Cuộc họp quy tụ 16 chuyên gia quốc tế, diễn ra sau khi cơ quan giám sát y tế của Liên minh châu Phi (AU) ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng cấp châu lục vì đợt bùng phát đang lan mạnh. Bệnh đậu mùa khỉ đã lan rộng khắp CHDC Congo trước khi lây lan sang các quốc gia khác. CHDC Congo chính là nơi đầu tiên loại virus gây bệnh đậu mùa được phát hiện ở người vào năm 1970.
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết từ đầu năm 2024 đến nay, CHDC Congo đã báo cáo phát hiện hơn 14.000 ca bệnh và 524 ca tử vong vì bệnh đậu mùa khỉ, vượt quá tổng số của năm ngoái. Ông đánh giá sự xuất hiện và lây lan nhanh chóng của biến thể 1b từ năm ngoái ở CHDC Congo (dường như lây lan chủ yếu qua đường tình dục) và việc phát hiện ra virus ở các quốc gia lân cận là đặc biệt đáng lo ngại.
Đây là một trong những lý do chính khiến ông quyết định triệu tập ủy ban khẩn cấp. Trong tháng qua, khoảng 90 ca nhiễm biến thể 1b đã được phát hiện tại 4 quốc gia lân cận CHDC Congo vốn chưa từng có sự xuất hiện của virus trước đây gồm Burundi, Kenya, Rwanda và Uganda. Người đứng đầu WHO nhấn mạnh nhiệm vụ hiện nay không phải chỉ là giải quyết 1 đợt bùng phát 1 biến thể mà là giải quyết một số đợt bùng phát các biến thể khác nhau ở các quốc gia khác nhau với các phương thức lây truyền khác nhau và các mức độ rủi ro khác nhau.
Ủy ban sẽ tư vấn cho ông Tedros về việc liệu đợt bùng phát này có phải là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu (PHEIC) hay không. PHEIC là mức báo động cao nhất mà WHO có thể đưa ra, cho phép kích hoạt các phản ứng khẩn cấp ở các quốc gia trên toàn thế giới theo Quy định Y tế quốc tế có ràng buộc về mặt pháp lý. Nếu được tuyên bố, đây sẽ là PHEIC thứ hai vì bùng phát bệnh đậu mùa khỉ.
Trước đó, hồi tháng 5/2022, số ca nhiễm đậu mùa khỉ tăng vọt trên toàn thế giới, chủ yếu ảnh hưởng đến nam giới đồng tính và song tính, chủ yếu do biến thể 2b gây ra. Khi đó, WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng kéo dài từ tháng 7/2022 đến tháng 5/ 2023. Đợt bùng phát này đến nay hầu như đã lắng dịu nhưng cũng đã gây ra khoảng 140 ca tử vong trong số khoảng 90.000 ca. Trong đợt bùng phát mới này, biến thể 1b bắt đầu gia tăng ở CHDC Congo kể từ tháng 9/2023, gây bệnh nặng hơn biến thể 2b, với tỷ lệ tử vong cao hơn.
Đậu mùa khỉ là một bệnh truyền nhiễm do virus lây truyền sang người từ động vật bị nhiễm bệnh nhưng cũng có thể lây từ người sang người thông qua tiếp xúc vật lý gần. Bệnh gây sốt, đau nhức cơ và tổn thương da lớn giống như nhọt. Hiện các chuyên gia WHO khuyến nghị sử dụng 2 loại vaccine phòng bệnh đậu mùa để tiêm phòng.
Nguồn tin: Khoa TT GDSK:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn