Thực tế cho thấy, nhiều gia đình có người mắc COVID-19 đã thực hiện phương pháp xông hơi: Dùng nồi to, cho thật nhiều loại thảo dược khác nhau vào nồi, rồi mang cả bếp từ vào phòng đun nồi lá để xông, trong phòng lúc nào cũng nghi ngút khói...
Tuy nhiên theo khuyến cáo của Bộ Y tế, của các bác sĩ Y học cổ truyền thì người dân cần biết cách xông hơi và không phải trường hợp nào cũng có thể áp dụng biện pháp này. Ai nên xông, xông như thế nào, xông khi nào… là những câu hỏi mà nhiều người đặt ra.
2. Xông hơi - một trong 8 biện pháp chữa bệnh của Y học cổ truyền
Xông hơi là một biện pháp sử dụng nhiệt kết hợp với dược liệu thúc đẩy tăng tiết mồ hôi qua các lỗ chân lông, có tác dụng đẩy các nguyên nhân gây bệnh ra khỏi cơ thể, làm hạ thân nhiệt, hạ sốt, giảm đau… Là liệu pháp mạnh trong phương pháp hãn của Y học cổ truyền, thường dùng khi bị cảm lạnh.
Phương pháp phát hãn là một trong 8 biện pháp chữa bệnh của Y học cổ truyền (bát pháp: Hãn, thổ, hạ, hòa, ôn, thanh, tiêu, bổ).
Tuy nhiên không phải lúc nào cũng có thể áp dụng phương pháp này. Mùa đông khí hậu lạnh có thể áp dụng xông hơi. Ngược lại, mùa hè khí hậu nóng không thích hợp với xông hơi. Mùa hè thời tiết nóng bức, mồ hôi ra nhiều, nếu xông hơi sẽ càng làm cho cơ thể ra nhiều mồ hôi hơn, dẫn đến mất nước, thậm chí gây rối loạn điện giải rất nguy hiểm cho sức khỏe.
Theo Đông y, xông hơi là biện pháp chữa bệnh được áp dụng trong trường hợp ngoại cảm phong hàn, người bệnh bị nhiễm tà khí độc, tà khí còn đang ở ngoài (da), khi dùng hơi nóng và nhiệt làm vã mồ hôi, đuổi tà khí độc ra khỏi cơ thể theo đường mồ hôi.
Còn bệnh COVID-19 là ôn bệnh, cơ chế gây bệnh hoàn toàn khác với cơ chế gây bệnh do ngoại cảm phong hàn. Bệnh COVID-19 do SARS-CoV-2 gây ra, virus qua niêm mạc đường hô hấp vào cơ thể nên không thể dùng phương pháp hãn (xông) để diệt virus được.
Bệnh nhân COVID-19 thường có sốt. Theo lý luận của Y học cổ truyền, những trường hợp sốt không ra mồ hôi thì tuyệt đối không được xông, sẽ làm bệnh nặng lên. Trường hợp sốt có mồ hôi thì có thể xông được.
Nhưng bản thân bệnh nhân rất khó xác định được mình sốt có ra mồ hôi hay không nên việc áp dụng liệu pháp xông hơi phải hết sức thận trọng. Tốt nhất, bệnh nhân COVID-19 nên tránh xông hơi toàn thân, xông trực tiếp vào người.
Còn sau khi khỏi bệnh, âm tính với SARS-CoV-2, người bệnh lại rất nên xông. Lúc này xông đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, người bệnh nhanh phục hồi, tà khí độc được đẩy ra nhờ xông.
Những người khỏe mạnh, người nhà bệnh nhân COVID-19 rất nên xông hơi toàn thân, xông phòng, xông mũi họng để hạn chế và ngăn ngừa sự phát triển của SARS-CoV-2, đồng thời sát khuẩn vùng mũi họng, phòng ngừa nhiều bệnh lý do virus gây ra, không chỉ SARS-CoV-2.
Bệnh nhân COVID-19, người khỏe mạnh có thể xông phòng, xông mũi họng bằng các loại thảo dược theo khuyến cáo của Bộ Y tế như sau:
1. Xông phòng ở, nơi làm việc: Dùng các loại thuốc, tinh dầu có tác dụng phương hương hóa thấp.
* Phương pháp 1
- Nguyên liệu: Hoắc hương, sả, chanh, bạc hà, húng quế, gừng, tỏi, lá bưởi, kinh giới, tía tô, tràm gió…
- Liều dùng, cách dùng: Có thể dùng một loại dược liệu hoặc phối hợp nhiều loại dược liệu, mỗi loại 200g - 400g, tùy theo diện tích phòng.
Cho dược liệu vào nồi, đổ nước ngập dược liệu, đậy nắp nồi, đun sôi lăn tăn, mở nắp để hơi nước bão hòa tinh dầu khuyếch tán ra không gian phòng, tiếp tục đun sôi nhỏ thêm 30 phút, đóng cửa phòng khoảng 20 phút.
Ngày làm hai lần, sáng và chiều.
* Phương pháp 2
- Nguyên liệu: Sử dụng tinh dầu hoắc hương, sả, chanh, bạc hà, hương nhu, bưởi, tràm, quế... được cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành.
- Liều dùng, cách dùng: Tùy theo diện tích phòng (10 - 40m2) lấy lượng tinh dầu phù hợp (2 - 4ml), hòa tan tinh dầu trong ethanol 75%, lắc đều, cho vào bình xịt phun sương, xịt quanh phòng, đóng cửa phòng khoảng 20 phút, ngày xịt 2 đến 3 lần.
Lưu ý:
- Không được xông trực tiếp vào người.
- Không xông tinh dầu trong phòng ngủ có trẻ em dưới 30 tháng tuổi, trẻ em có tiền sử co giật do sốt cao, động kinh, người có dị ứng với tinh dầu.
Ngoài ra, có thể đốt bồ kết, khói bồ kết cũng có tác dụng diệt vi khuẩn, virus trong không khí. Cách làm cho vài quả bồ kết vào một cái bát bằng sứ, đốt lên cho hơi bồ kết tỏa ra khắp phòng, xua đuổi vi khuẩn, virus và làm sạch không khí trong phòng.
Chú ý cần thông gió hàng ngày để tránh không khí bẩn, ô nhiễm, chứa nhiều vi khuẩn, virus tù đọng trong phòng ở, nơi làm việc.
2. Sát khuẩn/vệ sinh tại chỗ vùng mũi họng: Sử dụng dung dịch có nguồn gốc từ dược liệu có tác dụng tuyên phế lợi họng, thuốc cổ truyền để xúc họng, xịt mũi họng, xông mũi họng nhằm làm sạch đường hô hấp trên.
Nguồn tin: Thanh Nguyên (Theo SKĐS):::
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn