Hạ đường huyết xảy ra khi lượng đường trong máu giảm xuống dưới mức bình thường, có thể gây nguy hiểm, nếu không được xử trí kịp thời.
Một số loại thực phẩm có thể giúp tăng lượng đường trong máu nhanh chóng và đảo ngược các triệu chứng hạ đường huyết. Do đó, người bệnh đái tháo đường cần trang bị kiến thức để xử trí các tình huống này.
Các triệu chứng của hạ đường huyết có thể bao gồm:
· Run rẩy
· Chóng mặt
· Nhịp tim nhanh
· Lú lẫn
· Buồn ngủ
· Đổ mồ hôi
· Đau đầu…
Thực phẩm và đồ uống tốt nhất ứng phó với hạ đường huyết
Thực phẩm và đồ uống phù hợp có thể giúp bạn đảo ngược tình trạng hạ đường huyết nhanh chóng. Sau đây là danh sách các loại thực phẩm và đồ uống tốt nhất để giải quyết tình trạng hạ đường huyết:
1. Nước ép trái cây
Nước ép trái cây có chứa fructose, một loại đường đơn tự nhiên làm tăng lượng đường trong máu nhanh chóng. Khi bị hạ đường huyết, uống ½ cốc nước ép trái cây.
Người bệnh có thể thử bất kỳ loại nước ép trái cây nào mà mình thích nhất, nhưng tránh các lựa chọn ít đường hoặc sử dụng chất làm ngọt nhân tạo. Đối với người mắc bệnh thận mạn tính cần tránh nước cam vì chứa kali.
2. Nước ngọt
Nước ngọt có ga chứa nhiều đường bổ sung. Thông thường, đây không phải là thức uống tốt cho sức khỏe, đặc biệt đối với người đái tháo đường. Tuy nhiên, chúng lại hữu ích để giải quyết tình trạng hạ đường huyết.
Uống 120ml -180ml nước ngọt để tăng lượng đường trong máu nhanh chóng hoặc có thể chọn bất kỳ loại nước ngọt nào mà bạn thích. Không uống nước ngọt ăn kiêng hoặc ít calo, vì chúng không chứa đủ lượng đường.
3. Mật ong
Mật ong chứa đường đơn fructose và glucose, có thể làm tăng lượng đường trong máu nhanh chóng. Bạn chỉ cần dùng 1 thìa canh mật ong để có được 15g carbohydrate tác dụng nhanh. Mật ong có thể là một lựa chọn tuyệt vời nếu bạn cảm thấy buồn nôn khi bị hạ đường huyết.
4. Trái cây sấy khô
Trái cây sấy khô chứa lượng fructose cao hơn mỗi miếng so với trái cây tươi. Giống như nước ép trái cây, trái cây sấy khô có thể làm tăng lượng đường trong máu nhanh nhất. Nho khô, nam việt quất khô, mơ khô và chà là khô đều là những lựa chọn tốt.
Đảm bảo rằng bạn kiểm tra thông tin dinh dưỡng trên nhãn để xem bạn cần bao nhiêu miếng trái cây để có được 15g carbohydrate (đường).
5. Kẹo dẻo
Kẹo dẻo là một nguồn đường hữu ích vì hầu hết các loại kẹo dẻo đều chứa nhiều đường bổ sung. Do đó, người bệnh có thể không cần quá nhiều viên đường để đạt đến mức 15g carbohydrate.
Làm thế nào để ngăn ngừa tình trạng hạ đường huyết?
Để ngăn ngừa các đợt hạ đường huyết người bệnh cần:
- Theo dõi đường máu: Thường xuyên theo dõi lượng đường máu bằng máy đo đường huyết hoặc máy theo dõi glucose liên tục… để biết khi nào lượng đường trong máu giảm xuống dưới phạm vi mục tiêu; ghi lại chỉ số đường huyết, liều dùng thuốc và thời gian ăn, báo cho bác sĩ biết để có thể điều chỉnh thuốc (khi cần thiết) hoặc đưa ra các đề xuất khác phù hợp.
- Theo dõi liều dùng thuốc: Theo dõi thời uống thuốc và ghi vào nhật ký theo dõi. Một số loại thuốc, như sulfonylurea và insulin, có nhiều khả năng gây hạ đường huyết. Nhiều người cần dùng nhiều loại thuốc để kiểm soát bệnh tiểu đường của mình. Khi kết hợp sulfonylurea với các loại thuốc như chất chủ vận peptide-1 giống glucagon (GLP-1), chẳng hạn như ozempic, cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển hạ đường huyết.
Theo dõi thuốc cùng với lượng đường trong máu có thể giúp bạn xác định xem bạn có cần thay đổi liều lượng hoặc kết hợp thuốc hay không, giúp người bệnh tránh vô tình uống quá nhiều thuốc, có thể gây hạ đường huyết.
- Tuân thủ chế độ ăn uống: Ăn đủ lượng carbohydrate, protein và chất béo lành mạnh trong ngày có thể giúp tránh được các cơn hạ đường huyết. Tuyệt đối không bỏ bữa và ăn đủ trong mỗi bữa ăn hoặc bữa ăn nhẹ.