Trẻ em là đối tượng có nguy cơ cao nhiễm vi rút dại vì các em thường thích vui chơi, vuốt ve các loại động vật (như chó, mèo,…) và khi bị các loại động vật này tấn công cũng chưa đủ khả năng phản kháng, dễ bị cắn, cào.
Vậy trẻ cần làm thế nào để có thể bảo vệ mình khi bị chó tấn công? Mới đây, tại một cuộc hội thảo liên ngành y tế - thú y tăng cường các hoạt động phòng chống bệnh dại do Viện pasteur TP.HCM tổ chức, TS Nguyễn Thị Thanh Hương, Trưởng Văn phòng khống chế và loại trừ bệnh dại trên người – Bộ Y tế cho biết có đến gần 30% trẻ từng bị chó mèo cắn; 34% trẻ có phản ứng đúng khi bị chó, mèo tấn công; 14% trẻ không nói với gia đình khi bị chó mèo cắn; 7,3% trẻ được đưa đi chữa thuốc nam. Với những con số trên cho thấy truyền thông học đường là vô cùng quan trọng, trước hết cần hướng dẫn cho trẻ biết cách xử lý khi bị chó tấn công, cụ thể:
- Trẻ không chạy nhanh gần chó vì nó sẻ tưởng mình đuổi nó và nó sẽ cắn mình.
- Trẻ không được trêu chọc chó, không lại gần chó khi chó đang ăn, ngủ hoặc khi chó mẹ đang cho con bú. Vì nó tưởng bạn cướp thức ăn, cướp con của nó và nó sẽ cắn bạn.
- Khi gặp chó, trẻ không nhìn thẳng vào mắt chó vì nó tưởng bạn đe dọa nó và nó sẽ cắn bạn.
- Khi một con chó đang gầm gừ đến gần bạn, trẻ không được quay đầu chạy, đứng yên tại chỗ, tay duổi 2 bên. Cho chó ngửi bạn và rồi nó sẽ bỏ đi.
- Nếu bị chó tấn công, hãy giả vờ ngồi im, cuộn tròn như quả bóng, che mặt lại, vòng tay ôm cổ để hạn chế tổn thương do chó cắn ở phần mặt và phần cổ.
- Khi bị chó mèo cào, cắn chảy máu hoặc bị chó, mèo liếm vào vùng da bị chảy máu, trầy xước cần phải rửa sạch ngay vết thương bằng nước và xà phòng hoặc dầu gội đầu, sữa tắm rồi bôi chất sát khuẩn như cồn, cồn Iốt. Nói với cha mẹ để được đưa ngay đến các cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm vắc xin phòng dại.