Trước tình hình bệnh lao đối mặt với nhiều thách thức sau đại dịch COVID-19, Chương trình chống lao Quốc gia dự kiến điều chỉnh thời gian chấm dứt bệnh lao vào năm 2035 phù hợp với Chiến lược chấm dứt bệnh lao toàn cầu. Chương trình chống lao Quốc gia cần được đầu tư nhiều nguồn lực để đảm bảo tất cả người bệnh lao được khám, phát hiện và điều trị, ưu tiên tăng cường phát hiện bệnh lao trên toàn quốc, đặc biệt là phát hiện chủ động trong cộng đồng, phát hiện tích cực tại cơ sở y tế, kết hợp phát hiện thường quy, tiếp sau đó là đảm bảo chất lượng quản lý điều trị, mở rộng hệ thống xét nghiệm nhanh, chính xác để kịp thời phát hiện sớm người bệnh mắc lao và ngăn chặn nguồn lây.
Nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là những người có nguy cơ cao, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc ít người về bệnh lao và các biện pháp phòng, chống lao. Chúng ta nên xóa bỏ kỳ thị, phân biệt đối xử với người mắc lao. Sử dụng triệt để lợi thế của Hệ thống Chương trình với kinh nghiệm tổ chức, phát hiện chủ động, Xquang di động, sàng lọc lao trong số người tiếp xúc (truy vết) và hệ thống xét nghiệm Xpert MTB/RIF, vận động chính sách, nguồn lực trung ương, địa phương và huy động cộng đồng tham gia phát hiện chủ động, tích cực và điều trị khỏi bệnh lao. Đẩy lùi lao: sàng lọc hiện đại, ngay tại địa phương.
Chương trình chống lao Quốc gia đã áp dụng chiến lược “2X” bao gồm chụp X-Quang và chẩn đoán nhanh bằng kỹ thuật GeneXpert để phát hiện bệnh lao. Chiến lược “2X” được áp dụng tại cơ sở y tế và cộng đồng nhằm phát hiện sớm bệnh lao, chữa lao kịp thời, giảm thiểu bệnh lao phát tán trong cộng đồng.
Sau đại dịch COVID-19, chương trình chống lao Quốc gia được phục hồi và đẩy mạnh, sử dụng tối đa các phương tiện, thiết bị chẩn đoán nhằm phát hiện sớm phát hiện chủ động bệnh lao ở cả cộng đồng và tại các cơ sở y tế.
Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, với 169.000 người mắc bệnh lao và 12.000 người tử vong do lao năm 2021 (báo cáo Global Tuberculosis Report 2022 –WHO). Trong đó, 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình đối mặt với những chi phí thảm hoạ, nghĩa là chi phí cho việc chẩn đoán, điều trị lao vượt quá 20% thu nhập hàng năm của hộ gia đình, 70% người mắc bệnh lao trong độ tuổi lao động. Vì vậy lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung. Đầu tư cho chấm dứt bệnh lao là đầu tư cho phát triển bền vững. Chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam nghĩa là tránh đi cái chết không đáng có của hơn 10.000 người một năm hiện nay và hàng trăm gia đình không phải lo lắng vì có người mắc lao.
Hiện nay, kinh phí điều trị bệnh lao vẫn là gánh nặng đối với người nghèo và cận nghèo, đối tượng chiếm tỉ lệ cao trong số những người mắc lao. Để thiết thực hỗ trợ cho người bệnh, đồng thời giúp giảm gánh nặng cho quỹ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế thành lập Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao (PASTB) với mục tiêu là hướng tới việc mua thẻ Bảo hiểm y tế cho người bệnh lao chưa có thẻ, trợ giúp kinh phí đồng chi trả cho người bệnh lao có thẻ Bảo hiểm y tế điều trị trong một thời gian dài; hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn phát hiện sớm và chữa khỏi bệnh lao, không lây lan ra cộng đồng và tiến tới chấm dứt bệnh lao. Quỹ PASTB đã phối hợp với cổng thông tin nhân đạo Quốc gia 1400 mở cổng nhắn tin ủng hộ quỹ PASTB với cú pháp “TB” gửi 1402 để ủng hộ người mắc lao có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi người chúng ta nên quan tâm ủng hộ quỹ PASTB cùng góp phần hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao.

Áp dụng chiến lược “2X” khám sàng lọc, tầm soát lao chủ động cho người dân tại tỉnh Bến Tre
Tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Bến Tre từ tháng 7/2021 thực hiện nhiệm vụ Bệnh viện dã chiến điều trị cho người bệnh COVID-19, đến tháng 5/2022 được Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định cho Bệnh viện thực hiện nhiệm vụ Bệnh viện hai chức năng vừa điều trị COVID-19 vừa khám và điều trị chuyên khoa Lao và Bệnh phổi.
Trong năm 2022, bệnh viện có tổng số người bệnh điều trị nội trú là 1.549 lượt, tổng số người bệnh điều trị ngoại trú có bệnh án 265 người bệnh, số khám bệnh đạt 6.183 lần. Hoạt động chương trình chống lao triển khai Dự án phòng chống Lao tại 9 huyện/thành phố năm 2022, tỷ lệ người có triệu chứng nghi lao đến khám 0,57 % dân số, đã phát hiện bệnh lao các thể tương đương 92 ca/100.000 dân đạt 95,8% so với chỉ tiêu của chương trình năm 2022 và tăng 49,6% so với cùng kỳ; phát hiện lao AFB (+) mới 64,6/100.000 dân, đạt 107,6% so với chỉ tiêu năm 2022 và tăng 75% so với cùng kỳ; bệnh lao kháng thuốc 40 người /năm, đạt 112,3% so với chỉ tiêu và tăng 66,7 % so với cùng kỳ. Tỷ lệ điều trị thành công lao mới và tái phát đạt 93,4%, tăng 1,1 % so với cùng kỳ.
Triển khai chiến lược “2X” phát hiện lao theo hướng dẫn chương trình chống lao kết quả sàng lọc lao chủ động năm 2022 tại các huyện Mỏ Cày Bắc, Châu Thành, Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam, Chợ Lách, Bình Đại, Ba Tri và Trại giam Châu Bình với tổng số người sàng lọc là 13.093 người, tổng số người được xét nghiệm Gxpert là 1.601 người, số người bệnh lao được phát hiện là: 136 ca và 3 ca lao kháng thuốc.
Dưới sự lãnh đạo của Ban Giám đốc cùng toàn thể cán bộ viên chức Bệnh viện không ngừng nổ lực, đoàn kết quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe của Nhân dân. Các Y, bác sĩ tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Bến Tre hết lòng, hết sức điều trị cho người bệnh lao dù biết rằng nơi đây vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm trong quá trình điều trị và chăm sóc. Góp phần làm giảm thiểu ở mức thấp nhất nguy cơ lây nhiễm lao trong cộng đồng và đảm bảo khám, chữa bệnh cho bệnh nhân lao trong toàn tỉnh Bến Tre.