Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, tích luỹ từ 2003 đến nay, cả nước ghi nhận 128 người nhiễm cúm A(H5N1). Vậy cúm A(H5N1) là bệnh như thế nào, có nguy hiểm không và cách phòng chống bệnh như thế nào thì hiệu quả? Hãy cùng tìm hiểu nhé.
Cúm A(H5N1) là gì?
H5N1 là một loại virus cúm A có khả năng gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở gia cầm, chính vì thế mà H5N1 còn có tên là cúm gia cầm. Cúm A H5N1 có thể lây nhiễm từ gia cầm sang người. Khi bị nhiễm bệnh, tỷ lệ tử vong có thể lên tới 60%. Tại Việt Nam, tỷ lệ tử vong là 50,8% (65/128 trường hợp mắc bệnh).
H5N1 có những đặc điểm đáng chú ý như:
Có tính biến dị nhanh, sinh bệnh cao – có thể gây bệnh nặng ở người
Có chứa các gen của nhiều loại virus lây nhiễm từ nhiều loại động vật khác
Do theo các đàn chim cư trú nên có độ lan truyền cao
Có khả năng lây nhiễm trực tiếp từ gia cầm (chim, gà) sang người
Khả năng tồn tại: Sống ít nhất 35 ngày ở nhiệt độ 4 độ C, ở 37 độ C có thể sống tới 6 ngày trong phân gia cầm, sống trong nhiều năm nếu ở môi trường đóng băng.
Triệu chứng cúm A(H5N1) ở người
Khi bị nhiễm cúm A(H5N1), các triệu chứng thường gặp nhất bao gồm sốt cao trên 38 độ, ho, đau rát họng, đau cơ… Ở một số người còn có thể xuất hiện triệu chứng ban đầu như đau bụng, đau ngực, nôn ói hoặc tiêu chảy.
Tình trạng nhiễm trùng virus có nguy cơ cao tiến triển nhanh thành các bệnh hô hấp nguy hiểm (như Hội chứng rối loạn hô hấp cấp tính – bị khó thở, thở gấp, viêm phổi) hay có những tác động thần kinh (co giật, xuất hiện các trạng thái tâm thần bất thường,…).
Cúm A(H5N1) lây qua đường nào?
Virus H5N1 có thể lây nhiễm và phát bệnh ở người khi chúng ta có tiếp xúc với gia cầm mang bệnh mà không có biện pháp bảo vệ, như:
Tiếp xúc, đụng chạm vào gia cầm bị bệnh
Chạm hoặc hít phải các chất tiết gia cầm bị bệnh
Tiếp xúc (giết mổ, chế biến với nguồn thịt bị nhiễm bệnh
Ăn thịt gia cầm hoặc trứng không nấu chín
Đường lây nhiễm từ người sang người là rất hiếm.
Cúm A(H5N1) có nguy hiểm không?
Với nguy cơ gây tử vong chiếm đến 60%, cúm A(H5N1) là mối nguy sức khỏe mà chúng ta không được mất cảnh giác. Tình trạng cúm có thể tiến triển nhanh dẫn tới nhiều biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng xấu kết mạc, tổn thương hệ hô hấp (bội nhiễm phế quản – phổi, viêm phổi, bội nhiễm tai mũi họng), hệ thần kinh (phù não, viêm màng não lympho); gây suy đa tạng, suy giảm hệ miễn dịch cùng các tình trạng sức khỏe khác như viêm màng ngoài tim, viêm cơ tim, đông máu nội mạch rải rác,…
Cách chẩn đoán bệnh cúm A(H5N1)
Xét nghiệm là phương pháp chẩn đoán nhiễm virus H5N1. Các loại bệnh phẩm được mang đi xét nghiệm bao gồm máu tĩnh mạch, dịch mũi/họng, dịch hút phế quản, mẫu sinh thiết phổi, phế quản hoặc mô phổi sau tử vong.
Cách điều trị cúm A(H5N1)
Khi phát hiện nhiễm bệnh cúm H5N1, người bệnh cần nhanh chóng được chăm sóc y tế và điều trị kịp thời, càng sớm càng tốt trong 48 giờ từ khi khởi phát dấu hiệu để hạn chế nguy cơ bệnh trở nặng.
Cách phòng ngừa cúm A(H5N1)
Hiện tại vaccine phòng ngừa cúm A(H5N1) vẫn đang trong giai đoạn phát triển, chưa phổ biến rộng rãi. Cả thuốc đặc trị hay phòng ngừa vẫn đang được nghiên cứu. Do đó để chủ động phòng, chống dịch cúm A(H5N1) lây từ gia cầm sang người, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.
2. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
3. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
4. Hạn chế tiếp xúc, giết mổ, ăn các loại động vật hoang dã, đặc biệt là chim.
5. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.