Mới đây, tại xã Hòa Lộc (Mỏ Cày Bắc) ghi nhận 1 trường hợp tử vong do bệnh dại. Đây là ca tử vong thứ 11 do dại được ghi nhận từ đầu năm 2022 đến nay tại tỉnh. Trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh dại, ngành y tế và các đơn vị liên quan đã và đang thực hiện nhiều biện pháp phòng chống quyết liệt nhằm hạn chế và đẩy lùi căn bệnh này.
Người dân phối hợp cán bộ thú y tiêm chủng chó, mèo . Ảnh: Thanh Trọng
Ca mắc chưa dừng lại Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC),Bến Tre đứng đầu cả nước về số ca tử vong do bệnh dại trên người. Từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 11 trường hợp tử vong bệnh dại trên người. Các ca mắc ghi nhận tại Mỏ Cày Bắc (3 ca), Châu Thành ( 3 ca), Bình Đại ( 2 ca), Ba Tri (1 ca), Thạnh Phú (1 ca), Giồng Trôm (1 ca).
Chia sẻ về vấn đề này, Giám đốc CDC Nguyễn Hữu Định cho biết: “Tử vong do bệnh dại là điều rất tiếc và sót, bởi bệnh dại là một bệnh hoàn toàn có thể chủ động phòng ngừa được. Thời gian qua, người dân còn quá chủ quan với căn bệnh này. Nhiều người không tiêm vắc-xin phòng bệnh dại hoặc tiêm không đầy đủ khi bị chó mèo cắn. Tính từ đầu năm 2021 đến ngày 14-8-2022, toàn tỉnh có 20 trường hợp tử vong do bệnh dại, trong đó chỉ có duy nhất 1 trường hợp đi tiêm ngừa nhưng không tiêm đủ phác đồ”.
Giồng Trôm là địa bàn được xem là điểm nóng của bệnh dại. Từ năm 2020 đến nay, huyện ghi nhận 9 ca tử vong do dại. Nhận thức của người dân về bệnh dại tương đối nhưng còn hạn chế trong việc thay đổi hành vi. Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế huyện Giồng Trôm Bùi Minh Hậu cho hay: người dân chưa tự giác tham gia các hoạt động phòng bệnh tại gia đình và cộng đồng. Còn tình trạng chủ quan khi bị động vật cắn, cào xước, còn tin vào các biện pháp dân gian.
Theo ông Nguyễn Hữu Định, CDC và các đơn vị liên quan như Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền gián tiếp, trực tiếp về công tác phòng chống bệnh dại. Kiến thức của một số bộ phận người dân về bệnh dại có nâng lên, tuy nhiên vẫn còn hạn chế từ việc nhận thức đến thay đổi hành vi. Phần lớn trường hợp tử vong do dại là không tiêm ngừa mà tự đi điều trị bằng các phương pháp dân gian như: uống thuốc nam, lấy nọc. Đây là phương pháp chưa được công nhận.
Đánh giá tại hội nghị phối hợp y tế - thú y trong phòng chống bệnh dại tại Bến Tre, Phó viện trưởng Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Vũ Thượng cho rằng: nhiều khả năng sẽ còn xuất hiện các ca tử vong do bệnh dại trên người trong thời gian tới bởi nhiều nguyên nhân. Trước hết, tỷ lệ tiêm ngừa trên tổng đàn chó toàn tỉnh còn thấp. Khó khăn chung về tình trạng thiếu vắc - vin phòng dại cùng với tập tục nuôi chó thả rông, không tiêm phòng định kỳ cho vật nuôi sẽ làm gia tăng nguy cơ tử vong do dại.
Thông tin từ CDC, tính đến tháng 8-2022, một số Trung tâm y tế huyện đã hết hoặc chưa có vắc - xin phòng bệnh Dại như: Giồng Trôm, Thạnh Phú, Châu Thành, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, thành phố Bến Tre. Việc thiếu vắc-xin tiêm phòng dại kéo dài do không trúng thầu gây khó khăn cho người dân khi đi tiêm phòng. Bên cạnh đó, công tác quản lý đàn chó còn lỏng lẻo, còn nhiều địa phương chưa nắm được số lượng đàn chó và chưa thực hiện việc tiêm ngừa. Tình trạng nuôi chó thả rông, không tiêm phòng định kỳ cho vật nuôi vẫn còn ghi nhận tạo các địa phương.
Quyết liệt các biện pháp Thời gian qua, CDC đã tham mưu cho UBND tỉnh và Sở Y tế kế hoạch về phòng chống bệnh dại trên người. Đồng thời phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tập huấn cho 9 huyện, thành phố về công tác phòng chống dại cho cán bộ thú y xã và đại diện của UBND xã. Tổ chức điều tra, giám sát tất cả các địa phương có trường hợp tử vong do bệnh dại trên người và động vật (11 ca tử vong trên người và 8 ổ dịch trên chó).
