Theo thống kê, hằng năm tỉ lệ tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm tới 74% số ca tử vong ở Việt Nam. 3 nguyên nhân chính dẫn đến gia tăng các bệnh này là do lối sống không khoa học, chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý và ít vận động.
Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng quốc gia, tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có 12,5 triệu người bị tăng huyết áp; 3,5 triệu người bị đái tháo đường; 2 triệu người mắc bệnh tim; gần 165.000 ca mắc ung thư mới… Theo thống kê, hằng năm tỉ lệ tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm tới 74% số ca tử vong ở Việt Nam.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhấn mạnh: lối sống không khoa học, chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý và ít hoạt động thể lực là 3 nguyên nhân chính làm gia tăng các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư và tim mạch…
"Mới đây ngày 05/01/2022, Chính phủ đã có quyết định phê duyệt Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Mục tiêu tổng quát của chiến lược là thực hiện dinh dưỡng hợp lý để cải thiện tình trạng dinh dưỡng phù hợp với từng đối tượng, địa phương, vùng, miền, dân tộc. Từ đó góp phần giảm thiểu gánh nặng bệnh tật, nâng cao tầm vóc, thể lực và trí tuệ của người Việt Nam.
Thực hiện lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng phù hợp và tập thể dục thể thao góp phần hình thành thói quen, nâng cao thể chất, tinh thần.
Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, những năm gần đây, tỉ lệ béo phì tại Việt Nam có xu hướng gia tăng. Nếu trước những năm 1990, hầu hết nguyên nhân tử vong là do các dịch bệnh truyền nhiễm thì hiện nay chủ yếu lại là do thói quen ăn uống và sinh hoạt không lành mạnh.
Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng do cuộc sống quá bận rộn nên không có thời gian tập thể dục. Theo các chuyên gia, việc vận động không nhất thiết phải là tập luyện bài bản, chơi thể thao, mà tập luyện ngay chính trong cuộc sống hằng ngày, từ những việc như đi bộ cầu thang, dọn dẹp nhà cửa, vận động đi lại trong phòng.
Tuy nhiên để rèn luyện sức khỏe, tốt nhất vẫn nên dành thời gian 30 phút/ngày để tập luyện và duy trì thói quen này.