hợp cụ thể, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải thực hiện một hoặc một số hoạt động sau đây:
a) Tổ chức hội chẩn theo quy định tại Điều 64 của Luật này;
b) Đề nghị cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác hỗ trợ cấp cứu;
c) Hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh từ xa;
d) Chuyển người bệnh cấp cứu đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phù hợp.
Theo các quy định trên, để được khám chữa bệnh từ xa phải đáp ứng các điều kiện như sau:
- Đối với hoạt động khám chữa bệnh từ xa: phải được thực hiện trong phạm vi của người hành nghề;
- Đối với việc chữa bệnh từ xa: phải theo danh mục bệnh, tình trạng bệnh do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành;
- Người hành nghề phải chịu trách nhiệm về kết quả chẩn đoán bệnh, chỉ định phương pháp chữa bệnh và kê đơn thuốc của mình.
Ngoài các điều kiện trên thì việc khám chữa bệnh từ xa sẽ được áp dụng trong trường hợp việc cấp cứu cần sự hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật.
Tùy vào tình hình cụ thể, cơ sở thực hiện việc khám chữa bệnh có thể lựa chọn hình thức hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa theo quy định.
Bảo mật thông tin trong quá trình khám chữa bệnh từ xa như thế nào?
Căn cứ theo Mục 3 Hướng dẫn bảo mật thông tin trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ xa ban hành kèm theo Quyết định 4054/QĐ-BYT năm 2020 việc bảo mật thông tin trong quá trình khám chữa bệnh từ xa như sau:
- Các thông tin được chia sẻ trong quá trình tư vấn khám chữa bệnh từ xa bao gốm:
+ Tóm tắt hồ sơ bệnh án và diễn biến ca bệnh cần hội chẩn: bệnh sử, tiền sử, kết quả thăm khám, cận lâm sàng, chẩn đoán sơ bộ, quá trình điều trị, yêu cầu hội chẩn và các thông tin khác phục vụ cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh.
+ Biên bản hội chẩn sau khi kết thúc buổi hội chẩn.
- Các biện pháp để hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân của người bệnh trong quá trình khám chữa bệnh từ xa bao gồm:
+ Không chia sẻ thông tin cá nhân của người bệnh: Họ và tên đầy đủ, địa chỉ, hình ảnh mặt, cơ thể bệnh nhân hoặc các thông tin có thể định danh người bệnh bằng bất kì hình thức nào.
+ Sử dụng biện pháp kỹ thuật che, hoặc làm mờ hình ảnh bệnh nhân trong trường hợp buổi hội chẩn cần sự hiện diện của bệnh nhân.
+ Không Livestream, tường thuật trực tiếp các buổi hội chẩn, tư vấn khám chữa bệnh từ xa lên mạng xã hội hoặc các hình thức khác làm lộ thông tin cá nhân, hình ảnh mặt người bệnh, tình hình sức khỏe của người bệnh và những buổi hội chẩn, hoặc tư vấn khám chữa bệnh từ xa.
Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024./.