Phòng Chống Các Rối Loạn Do Thiếu I-Ốt

Thứ ba - 24/12/2019 10:46
I-ốt là một vi chất rất cần thiết để tổng hợp hormone tuyến giáp. Các hormon tuyến giáp đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của não bộ và kiểm soát chức năng các tổ chức cơ thể
Phòng Chống Các Rối Loạn Do Thiếu I-Ốt
Hàng ngày, cơ thể con người cần khoảng 150 mcg đến 200 mcg i-ốt. Nếu cơ thể tiếp nhận dưới 150 mcg i-ốt thì gây ra các rối loạn do thiếu i-ốt. Thiếu i-ốt là vấn đề y tế có tính chất toàn cầu, hậu quả của nó gây ra rất nặng nề như làm tăng tỷ lệ sẩy thai, đẻ non, thai chết lưu, tử vong chu sinh, gây ra đần độn, chậm phát triển trí tuệ, thiểu năng giáp, bướu cổ...
Bướu cổ là dấu hiệu nhận biết tốt nhất của sự thiếu i-ốt.  I-ốt đặc biệt quan trọng trong đời sống người phụ nữ nhất là khi mang thai nhu cầu sử dụng  I-ốt của cơ thể bà mẹ cao hơn bình thường . Ở giai đoạn đầu của thời kỳ bào thai, hormone giáp từ mẹ sang con có vai trò quan trọng trong việc phát triển, trưởng thành của bào thai, hệ dưới đồi - yên - giáp của thai. Thiếu i-ốt trong giai đoạn bào thai sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như sẩy thai, băng huyết, tử vong chu sinh, sơ sinh và trẻ em mắc các khuyết tật bẩm sinh nhưng trên hết là ảnh hưởng xấu đến não bộ.
- Trẻ sơ sinh rất nhạy cảm đối với tình trạng thiếu i-ốt. Trong vùng thiếu i-ốt, tỷ lệ thiểu năng giáp cao hơn những vùng khác. Phát hiện thiểu năng giáp sơ sinh thường gặp nhiều khó khăn vì các triệu chứng phát triển từ từ.Trong trường hợp thiểu năng giáp sơ sinh điển hình có thể thấy các triệu chứng như vàng da kéo dài, táo bón, khó bú, thở khò khè, lơ mơ, hạ thân nhiệt, ngủ nhiều, vẻ mặt phù niêm, tiếng khàn, da khô, thoát vị rốn, thóp trước rộng. Nếu không được chữa trị sớm từ thời kỳ sơ sinh, các triệu chứng tổn thương thần kinh sẽ xuất hiện. Khi tổn thương thần kinh kéo dài sẽ dẫn đến bệnh đần độn lưu hành.
Bệnh đần độn lưu hành liên quan với bệnh bướu cổ và tình trạng thiếu i-ốt nặng. Các dấu hiệu về triệu chứng thiểu năng trí tuệ kết hợp với một hội chứng thần kinh chiếm ưu thế, gồm có khuyết tật nghe và nói, rối loạn về thế đứng, dáng đi và lùn. Biểu hiện lâm sàng của bệnh đần độn lưu hành gồm ba hội chứng: Hội chứng chậm phát triển trí tuệ, hội chứng thần kinh và hội chứng thiểu năng giáp.
Để phòng chống các rối loạn do thiếu i-ốt thì mọi người cần phải thường xuyên dùng các thức ăn giàu i-ốt như các loại cá biển và các động vật vỏ cứng ở biển, nước mắm, rau dền, rau cải xoong, nấm mỡ, súp lơ, khoai tây... đặt biệt là dùng muối i-ốt thay cho muối thường. Việc sử dụng muối i-ốt phải liên tục và suốt đời. Vì nếu ngưng sử dụng thì cơ thể sẽ thiếu i-ốt trở lại. Tất cả các rối loạn do thiếu hụt i-ốt, kể cả bệnh đần độn hoàn toàn có thể dự phòng được bằng cách cung cấp i-ốt cho cơ thể hàng ngày. Trong đó, biện pháp tiện lợi và rẻ tiền nhất là dùng muối i-ốt đều đặn trong khẩu phần ăn của mỗi gia đình.
Tuy nhiên, i-ốt trong muối có thể bị hao hụt qua quá trình bảo quản và chế biến ở nhiệt độ cao (mất khoảng 20% - 50%). Vì vậy, khi dùng muối i-ốt chúng ta hãy lưu ý: Giữ muối i-ốt nơi khô ráo, tránh ánh sáng mặt trời, dùng xong buộc kín miệng túi hoặc để muối trong lọ đậy nắp kín để tránh i-ốt bị bay hơi. Nên cho muối i-ốt vào thức ăn sau khi đã nấu chín…
Một trong 10 lời khuyên của Bộ Y tế trong Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng, đó là: “Không ăn mặn, sử dụng muối i-ốt trong chế biến thức ăn”. Nhân “Ngày toàn dân mua, sử dụng muối và các chế phẩm có i-ốt - 2/11”, vì sức khỏe của cộng đồng, vì trí tuệ của thế hệ tương lai, mỗi người dân chúng ta hãy sử dụng muối i-ốt và các chế phẩm có chứa i-ốt.
 

Tác giả bài viết: BS.CKI Nội tiết Bùi Ái Đoan

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

TRANG TIN VỀ DỊCH VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP CẤP DO CHỦNG MỚI CỦA VIRUS CORONA GÂY RA (nCoV)
CÔNG KHAI GIÁ BYT
Cổng thông tin tiếp nhận,xử lýphản ánh hiện trường
Thống kê
  • Đang truy cập167
  • Máy chủ tìm kiếm25
  • Khách viếng thăm142
  • Hôm nay30,232
  • Tháng hiện tại139,682
  • Tổng lượt truy cập28,888,565
Thăm dò ý kiến

Theo bạn, nội dung cung cấp trên website Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bến Tre:

Liên kết websites
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây