Nhiều quảng cáo thực phẩm chức năng, bảo vệ sức khoẻ lừa dối người tiêu dùng

Chủ nhật - 18/08/2024 20:20
Việc quản lý, kiểm soát mua bán, giám sát chất lượng thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ qua mạng, trong đó có hàng "xách tay" rất khó khăn; Mặt khác, do lợi nhuận, nhiều đối tượng bất chấp pháp luật sản xuất, nhập khẩu sản phẩm không bảo đảm, làm hàng giả, quảng cáo lừa dối...
Nhiều quảng cáo thực phẩm chức năng, bảo vệ sức khoẻ lừa dối người tiêu dùng

Hình thức kinh doanh thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ đa cấp trên môi trường mạng diễn ra sôi động và phức tạp

Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm) đã đăng tải hồ sơ đề nghị xây dựng Luật an toàn thực phẩm sửa đổi để lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng chịu tác động của văn bản này.

Một trong những thành phần của hồ sơ có báo cáo 12 năm thực hiện Luật An toàn thực phẩm. Bộ Y tế cho biết, trong giai đoạn từ 2010 - 1/2/2018 ngành y tế đã cấp giấy xác nhận công bố phù hợp quy định An toàn thực phẩm đối với thực phẩm chức năng: 30.454 sản phẩm

Giai đoạn từ 2/2/2018 đến nay, ngành y tế đã cấp: Giấy tiếp nhận bản công bố sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe cho 68.750 sản phẩm.

Theo Bộ Y tế, hiện vẫn chưa thống nhất các từ ngữ trong Luật An toàn thực phẩm và hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm trong sử dụng nhóm từ ngữ: "Thực phẩm bảo vệ sức khỏe", "Thực phẩm chức năng", "Thực phẩm bổ sung", tuy nhiên sau khi dịch bệnh COVID-19 các loại thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe đang diễn ra phức tạp. Vì vậy, các sản phẩm này cần được quan tâm quản lý chặt chẽ trong thời gian tới.

Một số khó khăn trong vấn đề quản lý thực phẩm chức năng trên địa bàn tỉnh đó là hình thức kinh doanh đa cấp, kinh doanh trên môi trường mạng xã hội đang diễn ra sôi động và phức tạp.

"Đặc biệt quản lý, kiểm soát mua bán, giám sát chất lượng thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua mạng, trong đó có hàng "xách tay" lại càng khó khăn hơn, các hành vi vi phạm khó phát hiện, người bán hàng có rất ít hàng hoặc không có hàng, mà khi có người đặt mới lấy về, nên người tiêu dùng phải hết sức lưu ý lựa chọn sản phẩm.

Mặt khác, do lợi nhuận, nhiều đối tượng bất chấp pháp luật sản xuất, nhập khẩu sản phẩm không bảo đảm, làm hàng giả, quảng cáo sai sự thật lừa dối người tiêu dùng gây bức xúc dư luận xã hội"- Bộ Y tế nêu trong báo cáo.

Trên thực tế, theo Bộ Y tế còn có tình trạng nhiều doanh nghiệp không tồn tại tại địa điểm kinh doanh đã đăng ký (đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh hoặc giải thể, chuyển địa điểm khác mà không thông báo cho cơ quan quản lý) đã gây khó khăn cho công tác hậu kiểm.

Cũng theo Bộ Y tế, phương thức quản lý chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp được tự công bố sản phẩm và sản xuất, kinh doanh ngay sau khi tự công bố mà không cần có ý kiến của cơ quan quản lý.

Tuy nhiên, một bộ phận doanh nghiệp đã lợi dụng cơ chế này để thực hiện không đúng quy định, không gửi hồ sơ tự công bố đến cơ quan quản lý địa phương, công bố không đúng, không đầy đủ, thậm chí không công bố sản phẩm do mình sản xuất, kinh doanh, dẫn đến nhiều sản phẩm không được hậu kiểm và nguy cơ sản phẩm thực phẩm không đảm bảo an toàn.

Nhiều khó khăn trong quản lý thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ thực tiễn

Một khó khăn nữa trong công tác quản lý thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, theo Bộ Y tế, việc không quy định thời hạn hiệu lực giấy Tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm dẫn đến việc không kiểm soát được số lượng sản phẩm thực tế lưu thông trên thị trường, gây khó khăn cho công tác lập kế hoạch, bố trí nguồn lực hậu kiểm.

Ngoài ra, theo quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, các Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm được phân công tiếp nhận hồ sơ đăng ký bản công bố đối với một số sản phẩm, tự công bố trực tuyến, các văn bản, tài liệu được gửi bản điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, hiện nay phát sinh tình trạng sử dụng giấy tờ giả, scan màu để đưa vào hồ sơ công bố sản phẩm, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Việc quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe còn gặp nhiều khó khăn do sự phát triển của các hình thức quảng cáo qua mạng, quảng cáo truyền tiêu bằng miệng của người tham gia phân phối, kinh doanh đa cấp.

Việc đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe còn nhiều khó khăn do các thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả được sản xuất ở nước ngoài mang về. Do đó cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan Hải quan, Biên phòng ngăn chặn từ biên giới thì mới có hiệu quả cao.

Tiếp đó, chưa có quy định về thu hồi, các trường hợp phải thu hồi giấy Tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm (trường hợp doanh nghiệp không tồn tại, không kinh doanh hoặc hậu kiểm phát hiện vi phạm), hủy hiệu lực bản tự công bố và hồ sơ tự công bố sản phẩm.

Bộ Y tế cũng chỉ ra: Việc chưa quy định bắt buộc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (GMP, HACCP…) đối với thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm bổ sung (thuộc nhóm thực phẩm chức năng), thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi là chưa phù hợp vì đây là các sản phẩm đặc biệt, khác với các sản phẩm thông thường, cần phải quản lý việc sản xuất chặt chẽ hơn.

Nguồn tin: Trung tâm KSBT Bến Tre:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

TRANG TIN VỀ DỊCH VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP CẤP DO CHỦNG MỚI CỦA VIRUS CORONA GÂY RA (nCoV)
CÔNG KHAI GIÁ BYT
Cổng thông tin tiếp nhận,xử lýphản ánh hiện trường
Thống kê
  • Đang truy cập187
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm186
  • Hôm nay0
  • Tháng hiện tại1,627,635
  • Tổng lượt truy cập37,543,162
Thăm dò ý kiến

Theo bạn, nội dung cung cấp trên website Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bến Tre:

Liên kết websites
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây