Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: khoảng 03 tháng trước khi khởi phát bệnh, bệnh nhân nam (ấp 3, xã Nhơn Thạnh – TP Bến Tre) có bị một con chó chạy rong ở địa bàn xã Phú Nhuận, Thành phố Bến Tre cắn nhưng sau đó bệnh nhân không đi tiêm ngừa vắc xin, huyết thanh phòng Dại.
Khi bị chó, mèo cắn hoặc cào, người dân cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, tiêm phòng dại kịp thời, tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa tại nhà…
Bệnh khởi phát ngày 05/03/2023 bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, ăn uống kém. Đến 7 giờ ngày 07/03/2023 bệnh nhân uống trà nhưng không uống được nên tự đến bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu để khám. Tại bệnh viện bệnh nhân được tiếp tục có biểu hiện sặc nước, co giật, hoảng sợ và được bệnh viện chẩn đoán bệnh dại.
Đến khoảng 10 giờ cùng ngày bệnh nhân xin chuyển lên bệnh viện Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh và tiếp tục có các triệu chứng sợ nước, sợ gió, hoảng sợ, la hét, phun nhiều nước bọt. Bệnh nhân được chẩn đoán dại lâm sàng và đến 17 giờ người nhà xin về.
Khoảng 22h ngày 07/03/2023 thì bệnh nhân về đến nhà và các triệu chứng sợ nước, sợ gió, hoảng sợ, la hét, tăng tiết nước bọt ngày càng tăng. Đến 8 giờ ngày 08/3/2023 bệnh nhân tử vong tại nhà.
Trong năm 2021, 2022 Bến Tre đã có 21 ca tử vong do bệnh dại đứng đầu cả nước. Mới đây xã Sơn Phú, huyện Giồng Trôm vừa xuất hiện một ổ dịch dại trên chó, mầm bệnh đã lưu hành ngoài môi trường, nguy cơ bùng phát dịch bệnh Dại là rất cao.
Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus dại gây ra, bệnh lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật (thường là chó, mèo). Để chủ động phòng, chống bệnh dại và giảm tỷ lệ tử vong do bệnh dại trên người, người dân cần thực hiện các khuyến cáo của ngành Y tế:
Đối với các tổ chức, cá nhân nuôi, buôn bán, giết mổ, vận chuyển kinh doanh chó, mèo trong từng ấp, xã, phường cần thực hiện các biện pháp quản lý và phòng bệnh trên đàn chó nuôi theo hướng dẫn của cán bộ thú y.
Những người có nguy cơ cao phơi nhiễm với virus dại cần thực hiện tiêm phòng trước phơi nhiễm và những người bị phơi nhiễm với động vật bị bệnh dại hoặc nghi mắc bệnh dại thực hiện điều trị dự phòng bằng vaccine, huyết thanh kháng dại theo hướng dẫn của cán bộ y tế.
Người dân nuôi chó, mèo cần thực tiêm vaccine phòng bệnh dại đầy đủ và đúng lịch, không thả rông chó, mèo. Nếu cho chó, mèo ra đường phải được đeo rọ mõm theo quy định.
Khi bị chó, mèo cắn hoặc cào, người dân cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, tiêm phòng dại kịp thời, tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa tại nhà…