Nuôi chó, mèo tại tỉnh phát triển trong những năm gần đây. Phần lớn người dân nuôi chó, mèo theo hộ gia đình, mỗi hộ trung bình nuôi từ 1-2 con theo hình thức thả rông, nuôi nhốt. Mục đích nuôi để giữ nhà, làm cảnh, làm thú cưng, do đó việc đăng ký, kê khai nuôi chó, mèo theo quy định thực hiện rất hạn chế. Tổng đàn chó mèo toàn tỉnh là 211.941 con, trong đó, có 97.913 con được tiêm phòng, đạt tỷ lệ 46,2%.
Tại Châu Thành, có trên 40% chó mèo được tiêm phòng, cao hơn 20% so cùng kỳ năm 2020 và cao 19,2% so năm 2021. Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Châu Thành đánh giá, công tác tiêm phòng vắc-xin bệnh dại năm 2022 có nhiều thuận lợi so năm trước. Trên cơ sở văn bản của UBND huyện, các xã trong toàn huyện đều có kế hoạch tiêm phòng dại đại trà. Người dân đã tích cực trong công tác phối hợp, không còn tình trạng e ngại không tiêm do chó thường xuyên bị trộm bắt hoặc diện lý do giá tiền cao.
Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phan Trung Nghĩa cho biết: Việc phát sinh các ổ dịch bệnh dại động vật cũng như số trường hợp tử vong do dại trên người tăng đột biến trong thời gian qua đã có tác động lớn đến nhận thức của người dân trong việc phòng chống bệnh dại. Điều này, thể hiện rõ nhất ở việc số lượng người dân tìm mua vắc-xin tiêm phòng dại tại cửa hàng thuốc thú y tăng cao. Trong năm 2022, tỉnh đã mua khẩn cấp 11 ngàn liều vắc-xin dại để tiêm phòng cho các xã có dịch và xã bị uy hiếp. Hiện nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đang hoàn tất thủ tục mua sắm vắc-xin để dự trữ chủ động cho công tác phòng chống dại trong tỉnh.
“Toàn tỉnh đã triển khai thực hiện mô hình dân vận khéo tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhân thức về phòng chống dại trên chó, mèo và chủ động tiêm phòng vắc-xin dại cho đàn vật nuôi cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc UBND các xã, đảng viên cư trú tại tổ nhân dân tự quản của ấp, khu phố. Qua đánh giá mô hình, đến nay có trên 70% các đối tượng của mô hình có đăng ký nuôi chó, mèo và tiêm phòng vắc-xin dại cho vật nuôi”, ông Phan Trung Nghĩa nêu.
Để các biện pháp phòng chống bệnh dại hiệu quả, Giám đốc CDC đề nghị: Trong thời gian tới, Trạm Y tế lập danh sách và theo dõi tất cả người tiếp xúc gần với ca tử vong dại trên người và trên động vật để vận động, theo dõi việc tiêm ngừa vắc - xin dại. Các trường hợp phơi nhiễm với vi - rút dại tại các ổ dịch cơ bản đã vận động, theo dõi tiêm ngừa đầy đủ. Các Trạm Chăn nuôi và Thú y tăng cường giám sát các trường hợp nghi dại trên người cũng như trên động vật để tiến hành điều tra người tiếp xúc và lấy mẫu xét nghiệm. Chính quyền địa phương tích cực cùng ngành y tế truyền thông phòng chống bệnh dại để người dân chuyển đổi hành vi tích cực trong phòng chống bệnh dại trên người.
“Đến nay, tiêm vắc-xin là biện pháp duy nhất để phòng bệnh dại, tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại. Người khi bị chó, mèo cắn, cào, hoặc bị liếm vào vùng da bị tổn thương phải rửa sạch ngay vết thương bằng nước sạch và xà phòng liên tục trong vòng 15 phút, nếu không có xà phòng thì dùng những thứ có sẵn trong nhà như: dầu gội đầu, sữa tắm, rượu, sau đó sát trùng lại bằng cồn hoặc cồn iod. Sau đó đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm vắc-xin phòng dại kịp thời”, Giám đốc CDC Nguyễn Hữu Định cho biết.
Theo khuyến cáo ngành y tế, mọi người dân nuôi chó mèo phải tiêm vắc-xin phòng bệnh dại đầy đủ, đúng lịch; xích nhốt, tuyệt đối không được thả rông chó mèo. Khi phát hiện chó, mèo bị bệnh dại, nghi dại tuyệt đối không tiếp xúc với con vật bị bệnh dại hoặc nghi dại để hạn chế sự lây nhiễm vi - rút dại sang người. Đồng thòi phải báo cáo ngay cho chính quyền, y tế, thú y địa phương để có biện pháp xử lý con vật bị dại và những con vật đang sống. Phải chôn sâu xác súc vật bị bệnh dại cùng với các chất sát khuẩn như vôi bột.