Theo báo cáo mới của WHO và UNICEF, hàng tỷ người trên thế giới sẽ không thể tiếp cận các dịch vụ nước uống, các dịch vụ vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân một cách an toàn toàn vào năm 2030 trừ khi nỗ lực về vấn dề này phải tăng lên gấp 4 lần.
Theo đó, vào năm 2020, cứ 4 người thì có 1 người thiếu nước uống an toàn trong nhà và gần một nửa dân số thế giới thiếu điều kiện vệ sinh được quản lý an toàn.
Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Giám đốc WHO cho biết: Rửa tay là một trong những cách hiệu quả nhất để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm khác, nhưng hàng triệu người trên thế giới vẫn chưa được tiếp cận với nguồn cung cấp nước an toàn và đáng tin cậy. Đầu tư vào nước sạch, vệ sinh phải là ưu tiên toàn cầu nếu chúng ta muốn chấm dứt đại dịch này và xây dựng các hệ thống y tế bền vững hơn.
Những tiến bộ đạt được nhưng chưa đủ
Báo cáo của WHO và UNICEF đã ghi nhận một số tiến bộ nhằm đạt được khả năng tiếp cận phổ cập đối với các dịch vụ nước sạch, vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân (WASH). Từ năm 2016 đến năm 2020, dân số toàn cầu có nước sạch tăng từ 70% lên 74%; dịch vụ vệ sinh môi trường tăng từ 47% lên 54%; và vệ sinh cá nhân (rửa tay với xà phòng và nước) tăng từ 67% lên 71%.
Vào năm 2020, lần đầu tiên nhiều người sử dụng hệ thống vệ sinh tại chỗ được cải thiện, chẳng hạn như hố xí và bể tự hoại, có thể chứa và xử lý chất thải hiệu quả, thay vì kết nối cống. Các chính phủ cần phải đảm bảo hỗ trợ đầy đủ để quản lý an toàn vệ sinh tại chỗ, bao gồm cả quản lý bùn phân.
Cần đầu tư gấp
Báo cáo chỉ rõ rằng, nếu các xu hướng hiện tại vẫn tiếp diễn, hàng tỷ trẻ em và gia đình sẽ bị bỏ lại nếu không có các dịch vụ WASH quan trọng, cứu mạng, thì vào năm 2030:
Chỉ 81% dân số thế giới được sử dụng nước uống an toàn tại nhà, còn 1,6 tỷ người không có nước uống.
Chỉ 67% sẽ có dịch vụ vệ sinh an toàn, còn 2,8 tỷ người sẽ không có.
Và chỉ 78% sẽ có các thiết bị rửa tay cơ bản, còn lại 1,9 tỷ không có.
Báo cáo cũng ghi nhận sự bất bình đẳng lớn mà trẻ em dễ bị tổn thương và các gia đình phải gánh chịu nhiều nhất. Để đạt được khả năng tiếp cận phổ cập nước uống được quản lý an toàn vào năm 2030, tốc độ tiến bộ hiện tại ở các nước kém phát triển sẽ cần phải tăng gấp 10 lần. Ở những nơi có nguy cơ thiếu nước uống an toàn cao gấp đôi, nỗ lực này sẽ cần phải tăng tốc thêm 23 lần.
Ông Henrietta Fore, Giám đốc Điều hành UNICEF cho biết: Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, hàng triệu trẻ em và gia đình đã phải chịu đựng không có nước sạch, điều kiện vệ sinh an toàn và nơi để rửa tay. Bất chấp những tiến bộ ấn tượng của chúng tôi cho đến nay để mở rộng quy mô các dịch vụ cứu sinh này, các nhu cầu ngày càng tăng và đáng báo động vẫn tiếp tục vượt quá khả năng đáp ứng của chúng tôi. Đã đến lúc cần đẩy nhanh nỗ lực nhằm cung cấp cho mọi trẻ em và gia đình những nhu cầu cơ bản nhất về sức khỏe và hạnh phúc của chúng, bao gồm cả việc chống lại các bệnh truyền nhiễm như COVID-19.