Nhà giáo Nhân dân, Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp: Một đời tận hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước

Thứ năm - 06/02/2025 20:39
Nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02/1955 - 27/02/2025) chúng tôi xin giới thiệu bài viết trích từ Địa chí Bến Tre về người con quê hương Đồng Khởi, có nhiều đóng góp to lớn về y tế nước ta. Một đời tận hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước Nhà giáo Nhân dân, Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp.
Nhà giáo Nhân dân, Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp (1911-2006)
Nhà giáo Nhân dân, Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp (1911-2006)
Sinh ngày 15-3-1911 tại xã Tân Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Trần Hữu Nghiệp thuở nhỏ học tại Trường tiểu học Bến Tre, sau lên học Trường trung học Chasseloup Laubat, Sài Gòn. Năm 1931, đỗ Tú tài, ông sang Pháp, thi vào học ngành y. Năm 1937, tốt nghiệp bác sĩ y khoa ở Paris.

Khi Pháp đánh chiếm Nam Bộ, ông tham gia kháng chiến ngay từ ngày đầu và từ đó bắt đầu cuộc đời hoạt động trong nhiến phế Cách mạng cho đến ngày nghỉ hưu (1979).

Tháng 3-1946, trong lúc đang phụ trách công tác cứu thương ở mặt trận cù lao An Hóa (lúc này còn thuộc tỉnh Mỹ Tho), ông được gọi về tham gia phái đoàn của các tỉnh thuộc Nam Trung Bộ cùng với Ca Văn Thỉnh, Nguyễn Thị Định ra Hà Nội gặp Trung ương, để báo cáo tình hình và xin chi viện vũ khí cho Nam Bộ. Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ (20-12-1946), ông phụ trách công tác thanh tra quân y thuộc Cục quân y ở liên khu 4 một thời gian, sau đó xin về lại Nam Bộ.

Đường Trần Hữu Nghiệp ở quận Bình Chánh Thành phố Hồ Chí Minh

Trường Trung học cơ sở Trần Hữu Nghiệp ở Ba Tri, Bến Tre. Ảnh: Gia đình cung cấp

Tháng 7-1947, ông cùng với bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng (từ Sài Gòn mới ra chiến khu) bắt tay xây dựng ngành dân y, đào tạo cán bộ quản lý và nhân viên y tế và được cử làm Phó giám đốc Sở Y tế phụ trách Miền Trung Nam Bộ. Ông đã đào tạo nhiều lớp y tá, cứu thương, hộ sinh cho các tỉnh Vĩnh Trà, Bến Tre, Sa Đéc và làm nhiệm vụ bác sĩ điều trị ở Quân y viện II.

Đến khi có chủ trương chia chiến trường Nam Bộ thành phân liên khu Miền Đông và phân liên khu Miền Tây (8-1951), ông được điều về Miền Tây Nam Bộ, phụ trách đào tạo cán bộ y sĩ cho ngành.

Tập kết ra Bắc, năm 1955, được cử làm Trưởng ban Huấn luyện Bộ y tế, và là ủy viên Ban biên tập tạp chí Y học thực hành. Năm 1956, được cử làm Hiệu trưởng Cán bộ y tế trung ương, đến năm 1964, thì chuyển sang làm phó chủ nhiệm khoa Nội, bệnh viện Bạch Mai và là ủy viên cố vấn Bộ Y tế từ năm 1958 đến năm 1965.

Năm 1965, mặc dù đã cao tuổi, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp lại tình nguyện xin trở lại chiến trường Nam Bộ, góp phần “chia lửa” cùng với đồng bào, đồng chí ở quê hương, cũng như lần thứ nhất vào năm 1947, ông từ miền Bắc, đang công tác tại Cục Quân y, xin trở về chiến khu Đồng Tháp Mười, trực tiếp tham gia kháng Pháp. Trở về Nam, ông được phân công làm bác sĩ điều trị tại một số bệnh viện ở R, làm Hiệu trưởng Trường đào tạo cán bộ y tế, bổ túc từ trung cấp lên cao cấp. Khi Chính phủ CMLTCHMNVN thành lập, ông là cố vấn Bộ Y tế.

Sau ngày đất nước thống nhất, ông trở về thành phố Hồ Chí Minh sinh sống, tham gia dạy học. Ông viết nhiều sách ở nhiều giai đoạn về giáo dục sức khỏe, truyền thống đấu tranh cách mạng có giá trị

Quyển sách đầu tiên là một tập ký nhan đề Hồ Chủ tịch trong lòng dân tộc, với bút hiệu Hằng Ngôn, gồm 20 bài ghi chép những điều tai nghe mắt thấy về uy tín của lãnh tụ và mối quan hệ gắn bó giữa lãnh tụ và quần chúng nhân dân trong chuyến đi từ Nam ra Bắc và từ Bắc vào Nam năm 1946-1947. Sách được Đoàn Văn hóa kháng chiến tỉnh Bến Tre xuất bản năm 1949. Ngoài những tập sách truyền bá kiến thức y học như Chữa bệnh cho con khi xa thầy thuốc (NXB Y học giải phóng, 1975), Chủ động bảo vệ hạnh phúc gia đình (NXB TP. Hồ Chí Minh, 1978), Nói chuyện với người uống rượu (NXB TP. Hồ Chí Minh, 1981), Nói chuyện với người hút thuốc (NXB TP. Hồ Chí Minh, 1983), ông còn có tập ghi chép Binh chủng đặc biệt của đội quân tóc dài (Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, 1990) và lịch sử phụ nữ ngành y tế miền Nam trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ (1991).

Năm 1988, Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp được nhận danh hiệu Nhà giáo Nhân dân đợt đầu tiên.

Trong dòng chảy lịch sử, đã có nhiều tấm gương tận hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước mà Nhà giáo Nhân dân, Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp là một trong những tấm gương tiêu biểu. Ông tạ thế tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2006.

Quỹ Học bổng Trần Hữu Nghiệp ra đời năm 2007 do gia đình ông quản lý đã hỗ trợ nhiều sinh viên Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh và các y sĩ trẻ của Bệnh viện Ba Tri học tập nâng cao trình độ chuyên môn để phục vụ nhân dân địa phương.

Ghi nhận công trạng của Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, tên ông được đặt cho, một trường học ở Bến Tre quê hương ông và một đường phố ở quận Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại Vườn tượng Danh y ở Quy Hoá, Quy Nhơn, Bình Định có tượng và bia ghi sự nghiệp của Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp ở vị trí trang trọng.

Nguồn tin: Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Bến Tre:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

CÔNG KHAI GIÁ BYT
Cổng thông tin tiếp nhận,xử lýphản ánh hiện trường
PHÁP ĐIỂN
Thống kê
  • Đang truy cập111
  • Hôm nay39,069
  • Tháng hiện tại890,140
  • Tổng lượt truy cập43,880,752
Thăm dò ý kiến

Theo bạn, nội dung cung cấp trên website Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bến Tre:

Liên kết websites
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây