Viêm màng não do Não mô cầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính lây qua đường hô hấp, là một bệnh nguy hiểm và có tỉ lệ tử vong cao hoặc sống sót nhưng để lại nhiều di chứng suốt đời. Tuy nhiên bệnh hoàn toàn có thể điều trị được. Nếu phát hiện kịp thời, điều trị tích cực, đúng phác đồ. Vì vậy chúng ta cần hiểu biết hơn về bệnh.
Bệnh viêm màng não do não mô cầu.
Viêm màng não mô cầu là bệnh gì?
Viêm màng não mô cầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính qua đường hô hấp, do vi khuẩn não mô cầu Neisseria meningitidis gây ra. Theo số liệu thống kê tại Việt Nam, tỷ lệ mắc là: 2.3/100.000 dân.
Bệnh lây truyền bệnh bằng tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp với các hạt nước miếng bị nhiễm vi khuẩn não mô cầu từ người nhiễm khuẩn sang mũi họng của người cảm nhiễm (sự lây truyền của bệnh qua đồ vật là hiếm xảy ra). Do vậy bệnh có thể gây thành dịch. Thời gian bùng phát thành dịch thường là vào mùa thu, mùa đông và mùa xuân.
Não mô cầu được chia thành 4 nhóm chính là A, B, C, và D. Trong đó, não mô cầu nhóm A thường gặp nhất ở nước ta.
Bệnh viêm màng não mô cầu hoàn toàn có thể điều trị được. Nếu phát hiện kịp thời, điều trị tích cực, đúng phác đồ thì tỷ lệ khỏi bệnh đạt 85 - 95%.
Triệu chứng của bệnh viêm màng não mô cầu
Viêm màng não mô cầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do đó các triệu chứng của bệnh xuất hiện đột ngột, bao gồm:
Sốt cao đột ngột.
Đau đầu dữ dội.
Buồn nôn, nôn.
Cổ cứng.
Có thể lơ mơ hoặc hôn mê.
Xuất hiện tử ban điển hình: Xảy ra 1-2 ngày sau sốt, lúc đầu dạng chấm sau đó lan nhanh như hình bản đồ hay dạng bọng nước, kích thước 1-2mm đến vài cm. Tử ban có màu đỏ thẫm hoặc tím thẩm, bờ không đều, bề mặt phẳng đôi khi có hoại từ ở trung tâm, thường xuất hiện ở vùng hông và hai chi dưới.
Biện pháp để phòng bệnh viêm màng não mô cầu
Tuyên truyền nâng cao nhận thức, đặc biệt là địa phương có bệnh lưu hành, để người dân hiểu và phát hiện sớm bệnh, tiến hành cách ly bệnh nhân và hợp tác với cán bộ y tế phòng dịch.
Giữ vệ sinh nơi ở, giữ vệ sinh môi trường; nhà trẻ, lớp học phải thông thoáng, sạch sẽ, đủ ánh sáng.
Địa điểm ổ dịch cũ phải giám sát, phát hiện ngay các trường hợp sốt, viêm hầu họng để theo dõi. Có thể xét nghiệm bệnh nhân cũ và người lân cận nếu có điều kiện, để tìm người lành mang vi khuẩn não mô cầu.
Bệnh nhân cần được điều trị triệt để tại cơ sở y tế. Người tiếp xúc với bệnh nhân cần được điều trị dự phòng.
Hiện tại Việt Nam đã có 2 loại vắc-xin giúp bảo vệ khỏi 5 nhóm vi khuẩn não mô cầu thường gặp (A, B, C, Y, W-135). Phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được tư vấn loại vắc-xin và lịch tiêm chủng phù hợp.