Trong chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM), tiêu chí 17.10 về An toàn Thực phẩm (ATTP) đóng vai trò quan trọng nhưng cũng là một tiêu chí đầy thách thức, đặc biệt tại các địa phương như Bến Tre. Yêu cầu của tiêu chí này là đảm bảo an toàn trong sản xuất, chế biến, và tiêu thụ thực phẩm tại cộng đồng nông thôn, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ sức khỏe người dân. Đây là tiêu chí khó, mà nhiều địa phương của Bến Tre gặp vướng trong thời gian qua.
Theo bà Cao Thanh Diễm Thúy, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh cho biết: Tại Bến Tre, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 2076 vào năm 2022, quy định các tiêu chuẩn đối với xã NTM và NTM nâng cao, trong đó có tiêu chí 17.10 về ATTP yêu cầu sở kinh doanh thực phẩm phải đảm bảo các yêu cầu ATTP cơ bản như: người tham gia chế biến phải được kiểm tra sức khỏe, tập huấn và không mắc các bệnh truyền nhiễm. Với chuẩn NTM nâng cao, xã còn phải đáp ứng thêm các tiêu chí 18.4 và 18.5, đòi hỏi chủ cơ sở cập nhật kiến thức hằng năm và không để xảy ra sự cố về ATTP. “Xã NTM nâng cao phải đảm bảo các yêu cầu an toàn thực phẩm không chỉ qua một lần đánh giá mà phải duy trì liên tục”, bà Thúy cho biết.
Để đạt được các yêu cầu này, Chi cục ATVSTP đã triển khai hơn 106 lớp tập huấn dành cho các chủ cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm tại các xã, phường trên toàn tỉnh, với gần 4.500 lượt người tham gia. Các buổi tập huấn này đã giúp chủ cơ sở cập nhật và nâng cao kiến thức hiểu biết về tầm quan trọng của ATTP với sức khỏe, biết cách lựa chọn, chế biến thực phẩm an toàn.
Qua đó giúp các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm nắm vững các quy định của pháp luật, đảm bảo quy trình an toàn từ nguồn gốc thực phẩm rõ ràng, điều kiện vệ sinh cá nhân, và các nguyên tắc chế biến như giữ thực phẩm sống và chín riêng biệt. Người có bệnh lây nhiễm không được tham gia chế biến để đảm bảo cung cấp thực phẩm an toàn cho cộng đồng.
Một chủ quán ăn tại xã Hòa Lợi, huyện Thạnh Phú chia sẻ: “Qua buổi tập huấn, tôi nhận ra cần phải mang khẩu trang, bao tay khi chế biến và giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Trước đây tôi chưa thực hiện đủ những điều này, nhưng giờ tôi sẽ chú trọng hơn để đảm bảo an toàn cho khách hàng”.
Không chỉ là việc tuân thủ quy định, các cơ sở tham gia buôn bán thực phẩm còn ý thức được tầm quan trọng của sức khỏe cộng đồng và các hệ lụy nếu ATTP không được đảm bảo. Chi cục ATVSTP cũng cung cấp các quy định về xử phạt, giúp chủ cơ sở hiểu rõ các mức xử phạt nếu vi phạm, từ phạt tiền đến phạt tù, tùy theo mức độ vi phạm và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Cụ thể, có những mức phạt từ 500.000 đến 1.000.000 đồng, có mức từ 80 triệu đến 100 triệu đồng, cùng các hình thức bổi thường cho khách hàng như: chi phí điều trị nếu phải nằm viện, chi phí mất ngày công lao động…
Chính sự nổ lực, vào cuộc tích cực này, Chi cục ATVSTP đã góp phần giúp nâng cao ý thức của chủ cơ sở, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần giúp các xã từng bước đạt được tiêu chí này trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Kết quả, đến nay Bến Tre đã có 112 xã đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM), trong đó 43 xã đạt NTM nâng cao.
Tiêu chí ATTP được thực hiện có hiệu quả không chỉ góp phần giúp bảo vệ an toàn sức khỏe người tiêu dùng ở vùng nông thôn mà còn là tiền đề để thúc đẩy các chuỗi cung ứng thực phẩm phải thực hiện các mô hình sản xuất nông sản sạch, hữu cơ, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu, chất hóa học trong quá trình canh tác để đáp ứng yêu cầu lựa chọn thực phẩm, nguyên liệu an toàn của người tiêu dùng. Các mô hình này không chỉ nâng cao chất lượng thực phẩm mà còn góp phần bảo vệ môi trường, đồng thời tạo ra các sản phẩm có giá trị cao trên thị trường. Từ đây giảm thiểu ngộ độc thực phẩm và các bệnh liên quan đến thực phẩm, giúp các địa phương hoàn thành Bộ tiêu chí, đạt chuẩn NTM, NTMNC và từng bước ổn định đời sống xã hội, phát triển kinh tế bền vững.
Dù đã có những bước quan trọng nhưng nhìn chung công tác ATTP vẫn còn tồn tại thách thức, đặc biệt là việc quản lý các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ và không thường xuyên. Bà Cao Thanh Diễm Thúy chia sẻ, “Kiểm soát toàn diện là một thách thức lớn khi vẫn còn nhiều cơ sở hoạt động theo mùa vụ hoặc không thường xuyên. Một số vùng nông thôn còn chưa nhận thức đầy đủ về ATTP”. Để khắc phục, Chi cục ATVSTP sẽ tiếp tục mở rộng các mô hình sản xuất nông sản hữu cơ, đồng thời đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, đặc biệt là các cơ sở nhỏ lẻ, góp phần giúp cho đời sống của người dân được bảo vệ tốt hơn, được ăn uống thực phẩm sạch, an toàn, khỏe mạnh, đóng góp sức lao động, cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.