Việt Nam ghi nhận hơn 1.200 người nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng năm 2023, trong đó có nhiều trẻ vị thành niên.
Thông tin được ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, cho biết tại buổi cung cấp thông tin về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, do Bộ Y tế tổ chức sáng 3/5.
So với cùng kỳ 2022, số ca nhập viện tăng đáng kể. Đáng chú ý, trong hơn 1.200 bệnh nhân, có 27 em dưới 16 tuổi, 44 ca trong nhóm 16-18 tuổi.
Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá tại 11 tỉnh thành cũng cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 13-17 tuổi tăng từ 2,6% (năm 2019) lên 8,1% (năm 2023).
Ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ đã tăng hơn gấp đôi từ 3,5% (năm 2022) lên 8% năm 2023. Đặc biệt, ở nữ giới tuổi 11-18, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 4,3% năm 2023.
"Hút thuốc lá điếu thông thường đã và đang gây ra gánh nặng lớn về sức khỏe, kinh tế. Nếu cấp phép thuốc lá mới với thành phần nicotin, các sản phẩm này sẽ nhanh chóng gây nghiện và gia tăng số người sử dụng theo thời gian", ông Khuê nói, thêm rằng thuốc lá mới đe dọa những thành quả bước đầu trong công cuộc phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam.
TS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống Độc, Bệnh viện Bạch Mai, cũng cho biết trong thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng mới chứa nhiều hương liệu, hóa chất không phải từ nguyên liệu thuốc lá điếu thông thường. Thông qua việc phối trộn, người sử dụng có thể tự ý tăng tỷ lệ nicotin quá mức hoặc thêm ma túy cũng như các chất gây nghiện khác, gây hại cho người sử dụng. Ngoài ra, chi phí điều trị cho những ca ngộ độc thuốc lá điện tử trộn ma túy tiêu tốn từ trên 10 triệu đến hàng trăm triệu đồng.
"Việt Nam cần khẩn cấp cấm việc sản xuất, lưu hành thuốc lá điện tử, có như vậy mới phòng tránh được một loạt vấn đề lớn và nghiêm trọng về sức khỏe với người dân", bác sĩ Nguyên đề xuất.
Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy đã có ít nhất 39 quốc gia và vùng lãnh thổ cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử. Trong khu vực ASEAN, 5 quốc gia quy định cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử là Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei và Campuchia.
Đối với thuốc lá nung nóng, ít nhất 18 quốc gia cấm (trong đó có 5 quốc gia thuộc ASEAN gồm Capuchia, Lào, Singapore, Thái Lan, Brunei).
Ông Khuê cho hay quan điểm của Bộ Y tế đối với thuốc lá thế hệ mới là cấm tuyệt đối. Bộ Y tế đang nghiên cứu đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác có thể sẽ xuất hiện trong tương lai.
Về lâu dài, Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ, Quốc hội để xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống tác hại thuốc lá để bổ sung quy định này vào luật để bảo đảm tính ổn định trong triển khai thực hiện.
Thuốc lá điện tử chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành tại thị trường trong nước, tuy nhiên việc mua bán, quảng cáo đang diễn ra phổ biến, đặc biệt trên Internet. Được thiết kế đa dạng với nhiều kiểu dáng, hương vị hấp dẫn, những loại thuốc này thu hút giới trẻ, tỷ lệ sử dụng xu hướng tăng nhanh.
Thành phần chính trong thuốc lá điện tử là chất nicotine, có khả năng gây nghiện cao, tương tự ma túy. Nicotine ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ ở lứa tuổi thanh thiếu niên, thậm chí gây tổn thương bào thai. Khói thuốc lá chứa các chất gây ung thư, tăng nguy cơ mắc suy tim, đột quỵ, suy giảm miễn dịch, giảm sức đề kháng. Sử dụng nicotine quá liều sẽ gây ngộ độc.
Trong thuốc lá điện tử có hương liệu tạo mùi thơm, có thể gây ngộ độc hoặc gây kích thích, từ đó dẫn tới sử dụng các chất gây nghiện khác như rượu bia, thuốc lá điếu, ma túy...
Nguồn tin: Lê Trang (Theo SKĐS):
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn