Năm 2022 với chủ đề “Giáo dục và hỗ trợ - đẩy mạnh việc nuôi con bằng sữa mẹ”, tuần lễ thế giới NCBSM năm nay sẽ tập trung đẩy mạnh tính bền vững và liên tục của việc nuôi con bằng sữa mẹ ở nhiều nhóm xã hội khác nhau nhằm bảo vệ, hỗ trợ và khuyến khích bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19, góp phần nâng cao sức khoẻ, giảm tử vong trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Các bên liên quan này sẽ tạo thành một dây chuyền hỗ trợ việc nuôi con bằng sữa mẹ, bao gồm chính phủ, hệ thống y tế, nơi làm việc và cộng đồng, sẽ cần được cung cấp thông tin, giáo dục và thúc đẩy tăng cường năng lực trong việc xây dựng môi trường thân thiện để nuôi con bằng sữa mẹ cho các gia đình sau đại dịch. Sự giáo dục và chuyển đổi các hệ thống hiện có với sự hỗ trợ từ các chính sách quốc gia dựa trên những bằng chứng xác thực sẽ giúp đảm bảo môi trường thân thiện để nuôi con bằng sữa mẹ tại các cơ sở y tế, nơi làm việc, và cộng đồng, đồng thời khôi phục và cải thiện tỉ lệ cho con bú, dinh dưỡng và sức khoẻ trong ngắn hạn và lâu dài.
Bốn mục tiêu chính được đặt ra trong tuần lễ thế giới NCBSM năm nay là cung cấp thông tin về vai trò của bên liên quan trong việc tăng cường chuỗi hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ; khuyến khích việc cho con bú như một phần của chế độ dinh dưỡng tốt, an ninh lương thực và giảm bất bình đẳng; liên kết với các cá nhân và tổ chức trong chuỗi hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ và thúc đẩy hành động để tăng cường năng lực của các bên liên quan và hệ thống nhằm tạo nên thay đổi vượt bậc.
Việc hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ cần sự chung tay từ nhiều bên liên quan với nhiều cấp độ khác nhau. Bà mẹ cần sự hỗ trợ từ các dịch vụ y tế, nơi làm việc và cộng đồng trong từng giai đoạn để có thể nuôi con bằng sữa mẹ một cách tối ưu nhất. Đây được gọi là Chuỗi hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ gồm 5 quá trình: Tiền sản (Trong thời gian mang thai/ trước khi sinh); Chuyển dạ và sinh con; Chăm sóc sau sinh/ Sáu tuần đầu sau sinh; Chăm sóc duy trì; Trường hợp đặc biệt & Trường hợp khẩn cấp.
Cha mẹ cần chuẩn bị cho việc nuôi con bằng sữa mẹ, đây là điều quan trọng trong thời kỳ mang thai. Tuy nhiên, họ có thể không hiểu hết về sự cần thiết của việc nuôi con bằng sữa mẹ hoặc các bước cần chuẩn bị. Do đó, cha mẹ cần biết các thông tin về tầm quan trọng và thời gian nuôi con bằng sữa mẹ, lên kế hoạch sinh con, nuôi con bằng sữa mẹ cũng như việc nuôi con bằng sữa mẹ tại nơi làm việc. Tuy nhiên, việc cung cấp và tiếp nhận thông tin còn gặp một số hạn chế như cán bộ y tế thường không được đào tạo đầy đủ, thiếu cán bộ y tế và cam kết của bên cung cấp các dịch vụ y tế….
Các can thiệp y tế trong quá trình chuyển dạ và sinh con có thể cản trở việc bắt đầu quá trình nuôi con bằng sữa mẹ. Do đó, việc chăm sóc thân thiện với bà mẹ bao gồm môi trường yên tĩnh và thoải mái, tự do đi lại, ăn uống, kê thuốc tối thiểu và tư thế sinh đẻ, tiếp xúc da kề da ngay lập tức và bú sớm, người đồng hành khi sinh là rất quan trọng.
Sau khi mẹ và bé rời phòng sinh, các dịch vụ chăm sóc hậu sản cho mẹ và chăm sóc sau sinh cho bé được tiến hành. Dịch vụ này được thực hiện bởi nhân viên bệnh viện trong vài giờ đến vài ngày và dịch vụ cộng đồng sẽ tiếp tục hỗ trợ việc chăm sóc trong 6 tuần đến khi kiểm tra trong giai đoạn hậu sản.
Tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn và tiếp tục cho con bú có thể giảm đáng kể sau giai đoạn sau sinh do một số thách thức từ việc thiếu sự hỗ trợ từ người cha, gia đình và cộng đồng làm người mẹ mất động lực, các bà mẹ không được hưởng đầy đủ chế độ thai sản và không nhận được sự hỗ trợ từ nơi làm việc, thiếu kiến thức và nhận thức thực tế giữa các cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và cộng đồng nói chung. Do đó, để cải thiện việc duy trì và tiếp tục cho con bú, các cơ sở cung cấp chăm sóc dịch vụ sức khỏe và cộng đồng cần tăng cường tư vấn về nuôi con bằng sữa mẹ khi tiếp xúc với bà mẹ và trẻ sơ sinh, tăng cường sự tham gia đồng hành của người cha và các thành viên khác trong gia đình, giới thiệu gia đình đến nơi cung cấp tư vấn về nuôi con bằng sữa mẹ và các nhóm hỗ trợ, đảm bảo rằng người tư vấn và nhóm hỗ trợ được đào tạo. Bên cạnh đó, cần khuyến khích người sử dụng lao động chuẩn bị phòng cho con bú, nghỉ thai sản/cha mẹ được trả lương và giờ làm việc linh hoạt, vận động bình thường hóa việc nuôi con bằng sữa mẹ và tạo môi trường thân thiện với việc cho con bú.
Đối với các trường hợp đặc biệt và trường hợp khẩn cấp, khi cần thay thế sữa mẹ thì thứ tự ưu tiên nên là sữa mẹ ruột được vắt ra à sữa mẹ (sữa mẹ được vắt, cho bởi các bà mẹ khác ở cùng phòng, cùng bệnh viện, cơ sở y tế) à sữa thay thế sữa mẹ (sữa công thức cho trẻ uống bằng cốc).
Để tăng cường sức khỏe, phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm COVID-19 ở phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh, các bà mẹ khi mang thai và nuôi con nhỏ cần hiểu rõ lợi ích và tuân thủ việc cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh, nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và bú kéo dài đến 24 tháng cũng như duy trì nguồn sữa khi trở lại làm việc sau 6 tháng nghỉ thai sản.