Năm qua, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, công tác chuyển đổi số ở một số lĩnh vực được đẩy nhanh đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn của dịch bệnh. Nhất là trong giai đoạn tháng 7/2021, khi tỉnh thực hiện chỉ thị 16, chỉ trong 2 ngày Sở Y tế đã phối hợp VNPT Bến Tre triển khai dịch vụ Hội nghị truyền hình VNPT– Meeting và đưa vào sử dụng ở 18 điểm cầu các đơn vị tuyến tỉnh/huyện/ thành phố, mang lại hiệu quả rất lớn trong công tác chỉ đạo, triển khai công tác phòng chống dịch COVID-19 từ Sở Y tế đến địa phương; các hoạt động tập huấn chuyên môn do Bộ Y tế tổ chức, hội chẩn thông qua Hệ thống y tế từ xa Telehealth giữa các tuyến, các bệnh viện tuyến huyện lên tỉnh, tỉnh với bệnh viện Trung ương được kết nối nhanh, thuận tiện, đáp ứng yêu cầu điều trị bệnh cấp cứu, bệnh Covid-19 chuyển nặng, phù hợp tình hình về việc hạn chế đi lại của chỉ thị 15, 16.
Tuy nhiên, dịch bệnh cũng ảnh hưởng đến một số hoạt động chuyển đổi số năm 2021 không thể triển khai như: bệnh án điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử, các hoạt động triển khai thanh toán dịch vụ y tế không dùng tiền mặt. Các phần mềm quản lý bệnh án cơ sở chưa có sự kết nối đồng bộ, nhất là giữa cấp xã, huyện, tỉnh, nhiều trang thiết bị y tế trong cận lâm sàng (máy siêu âm, X-Quang, điện tim...) thuộc model cũ, không có các cổng kết nối đồng bộ dữ liệu với máy vi tính…
Trong năm 2022 Ngành Y tế, UBND tỉnh phân bổ kinh phí là 16 tỷ đồng cho các hoạt động hỗ trợ chuyển đổi số. Ông Nguyễn Văn Oanh - Phó Giám Sở Y tế yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch chuyển đổi số gửi về Sở Y tế để được duyêt và cấp kinh phí thực hiện. Theo đó, Sở sẽ ưu tiên cấp kinh phí cho các kế hoạch cụ thể, chi tiết, cấp thiết trước, đảm bảo mang đến hiệu quả phục vụ công tác khám, điều trị. Ông cũng yêu cầu các đơn vị linh hoạt trong việc sử dụng các nguồn kinh phí đơn vị để thực hiện chuyển đổi số, không trông chờ hoàn toàn vào tỉnh. Có khó khăn, vướng mắc cần báo ngay với Sở Y tế để được hỗ trợ kịp thời.