Bộ trưởng Đào Hồng Lan: Bộ Y tế đã rất nỗ lực tháo gỡ khó khăn về thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế

Thứ năm - 16/03/2023 21:24
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu rõ thời gian qua Bộ Y tế cùng các bộ, ngành đã rất nỗ lực, cố gắng tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, chỉ đạo đẩy mạnh việc thực hiện mua sắm, cung ứng đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, đặc biệt tập trung tháo gỡ những khó khăn về mặt pháp lý...
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan.

Trong báo cáo trả lời kiến nghị cử tri gửi đến sau kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã đề cập đến nhiều vấn đề của ngành y, trong đó có tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế ở các bệnh viện công.

Lý do có hiện tương thiếu thuốc, vật tư y tế ở một số cơ sở y tế công lập

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, hiện tượng thiếu thuốc, vật tư y tế ở một số cơ sở y tế công lập thời gian qua có nguyên nhân khách quan, do thời điểm năm 2021, các cơ sở y tế phải tập trung chống dịch COVID-19, tăng khối lượng công việc do dịch nên việc xây dựng, thực hiện kế hoạch mua sắm, đấu thầu bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, nguồn cung nguyên liệu, hàng hóa khan hiếm, giá cả biến động tăng trên quy mô toàn cầu khiến việc mua sắm thuốc, vật tư y tế, hóa chất, các sinh phẩm càng trở nên khó khăn hơn.

Sau đại dịch, số lượng người dân đi khám, chữa bệnh tăng vọt, vượt quá khả năng cung ứng thuốc, hóa chất, vật tư y tế của các cơ sở y tế. Trong khi đó, các hợp đồng cung ứng đã thực hiện những năm trước hết hạn phải chờ kế hoạch đấu thầu mới.

Về nguyên nhân chủ quan, đó là việc hạn chế nguồn cung do việc cấp phép, gia hạn giấy phép lưu hành chậm; có tâm lý e ngại, sợ sai trong tổ chức thực hiện mua sắm, thiếu nhân lực có chuyên môn tổ chức đấu thầu; tiến độ thực hiện mua sắm thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung thuốc quốc gia, đàm phán giá và đấu thầu tập trung cấp địa phương còn chậm; nhiều gói thầu số lượng ít không thu hút nhà cung cấp,...

Một số đơn vị có tình trạng tồn tại công nợ với nhà thầu, do chưa được thanh, quyết toán chi phí khám, chữa bệnh một số năm trước đó. Một số nhà cung cấp e ngại trong việc cung ứng hàng hóa cho các đơn vị công do liên quan tới giá chưa hợp lý, thủ tục đấu thầu, thanh toán phức tạp. Một số nhà thầu không tiếp tục tham dự thầu, không tiếp tục sẵn sàng giao hàng hoặc giao hàng với một số lượng rất hạn chế, chỉ đủ sử dụng trong một thời gian ngắn, gây nên tình trạng thiếu hụt thuốc sử dụng cho người bệnh.

Nhiều gói thầu phải thực hiện đấu thầu lần 2, lần 3 vẫn không có kết quả vì không có nhà thầu dự thầu do giá hàng hóa trên thị trường đã biến động, tăng so với giá kế hoạch được lập.

Tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý, đẩy nhanh tiến độ cấp, gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, trang thiết bị y tế


Về giải pháp khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay, ngoài hoàn thiện hành lang pháp lý, Bộ đẩy nhanh tiến độ cấp, gia hạn giấy đăng ký lưu hành theo quy định tại Luật Dược; ban hành các thông tư liên quan đến công tác đăng ký thuốc, đẩy mạnh việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đặc biệt với các quy định về hồ sơ gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc…

Trong đó đã trình Quốc hội thông qua Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi với các giải pháp như quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, tự chủ hay các quy định về vay vốn, thuê, mượn thiết bị y tế...

Bên cạnh đó với sự cho phép của nghị quyết 80 của Quốc hội, trong tháng 2-2023, Bộ Y tế đã gia hạn giấy phép lưu hành của gần 10.000 thuốc, đảm bảo nguồn cung, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp cung ứng thuốc trên thị trường.

Ngoài ra, Bộ Y tế đã thực hiện phân cấp toàn diện phê duyệt thẩm quyền quyết định mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua thuốc cho các cơ sở y tế trực thuộc Bộ.

Cùng với đó là đẩy nhanh tiến độ thực hiện mua sắm tập trung thuốc quốc gia, đàm phán giá. Cụ thể, trong năm 2022, đã tổ chức thành công 3 gói thầu thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp Quốc gia: Giảm giá 1.418 tỷ đồng so với giá kế hoạch (giảm gần 18%); đàm phán giá thành công 61/69 mặt hàng thuốc: Giảm giá 1.995 tỷ đồng (xấp xỉ 15%).

Đồng thời, Bộ tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và các giải pháp nhằm ổn định tư tưởng cho cán bộ, công chức, chuyên gia thẩm định hồ sơ, tiếp tục đề xuất các giải pháp khắc phục tình trạng công chức, chuyên gia thẩm định xin thôi việc hoặc không tham gia thẩm định hồ sơ. Sửa đổi quy định về thu phí đăng ký thuốc và chế độ thù lao cho chuyên gia để thúc đẩy công tác thẩm định hồ sơ...

Bộ Y tế đã thành lập 4 đoàn kiểm tra, khảo sát tình hình cung ứng, sử dụng thuốc, vật tư, trang thiết bị tại các cơ sở y tế. Đồng thời, Bộ có văn bản yêu cầu các sở y tế, các bệnh viện Trung ương báo cáo về tình hình cung ứng thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế để đánh giá thực trạng cung ứng thuốc, trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế…

Cùng với đó bộ đã trình Chính phủ ban hành một số nghị định, văn bản và thông tư, văn bản, chỉ đạo, điều hành về cung ứng thuốc...

Đặc biệt để tiếp tục tháo gỡ khó khăn liên quan đảm bảo việc cung ứng đầy đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế ngay đầu tháng 3/2023, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 07 sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 98 về quản lý trang thiết bị y tế; trình Chính phủ ban hành Nghị quyết 30 về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế...

 Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan với những văn bản được ban hành nêu trên về cơ bản đã tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc của các cơ sở y tế.

Nguồn tin: TTKSBT (Theo SKĐS):

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

CÔNG KHAI GIÁ BYT
Cổng thông tin tiếp nhận,xử lýphản ánh hiện trường
PHÁP ĐIỂN
Thống kê
  • Đang truy cập145
  • Hôm nay33,234
  • Tháng hiện tại360,151
  • Tổng lượt truy cập41,652,960
Thăm dò ý kiến

Theo bạn, nội dung cung cấp trên website Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bến Tre:

Liên kết websites
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây